Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Sóc Trăng: Tăng cường nâng cao hiệu quả quản lý người sau cai nghiện ma túy
11:02 AM 13/08/2021
Tính đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có tổng số hơn 2.800 người nghiện và người sử dụng ma túy, trong đó số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 1.269 người, số người nghiện ma túy không thường xuyên là 758 người. Thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp, công tác cai nghiện và quản lý sau khi cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tích cực hỗ trợ người nghiện ma túy để tái hòa nhập cộng đồng
Theo ông Nguyễn Thanh Đông - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, Chi cục PCTNXH đã triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch chỉ đạo, đề án của UBND tỉnh liên quan công tác quản lý người nghiện ma túy sau cai nghiện. UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện lồng ghép với công tác đổi mới cai nghiện ma túy và thực hiện công tác “Tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn”, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng quan tâm công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma túy, vận động người nghiện tham gia cai nghiện tự nguyện theo Đề án 06/ĐA-UBND, ngày 17-8-2018 của UBND tỉnh về thí điểm cai nghiện ma túy tự nguyện không thu phí lần đầu tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2020; chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường giám sát, hỗ trợ hoạt động các “Điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng” đã thành lập trên địa bàn, phối hợp thống kê, quản lý số người nghiện ma túy tại cộng đồng.
Các xã, phường, thị trấn đều tổ chức triển khai kế hoạch của cấp trên kịp thời, thường xuyên, chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể tại địa phương tổ chức tuyên truyền công tác PCTNXH, nhất là tệ nạn ma túy, vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện; theo dõi nắm chặt số người thường xuyên sử dụng ma túy để quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn; phối hợp lập hồ sơ đề nghị tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; duy trì các hoạt động “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng”, đồng thời quản lý tốt số người sau cai nghiện về tái hòa nhập cộng đồng, qua đó lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, xem xét đề nghị hỗ trợ vay vốn, kinh phí học nghề, kinh phí tìm việc làm hàng năm.
Người nghiện được quan tâm hỗ trợ học nghề để ổn định cuộc sống khi tái hòa nhập cộng đồng
Trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập 10 tổ công tác cai nghiện ma túy; từ năm 2016 đến nay đã lập danh sách, quản lý, theo dõi số người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng là 1.014 người, trong đó số cai nghiện ma túy bắt buộc về địa phương là 787 người, cai nghiện ma túy tự nguyện là 227 người, trên cơ sở đó phối hợp địa phương rà soát, xem xét đề nghị và tiến hành hỗ trợ kinh phí tìm việc và kinh phí học nghề cho người sau cai nghiện ma túy có hoàn cảnh khó khăn không tái nghiện (1 triệu đồng/người/lượt), từ năm 2016 - 2020 đã xét và hỗ trợ 193 lượt người.
Công tác phát triển điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng luôn được Chi cục PCTNXH quan tâm thực hiện. Từ năm 2016 - 2020, đã thành lập và duy trì hoạt động 10 điểm “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng”, có 1.175 lượt người tham gia sinh hoạt. Qua duy trì thực hiện, phần lớn người tham gia sinh hoạt đều chấp hành tốt nội quy, đã có 67 người tiến bộ; 22 người tái nghiện đưa vào cai nghiện tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh; tư vấn đi cai nghiện tự nguyện có thu phí 7 người, giới thiệu uống thuốc thay thế Methadone 8 người; giới thiệu tạo việc làm 14 người; giới thiệu vay vốn 17 lượt người, với số tiền 312 triệu đồng...
Nâng cao chất lượng quản lý người sau cai nghiện ma túy
Đồng chí Nguyễn Thanh Đông cho biết, trong thời gian tới, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí của công tác dự phòng, điều trị, cai nghiện ma túy. Tổ chức tuyên truyền các mô hình xã, phường làm tốt công tác cai nghiện; các điển hình cai nghiện thành công; tình nguyện viên, các cá nhân, tổ chức xã hội giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Chú trọng thực hiện các biện pháp xã hội hóa công tác cai nghiện.
Tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy tham gia các biện pháp, hình thức cai nghiện phù hợp. Huy động nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ người cai nghiện, giúp đỡ người sau cai có việc làm, ổn định cuộc sống; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại cộng đồng. Huy động sự tham gia đóng góp của người dân, gia đình, cộng đồng cho công tác cai nghiện và quản lý sau cai. Lồng ghép công tác cai nghiện với các chương trình kinh tế - xã hội khác như giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm…
Tăng cường rà soát, thống kê phân loại đối tượng nghiện ma túy, thực hiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện người nghiện ma túy và tố giác tội phạm ma túy, phát hiện và triệt phá những điểm trồng cây có chứa chất ma túy, cảm hóa giáo dục, cải tạo người nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng dân cư. Đánh giá tỷ lệ tái nghiện hàng năm làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách về công tác cai nghiện, quản lý người nghiện sau cai.
Nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên, đồng đẳng viên làm công tác tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng. Tổ chức đào tạo, học nghề đặc thù cho người nghiện ma túy, mô hình hướng dẫn tìm việc làm, giới thiệu việc làm cho người nghiện ma túy, người sau cai nghiện. Kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và nhân rộng mô hình cai nghiện ma túy, dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện và người sau cai nghiện ma túy. Tư vấn và tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy, biểu dương, nêu gương những người đã thành công trong cai nghiện ma túy, những người có việc làm ổn định, có thu nhập cao. Tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ người nghiện ma túy có hoàn cảnh khó khăn, người bị nhiễm HIV/AIDS. Thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, quản lý sau cai nghiện và công tác tái hòa nhập cộng đồng. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công tác cai nghiện ma túy của Cục PCTNXH. Thực hiện kiểm tra, giám sát công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn toàn tỉnh./.
PV
TAG: Cai nghiện Hỗ Trợ Chính Sách
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024