An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Số người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giảm
04:45 PM 10/05/2022
(LĐXH) – Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá số người được giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong năm 2021 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể: Số người được giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng giảm 11% và giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần giảm 17%.
Năm 2021, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết
hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đối với 2.378 người
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2021, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đối với 2.378 người, giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần đối với 4.737 người (Trung bình mỗi tháng giải quyết cho 200 người và gần 400 người hưởng trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp một lần). Bên cạnh đó, giải quyết hưởng mới hàng tháng đối với 62 người phục vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 456 người bị tai nạn giao thông được hưởng tai nạn lao động. Giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần đối với 255 trường hợp dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 5.672 trường hợp giám định thương tật; 1.015 người bị tai nạn giao thông được hưởng tai nạn lao động. Hỗ trợ phòng ngừa chia sẻ rủi ro đối với 4.977 trường hợp. Mua bảo hiểm y tế cho 10.464 trường hợp.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá số người được giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong năm 2021 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể: Số người được giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng giảm 11% và giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần giảm 17%. Tổng số tiền giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần năm 2021 là 180 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2020 tương ứng với giảm 22,3 tỷ đồng; Tổng số tiền giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng tính đến hết năm 2021 là 697 tỷ đồng, trong đó, số tiền giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng năm 2021 là 2,5 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2020 tương ứng giảm 254 triệu đồng; Tổng số tiền hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là 1.1 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2020 tương ứng khoảng 400 triệu đồng.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc số người hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm trước, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết có một phần nguyên nhân do tình hình dịch Covid - 19 làm giảm số người đi khám giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, số lượng các đơn vị ngừng hoạt động, cắt giảm số lượng nhân công do dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng đến số người hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong năm vừa qua.
Cũng theo ngành Bảo hiểm xã hội, những năm qua công tác chi trả các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện kịp thời, theo đúng theo quy định của pháp luật. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc chi trả trợ cấp qua tài khoản thẻ ATM đã giúp người hưởng hạn chế đi lại, tiếp xúc, bảo đảm được an toàn và giãn cách xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng khẳng định công tác này còn gặp một số khó khăn. Chẳng hạn như không có quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc thanh, kiểm tra công tác điều tra, kết luận các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Hầu hết các trường hợp bất hợp lý được xem xét lại đều trên cơ sở ý kiến phản hồi từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc từ người lao động hoặc cá nhân liên quan; đoàn điều tra tai nạn lao động không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm pháp lý gì khi kết luận điều tra không đúng. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ kèm theo các chế tài nghiêm khắc (như trách nhiệm bồi thường cho đơn vị, Quỹ Bảo hiểm xã hội trong trường hợp kết luận không đúng…) để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động còn nhiều, phần lớn chưa được đào tạo nghề, nhất là chưa được tập huấn, huấn luyện các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn, trang bị phương tiện, thiết bị bảo hộ về an toàn, vệ sinh lao động dẫn đến nguy cơ cao mất an toàn lao động. Số lao động này lại không thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nên khi xảy ra tai nạn, bệnh nghề nghiệp họ không được hưởng chế độ trợ cấp, dẫn đến gặp khó khăn trong việc chữa trị, phục hồi chức năng, không có nguồn thu nhập để duy trì ổn định cuộc sống. Vì vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong lập biên bản điều tra, xác nhận tai nạn lao động. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động về mục tiêu, ý nghĩa của chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp./.

Hưng Cảnh

TAG: Trợ cấp tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp
Tin khác
Quảng Nam: Đẩy mạnh công tác lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Honda Việt Nam thực hiện nghiêm công tác an toàn lao động tại nơi làm việc
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Thường xuyên diễn tập kỹ năng xử lý sự cố an toàn lao động
Kiểm tra công tác ứng dụng công nghệ và kiểm soát rủi ro về an toàn lao động
Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) đủ mạnh để bào vệ được người lao động và cán bộ Công đoàn
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Diễn tập thường xuyên để tránh xảy ra sự cố về an toàn lao động
Vĩnh Phúc: Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động
Ninh Bình: Triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
Hà Nội: Đào tạo nghề miễn phí cho lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp