Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Sơ kết 03 năm thực hiện Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” ở Đắk Lắk
03:19 PM 07/05/2020
(LĐXH) - Trong những năm qua cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm đẩy mạnh Công tác Giáo dục nghề nghiệp và coi đây là một trong những giải pháp quan trọng trong việc xây dựng nguồn nhân lực để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.


Sinh viên Trường Cao đẳng nghề tỉnh Đắk Lắk trong giờ học thực hành nghề cơ khí chế tạo

Theo ông Trần Phú Hùng – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh vả Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trong thời gian qua,  tỉnh Đắk Lắk đã tập trung các nguồn lực cho công tác giáo dục nghề nghiệp nhằm mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tỉnh đã có nhiều chính sách, giải pháp cũng như đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.  Ngoài ra, tỉnh còn giao cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ban ngành chủ động triển khai, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thực hiện các quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời,  phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, gắn kết đào tạo nghề với nhu cầu doanh nghiệp sử dụng lao động.  Do vậy lĩnh vực GDNN của địa phương trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đến nay đạt 58%, trong đó tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 18,88%.

Điểm nổi bật trong công tác giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua là tỉnh đã quy hoạch được mạng lưới, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đồng thời sát nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không hiệu quả, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và điều chỉnh, bổ sung ngành, nghề trọng điểm và chọn lựa các cơ sở sở giáo dục có đủ điều kiện để tập trung đào tạo,  đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, trong 03 năm (2016 -2018) thực hiện Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” đầu tư cho các nghề trọng điểm của các trường thuộc tỉnh được lựa chọn tại Quyết định số 1836/QĐ-LĐTBXH ngày 27/11/2017 phê duyệt ngành, nghề trọng điểm. Theo đó, các trường được lựa chọn nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, bao gồm: Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên được lựa chọn đào tạo 07 nghề: Gia công thiết kế sản phẩm mộc, Kỹ thuật lắp đặt và điều khiển trong công nghiệp, Công nghệ thông tin (Ứng dụng phần mềm)/Cấp độ quốc tế, Điện tử công nghiệp, Công nghệ ô tô/Cấp độ khu vực Asean, Thý y, Hàn/Cấp độ Quốc gia); Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk đào tạo 04 nghề (Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô/Cấp độ Asean, Cắt gọt kim loại, Hàn/Cấp độ Quốc gia) và  Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk đào tạo  02 nghề (Điều dưỡng, Dược/Cấp độ Quốc gia).

Trang bị kỹ năng tay nghề cho người lao động là giải pháp giải quyết việc làm bền vững được tỉnh Đắk Lắk tập trung đẩy mạnh

Để triển khai thực hiện hiện Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” có hiệu quả, tập trung; theo hướng dẫn Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trong năm 2018 Ủy ban nhân dân tỉnh  Đắk Lắk đã phê duyệt các dự án đầu tư ngành, nghề trọng điểm đến năm 2020 của các Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk. Cũng trong giai đoạn, Tỉnh đã tổ chức triển khai các dự án với tổng kinh phí được NSTW hỗ trợ: 32.000 triệu đồng, trong đó: Năm 2016, trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên được phân bổ 8.000 triệu đồng; chuyển nguồn sang năm 2017 thực hiện mua sắm cho hai nghề trọng điểm cấp độ quốc tế là nghề: Kỹ thuật lắp đặt và điều khiển trong công nghiệp và nghề Công nghệ thông tin (Ứng dụng phần mềm) với tổng kinh phí quyết toán là: 7.814 triệu đồng.

Năm 2017, Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên được phân bổ: 10.000 triệu đồng, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk được phân bổ: 3.000 triệu đồng; tuy nhiên, do phân bổ vốn vào thời điểm cuối năm nên được chuyển nguồn sang năm 2018 thực hiện. Năm 2018, được phân bổ: 11.000 triệu đồng (Trường CĐ Công nghệ Tây Nguyên: 10.000 triệu đồng, Trường CĐ Kỹ thuật Đắk Lắk: 1.000 triệu đồng). Do vậy, tổng nguồn kinh phí được sử dụng trong năm 2018 là: 24.000 triệu đồng, trong đó,  Trường CĐ Công nghệ Tây Nguyên là  20.000 triệu đồng và Trường CĐ Kỹ thuật Đắk Lắk là 4.000 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong hai đơn vị được giao vốn đầu tư chỉ có Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk với kinh phí được phân bổ và sử dụng trong năm 2018 là 4.000 triệu đồng đã thực hiện mua sắm thiết bị đào tạo cho 03 nghề trọng điểm: Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Cắt gọt kim loại. Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên đã đăng ký nhu cầu mua sắm tập trung theo quy định gửi Trung tâm dịch vụ bán đấu giá Tỉnh Đắk Lắk nhưng Trung tâm triển khai đấu thầu mua sắm không kịp đến ngày 31/12/2018 chưa ký kết được thỏa thuận khung, do đó, Trường không ký kết được hợp đồng để thực hiện mua sắm, số kinh phí 20.000 triệu đồng đã bị hủy bỏ theo quy định của Luật ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Đắk Lắk. Như vậy, tổng cộng kinh phí thực hiện trong giai đoạn (2016-2018) là 12 tỷ đồng, trong đó Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên đã thực hiện 8 tỷ đồng và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk đã thực hiện là  4 tỷ đồng.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk tặng giấy khen cho các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đạt giải cao tại Hội thi thiết bị tự làm tỉnhĐắk Lắk trong năm 2019

Riêng năm 2019, căn cứ Quyết định số 3369/QĐ-UBND ngày 12/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2019 cho các cơ quan, đơn vị thuộc ngân sách cấp tỉnh, kinh phí được giao thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động cho Trường Cao đẳng công nghệ Tây Nguyên: 6 tỷ  đồng, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk: 3 tỷ  đồng, Trường Cao đẳng Y tế Đắk Lắk 3 tỷ đồng, hiện nay các trường đang làm các thủ tục triển khai theo quy định.

Hiện tại với 07 ngành, nghề trọng điểm theo Quyết định số 1836/QĐ-LĐTBXH ngày 27/11/2017, sau khi căn cứ nhu cầu đào tạo nghề nghiệp và xu hướng phát triển tại địa phương, Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên đề nghị điều chỉnh, bổ sung ngành nghề trọng điểm của Trường như: Điều chỉnh  02 nghề cấp độ quốc gia là Thú y và Hàn lên cấp độ khu vực ASEAN. Theo đại diện của Trường cho biết, vì 02 nghề này được đánh giá khá phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập trong khu vực ASEAN.  Đồng thời, bổ sung thêm 03 nghề: Bảo vệ thực vật, May thời trang và Kỹ thuật chế biến món ăn vì hiện tại là các nghề có nhu cầu học nghề cao, phù hợp với xu thế và sự phát triển của địa phương.

Ông Trần Phú Hùng – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, Công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn như: Nguồn ngân sách địa phương còn rất hạn chế, dự toán kinh phí đầu tư cho các dự án cần nguồn vốn lớn để đảm bảo khởi động đồng loạt các hoạt động của đề án được duyệt theo chủ trương, mục tiêu của Quyết định số 1836/QĐ-LĐTBXH ngày 27/11/2017, tuy nhiên đến nay ngân sách địa phương chưa bố trí được để góp phần thực hiện đồng loạt các hoạt động của dự án.

Vì vậy, để triển khai thực hiện tốt công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị Chính phủ và các Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường nằm trong danh sách trường nghề được ưu tiên đầu tư tập trung, đồng bộ theo tiêu chí trường nghề chất lượng cao tại Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ được xây dựng trên 15 năm và đến nay đã xuống cấp nhưng vẫn chưa được bố trí kinh phí để duy tu, bảo dưỡng. Ngoài ra,  tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất cho các trường được sử dụng 30% kinh phí trong tổng kinh phí được phân bổ theo quy định tại mục b khoản 2 Điều 6 Chương I Thông tư số 103/2017/TT-BTC ngày 05/10/2017 của Bộ Tài chính để cải tạo, sửa chữa một số nhà xưởng nhằm đáp ứng yêu cầu lắp đặt máy móc, thiết bị để phục vụ cho công tác đào tạo đạt hiệu quả cao tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn trong thời gian tới.

Hoàng Cảnh

 

 

 

 

TAG: Sơ kết 03 năm thực hiện Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục bao
Tin khác
Tăng cường sự tham gia của Phụ nữ, người khuyết tật và hoà nhập cộng đồng trong GDNN lĩnh vực Logistic
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành  kiểm định chất lượng 10 chương trình đào tạo
Thái Nguyên: Tăng cường công tác thể dục, thể thao trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Cần Thơ chú trọng công tác giáo dục nghề nghiệp
Úc và Việt Nam hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Logistics đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động
Giải bóng đá học sinh sinh viên trường Cao đẳng Quảng Nam – Tạo nền tảng thể lực để kiến tạo tương lai
Màn chào sân ấn tượng của những ngành học mới tại Ngày hội Tuyển sinh Bách khoa
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành công bố mức điểm sơ tuyển năm 2024 theo phương thức xét tuyển học bạ và ĐGNL
TP.HCM: Gần 790 thí sinh dự tranh tài tại Hội thi Học sinh, sinh viên giỏi nghề lần thứ 15