Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến thị trường lao động và an sinh xã hội ở Việt Nam
06:40 PM 13/05/2022
(LĐXH)-Trong khuôn khổ Đề tài Khoa học & Công nghệ cấp Quốc gia: “Nghiên cứu, đánh giá tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến thị trường lao động và an sinh xã hội của Việt Nam, định hướng chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển thị trường lao động đến năm 2030”, ngày 13/5/2022, Viện Khoa học Lao động và Xã hội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đánh giá thực trạng và dự báo tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến thị trường lao động và an sinh xã hội ở Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có TS. Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội; TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội, chuyên gia cao cấp của Bộ LĐ-TB&XH; TS. Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Chủ nhiệm Đề tài cùng các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các ban, ngành, viện nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội nhấn mạnh: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. CMCN lần thứ 4 với đặc điểm là tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan toả của số hoá và công nghệ thông tin  đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, và đang tạo ra tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.
TS. Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại Việt Nam, cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đã rất rõ ràng thể hiện qua việc ứng dụng điện thoại di động trong nông nghiệp, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong canh tác và đánh bắt cá hay các công nghệ vệ tinh và khoa học nông nghiệp; sự xuất hiện của taxi công nghệ (grab, Go-Viet, Go-Jek), dịch vụ du lịch và khách sạn (Airbnb,..); dịch vụ bán lẻ (eBay,..); dịch vụ lao động, việc làm; dịch vụ quảng cáo trực tuyến (facebook, google,..), v.v. Nó thực sự đã làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, thay đổi thể thức hợp đồng lao động, nguy cơ phá vỡ thị trường lao động hiện có, nhiều doanh nghiệp khi ứng dụng công nghệ mới đã sa thải lao động, đặc biệt nhóm lao động trung niên, gây ra nhiều thách thức đối với hệ thống an sinh xã hội.
Nếu Việt Nam không nghiên cứu ngay vấn đề “tác động và dự báo tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến thị trường lao động và an sinh xã hội” để có những giải pháp thích ứng thì sẽ khó “nắm bắt được cơ hội, không chỉ về ngành nghề mới, việc làm mới mà còn là phương thức cung cấp, tổ chức lao động mới".
Theo các chuyên gia tại Hội thảo, khi chuyển sang nền công nghiệp 4.0, một mặt làm tăng sự phát triển kinh tế, mặt khác làm thay đổi cơ cấu việc làm theo ngành nghề trong nền kinh tế. Việc áp dụng tự động hoá có thể tăng năng suất lao động và giảm chi phí; đi cùng đó là ảnh hưởng đến quy mô lực lượng lao động dẫn đến sa thải lao động, làm cho lao động dịch chuyển từ ngành này sang ngành khác. Một số loại việc làm mất đi, một số việc làm mới phát sinh, hiện tượng chuyển đổi công việc giữa các ngành, các nghề và giữa các trình độ chuyên môn môn kỹ thuật xuất hiện. Sự phát triển quan hệ lao động theo các hình thức mới giữa con người và máy móc dẫn đến hình thức quan hệ lao động mới và thay đổi bản chất và vai trò của các cấu phần trong quan hệ lao động như hợp đồng lao động, thương lượng tập thể…
Các chuyên gia chia sẻ các đánh giá tác động của CMCN 4.0 đến thị trường lao động và an sinh xã hội
Về tác động của CMCN 4.0 đến vấn đề đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực Việt Nam, TS. Trịnh Thu Nga, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, năm 2020, cả nước có 51,29 triệu người lao động, bao gồm: 12,98 triệu người đã qua đào tạo có bằng/ chứng chỉ (25%), trong đó có 8,12 triệu người có trình độ từ CĐ& ĐH trở lên có nhu cầu đào tạo các kỹ năng mới, đào tạo lại, đào tạo nâng cao; 21 triệu người có kỹ năng nghề (không có bằng/chứng chỉ) (chiếm 41%) cần được thi để cấp chứng chỉ kỹ năng nghề và đào tạo kỹ năng mới, đào tạo lại, đào tạo nâng cao để duy trì việc làm hay chuyển đổi việc làm phù hợp; 17,31 triệu người chưa qua đào tạo/không có kỹ năng nghề (33,75%) cần được đào tạo kỹ năng mềm, công nhân kỹ thuật hay đào tạo ở các cấp trình độ cao hơn (nếu đáp ứng) để duy trì việc làm hay chuyển đổi việc làm phù hợp. Do vậy, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN đối với đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động; xây dựng chiến lược phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0; thúc đẩy chuyển đổi số trong  đào tạo; đổi mới, chuyển mạnh giáo dục đại học, GDNN theo nhu cầu của xã hội, định hướng cầu của thị trường lao động. 
Đánh giá tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến việc làm, thu nhập và nghèo đói của hộ gia đình, TS. Nguyễn Việt Cường, Đại học Quốc gia Hà Nội, dự báo: Trong 3 năm tới dưới tác động của CMCN 4.0 thì tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo của doanh nghiệp sẽ bị giảm đi 4,8%, lao động đã qua đào tạo sẽ tăng 5,4% và lao động có trình độ đại học trở lên tăng thêm khoảng 11,3%. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo của ngành sản xuất da và sản phẩm liên quan giảm nhiều nhất, lên tới 18,1%. Các ngành có nhiều lao động như dệt may, chế tạo cũng có tỷ lệ lao động không có kỹ năng giảm sút khá nhiều, ở mức gần 5%.
Toàn cảnh Hội thảo
CMCN 4.0 được dự báo có thể làm giảm thu nhập trung bình vào khoảng 0,85% nếu như hộ gia đình không thích ứng được với CMCN 4.0. Trong trường hợp thích ứng được thì thu nhập sẽ tăng 0,21%. Trong kịch bản không thích ứng được với CMCN 4.0 thì lao động không qua đào tạo sẽ bị mất việc và tất cả các nhóm hộ gia đình đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong kịch bản thích ứng được với CMCN 4.0 thì lao động qua đào tạo và có trình độ sẽ được hưởng lợi. Đa phần các nhóm hộ gia đình sẽ được hưởng lợi, đặc biệt hộ gia đình có trình độ giáo dục cao, chủ hộ tốt nghiệp THPT trở lên. Tuy nhiên, các hộ gia đình dân tộc thiểu số và ở nông thôn cũng như hộ gia đình mà chủ hộ có học vấn thấp sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi CMCN 4.0. Theo TS. Nguyễn Việt Cường, cần nâng cao trình độ giáo dục và kỹ năng nghề của lao động để nắm bắt được cơ hội của CMCN 4.0; Nhà nước cũng cần có chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ người lao động bị mất việc do tác động của CMCN 4.0.
Các chuyên gia tại Hội thảo cũng nhất trí cho rằng, sự thay đổi trong bản chất việc làm, cách thức tổ chức lao động mới dẫn tới cần phải xem xét các vấn đề phù hợp về chính sách liên quan như trả lương tối thiểu, thuế sử dụng lao động hay phúc lợi xã hội, v.v.. Cần phải tạo ra các hình thức mới của những thỏa thuận xã hội và việc làm, phù hợp với sự thay đổi của lực lượng lao động và sự tiến triển của bản chất việc làm. Trong dài hạn, cần hoàn thiện và đưa ra những giải pháp về chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách quản trị thị trường lao động, các chính sách liên quan đến quan hệ việc làm, quan hệ lao động và các chính sách an sinh xã hội để thích ứng với những thay đổi trong thị trường lao động, phù hợp với những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Kết luận Hội thảo, TS. Đào Quang Vinh, Chủ nhiệm đề tài, cho rằng: Vấn đề đặt ra là cần thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về CMCN 4.0; nâng cao chất lượng việc làm trên cơ sở áp dụng các công nghệ 4.0; có các chính sách đối với các hình thức việc làm mới; đổi mới mô hình quản trị thị trường lao động; đào tạo và đào tạo lại, đặc biệt là cho lao động trình độ thấp và lao động chưa qua đào tạo cũng như tăng cường các chính sách an sinh xã hội để xử lý các hậu quả do tác động tiêu cực của CMCN 4.0 đến các vấn đề thất nghiệp, phân hóa thu nhập, nghèo đói…
Đức Dương
TAG: CMCN 4.0 Tác động thị trường lao động an sinh xã hội Viện Khoa học Lao động và Xã hội bao
Tin khác
Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5
TP.HCM: Hơn 2.600 lượt công nhân được vay vốn lãi suất ưu đãi từ CEP
Nghệ An: Chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động
TP.HCM: Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tuyển hơn 1.500 vị trí việc làm
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần