Sức khỏe - Đời sống
Trang chủ / Sức khỏe - Đời sống / Sức khỏe - Đời sống
Sự chung tay của cộng đồng - Động lực để bệnh nhân lao chữa bệnh
03:06 PM 19/12/2022
(LĐXH)- Để phòng, chống lao có hiệu quả, bên cạnh vai trò chủ đạo của Ngành Y tế cần có sự chung tay của toàn xã hội trong việc phát hiện sớm người mắc bệnh lao, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bệnh này, giảm sự kỳ thị đối với những người mắc bệnh lao và tăng cường sự trợ giúp của cộng đồng để người mắc lao và gia đình khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, hòa nhập xã hội.
Gánh nặng bệnh lao
Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao và là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Theo báo cáo của WHO năm 2020, nước ta có hơn 172.000 người mắc bệnh lao và có 10.400 người tử vong vì căn bệnh này, trong đó, 63% bệnh nhân lao tử vong chỉ bị lao thường.
Theo BS, Thầy thuốc Nhân dân Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk: Một bệnh nhân bị bệnh lao thông thường chi phí điều trị khoảng hơn 10 triệu đồng; Đối với mỗi trường hợp lao kháng thuốc tốn chi phí điều trị khoảng 100 triệu đồng. Điều đáng nói là có tới 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Có đến 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí vượt quá 20% thu nhập hàng năm của gia đình cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao.   Trung bình một người mắc lao sẽ mất đi từ 3-4 tháng lao động. Sự nghèo khó lại càng đưa người bệnh lao vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật. Vì vậy, bệnh lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
Hoạt động sàng lọc lao tại cộng đồng
Là một trong những người cùng các cộng sự đang trực tiếp “chiến đấu” với bệnh lao ở tỉnh Đắk Lắk, BS, Thầy thuốc Nhân dân Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Một trong những khó khăn quan trọng nhất của Chương trình chống lao, đặc biệt là vấn đề khám sàng lọc, quản lý lao, điều trị tại cộng đồng là sự hiểu biết của người dân về bệnh lao chưa nhiều, đặc biệt là không chỉ nhiều người dân, mà cả những cán bộ quản lý của chúng ta vẫn còn kỳ thị với bệnh này. Tức là người ta ngại công bố danh tính, ngại hàng xóm biết mình bị bệnh lao thì bị kỳ thị, xa lánh. Chính vì vậy, khi có dấu hiệu bị lao họ ngại tiếp xúc, ngại đến cơ sở y tế để khai báo và điều trị, làm cho công tác quản lý, thu dung, điều trị của ngành chuyên môn thêm khó khăn và vì thế khả năng lây nhiễm chéo trong cộng đồng cũng sẽ lớn hơn.
Tiếp theo là sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương đối với bệnh lao chưa đúng mức, thường chính quyền địa phương giao khoán cho ngành Y tế, do đó sự vào cuộc của cộng đồng chưa mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách dành cho công tác phòng chống, điều trị bệnh lao còn khiêm tốn. Đội ngũ cán bộ của chương trình chống lao luôn thay đổi làm cho mạng lưới phòng chống lao luôn xáo trộn. Ngành lao là ngành đặc thù nên rất khó tuyển cán bộ, viên chức vào làm việc. Những cán bộ giỏi, có trình độ ít chọn Ngành Lao để về công tác.
Hội nghị đồng thuận phòng chống lao
Sự chung tay của cộng đồng - Yếu tố bền vững để sớm chấm dứt bệnh lao
Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.
Lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với khả năng lây lan trong cộng đồng cao, do đó việc phòng chống lao dựa vào cộng đồng được xem là yếu tố bền vững để tiến đến đích trong việc thanh toán bệnh lao.
Trong những năm qua chương trình Chống lao Quốc gia đã rất nỗ lực trong công tác này và đã thu được những thành tựu đáng ghi nhận. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV, Lao và sốt rét, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) (thuộc Bộ Khoa học Công nghệ) là đơn vị chủ trì dự án đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ tổ chức và huy động cộng đồng người dân tham gia tại các tỉnh, thành của Việt Nam.
Năm 2022, Dự án tăng cường hệ thống cộng đồng phòng, chống và chấm dứt bệnh lao đã được triển khai tại 7 tỉnh/thành phố: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Hải Phòng, Nghệ An; đã tổ chức sàng lọc cho gần 24.000 người dân. Hệ thống cộng đồng chấm dứt bệnh lao (CSET) ở 6 tỉnh đã được thiết lập và nâng cao năng lực, đến nay đã có 428 thành viên, trở thành nguồn lực nhân lực quan trọng trong chủ động tìm ca, hỗ trợ đưa vào và tuân thủ điều trị.
Tặng quà cho bệnh nhân lao
Hiện nay, nhờ có dự án, đặc biệt là có các xe chụp Xquang lưu động về tận địa phương với đội ngũ cộng tác viên, nhân viên y tế đến từng nhà, rà từng người mời đến Nhà văn hóa hoặc Trạm y tế xã để khám mà không cần phải đi xa khiến cho công tác sàng lọc lao chủ động thuận lợi hơn bao giờ hết. 
Để đạt mục tiêu thanh toán hoàn toàn bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2030 vẫn đang cần nhiều nỗ lực của cộng đồng. Bệnh lao có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, vì vậy không nên coi công tác phòng, chống bệnh lao là nhiệm vụ của riêng Ngành Y tế, mà các cấp, các ngành, các địa phương cần có sự quan tâm thích đáng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm cung cấp những kiến thức cần thiết về phòng, chống lao cho người dân, không xa lánh, kỳ thị với người mắc bệnh lao.
Cùng với công tác hỗ trợ trong điều trị thì việc tạo sinh kế, trợ giúp của cộng đồng để người mắc lao và gia đình họ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, hòa nhập xã hội cũng rất cần được quan tâm.
Theo bà Phạm Thị Hải Hà - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đa phần cuộc sống của những gia đình có bệnh nhân lao đều rất khó khăn. Chính vì vậy, Bộ đã thực hiện lồng ghép vào các chương trình, chính sách trợ giúp xã hội và an sinh xã hội của Việt Nam để trợ giúp nhóm đối tượng này. Những bệnh nhân mắc bệnh lao mãn tính thuộc hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ giới thiệu việc làm đảm bảo sinh kế./.
Thảo Lan
TAG: Sự chung tay của cộng đồng động lực bệnh nhân lao chữa bệnh Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng SCDI sàng lọc lao tại cộng đồng bao
Tin khác
Khám, chữa bệnh miễn phí và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái
Hà Nội ghi nhận số người mắc thủy đậu gia tăng cả ở người lớn và trẻ nhỏ
Giải pháp nào để đảm bảo 100% bệnh nhân lao có thẻ bảo hiểm y tế?
Phác đồ “giờ vàng’’ cứu sống hàng trăm trẻ sinh rất non
Lần đầu tiên người dân Việt Nam được tiêm vắc xin não mô cầu thế hệ mới
Cha mẹ lưu ý tuổi dậy thì đang có xu hướng trẻ hóa
Lấy sự hài lòng của người bệnh làm mục tiêu đổi mới
Ca sĩ Kavie Trần: “Ngày Tết Việt Nam rất đặc biệt, ai đi xa cũng đều xao xuyến nhớ về”
Nàng hậu teen Bella Vũ tất bật với các dự án thiện nguyện đầu xuân