Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Sáng ngời đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trên quê lụa Hà Đông
07:11 PM 27/01/2021
(LĐXH)-Hà Đông là quận có dân số lớn nhất và số lượng người có công nhiều nhất thành phố Hà Nội. Với tình cảm, trách nhiệm đối với những người đã đóng góp công sức, xương máu để mang lại hòa bình, độc lập cho đất nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền quận Hà Đông rất coi trọng công tác chăm lo đời vật chất, tinh thần người có công.
Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công,  nhất là những quy định mới ban hành; chỉ đạo thực hiện đúng, đủ, chu đáo, kịp thời các chế độ, chính sách; tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia hoạt động kháng chiến.
Năm 2020, quận Hà Đông đã thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho người có công đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng với tổng kinh phí là 74,4 tỷ đồng; chi trả trợ cấp thờ cúng liệt sỹ 804.500.000 đồng; hỗ trợ ưu đãi giáo dục khoảng 200.000.000 đồng cho 32 trường hợp là con người có công năm 2020. Cùng với đó, quận đã thụ lý trình Sở giải quyết 219 hồ sơ người có công. Duyệt hồ sơ trình thành phố cấp kinh phí cho 108 thương binh được mua trang cấp (chân, tay, răng, giầy giả) kịp thời. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận trong năm cũng tiếp đoàn Thanh tra của Bộ về kiểm tra, xác minh việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học (kiểm tra 191 trường hợp tại 17 phường) và kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí ưu đãi người có công năm 2018, 2019; Phối hợp với các phường rà soát số lượng mộ liệt sĩ không có thông tin, mộ liệt sĩ vô danh tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn quận, kết quả có 184 mộ; Hướng dẫn các phường tổng kết và tham mưu UBND quận tổng kết, rà soát việc công nhận người có công với cách mạng giai đoạn 2013 - 2020 theo Pháp lệnh ưu đãi người có công.
Trao nhà tình nghĩa cho người có công trên địa bàn quận
Để động viên tinh thần và chăm sóc tốt hơn sức khỏe người có công, năm 2020, quận Hà Đông đã thực hiện chi trả kinh phí điều dưỡng người có công với kinh phí hơn 1 triệu đồng; Hoàn thành 3/3 đợt điều dưỡng luân phiên người có công tại trung tâm với 346/332 người, đạt 104%; tổ chức chăm sóc sức khỏe định kỳ tại nhà đối với 48 thương binh nặng và 53 người nhiễm chất độc hóa học từ 81% trở lên; phối hợp với Tập đoàn Nam Cường phụng dưỡng Mẹ VNAH ở phường Dương Nội với mức 1.000.000/tháng. Đặc biệt Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận đã phối hợp với Phòng Nội vụ quận, Ban chỉ huy quân sự quận, UBND phường Phú La tổ chức tang lễ cho Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Hoãn đảm bảo đúng theo quy định và phù hợp với phong tục tập quán của địa phương.
Phòng trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" cũng thực sự được xã hội hóa, trở thành một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong quận. UBND quận cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành, UBND các phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, tình cảm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân đối với những người có công với nước, mỗi người có trách nhiệm đóng góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho những đối tượng chính sách còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chính vì vậy, phong trào Đền ơn đáp nghĩa đã huy động được sức mạnh toàn dân, đông đảo các lực lượng trong xã hội, các thành phần kinh tế cùng tham gia. Năm 2020, toàn quận vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 1,7 tỷ đồng, đạt 176 % kế hoạch giao. Quận trích Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tặng 17 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 10 triệu đồng cho người có công có tỷ lệ thương tật cao, hoàn cảnh khó khăn thuộc 17 phường. Ngoài ra, phường Vạn Phúc, Văn Quán tặng sổ tiết kiệm cho người có công (mỗi phường 01 sổ), tổng trị giá 20 triệu đồng. Tổng kinh phí tặng sổ tiết kiệm là 190 triệu đồng.
Ngoài ra, các hoạt động như khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, thăm hỏi và tặng quà các mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách tiêu biểu, các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn và tặng quà các trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công trên địa bàn tỉnh trong các dịp lễ, Tết; xây dựng mô hình VAC cho hộ chính sách; hỗ trợ nước sạch, điện sinh hoạt; tạo điều kiện để các gia đình chính sách tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất; hỗ trợ chi phí học tập và tạo việc làm ổn định cho con thương binh, liệt sỹ... cũng được quận Hà Đông triển khai tích cực, hiệu quả. Những việc làm thiết thực đó đã phần nào giúp các gia đình chính sách vơi đi những khó khăn, ổn định cuộc sống. Cụ thể, trong năm 2020, quận Hà Đông đã thực hiện chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định của Trung ương, thành phố, quận cho đối tượng người có công và đẩy mạnh xã hội hóa để thăm, tặng quà, khám, tư vấn sức khỏe, tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở…cho người có công dịp Tết nguyên đán, 27/7 và 02/9 với tổng kinh phí là hơn 32,1 tỷ đồng (trong đó nguồn xã hội hóa hơn 9,2 tỷ đồng). Trong đó, kinh phí chi trả quà của Chủ tịch nước, thành phố, quận và các nguồn xã hội hóa dịp Tết Nguyên đán gần 21,6 tỷ đồng; Kinh phí chi trả quà đối tượng người có công, cơ sở cách mạng nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh (02/9/1945-02/9/2020) là 244 triệu đồng. Riêng kinh phí tổ chức các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ  27/7 trên địa bàn toàn quận (khám, phát thuốc miễn phí; tặng sổ tiết kiệm; hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà ở; nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, thăm, tặng quà): hơn 10,5 tỷ đồng.
Riêng các hoạt động được triển khai trong dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ  năm nay là: 15/17 phường phối hợp với BCH Quân sự quận, Viện 103, Trung tâm y tế quận, Viện quân y 108, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Sư đoàn 301 tổ chức tư vấn khám, cấp thuốc miễn phí cho 2.277 người có công, kinh phí: hơn 208 triệu đồng; Các phường Phú Lãm, Vạn Phúc, Dương Nội đã cải tạo, tu sửa và nâng cấp nghĩ trang liệt sĩ trên địa bàn với số tiền là 1,955 tỷ đồng. Nhìn chung 10 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn quận được trông nom, tu sửa thường xuyên tạo điều kiện cho nhân dân đến thăm viếng liệt sĩ; Hỗ trợ 20 hộ người có công xây mới nhà ở năm 2020 (19 nhà từ ngân sách quận, 01 nhà ở phường Vạn Phúc được Đảng ủy khối Doanh nghiệp quận hỗ trợ), mức hỗ trợ 70 triệu đồng/nhà. Ngoài ra, để có kinh phí cải tạo nhà cho người có công, ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ của quận,các phường đều trích từ quỹ Đền ơn đáp nghĩa và nguồn xã hội hóa, để hỗ trợ cho các hộ gia đình xây mới nhà ở. Cụ thể, Hội Cựu chiến binh quận hỗ trợ thêm cho 03 nhà người có công ở Kiến Hưng, mỗi nhà 20 triệu đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận hỗ trợ thêm cho 01 nhà ở Phú Lương 10 triệu đồng. Có 02 hộ người có công được hỗ trợ sửa nhà: phường Mộ Lao hỗ trợ 01 hộ số tiền 30 triệu đồng, phường Biên Giang hỗ trợ 01 hộ số tiền 20 triệu đồng. Tổng kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở là 1,52 tỷ đồng. Cùng với đó là các hoạt động thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước, thành phố, quận, phường, xã hội hóa của Phòng  Lao động - Thương binh và Xã hội, các đoàn thể quận được triển khai với kinh phí 6,5 tỷ đồng. Lãnh đạo quận Hà Đông đã thành lập các đoàn đi thăm, tặng quà đối tượng chính sách, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền quận đối với người có công với cách mạng như: Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp hàng tháng; thân nhân 2 liệt sĩ đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng; thương binh, bệnh binh người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
Trong công cuộc đổi mới và xây dựng thủ đô, đã có nhiều tập thể và cá nhân là thương binh, người có công trên địa bàn quận cũng nỗ lực phát huy tốt truyền thống cách mạng thành công trên nhiều lĩnh vực. Các gia đình liệt sỹ luôn giữ trọn nghĩa với nước và vẹn tình với người thân, chịu đựng gian khổ vượt mọi khó khăn, chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, tích cực tham gia lao động sản xuất, góp phần xây dựng Tổ quốc XHCN, phấn đấu xứng đáng là những gia đình “Cách mạng gương mẫu”.
Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân quận Hà Đông sẽ tiếp tục phổ biến pháp luật về công tác người có công với cách mạng; tập trung giải quyết việc xác nhận những hồ sơ tồn động sau chiến tranh theo quy định; cố gắng nỗ lực chăm lo tốt hơn đời sống người có công, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa truyền thống cách mạng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, làm cho mọi người biết ơn sâu sắc công lao của các anh hùng liệt sỹ và những người có công với nước, ra sức thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ thành quả cách mạng mà các bậc cha anh để lại. Đồng thời, tạo mọi điều kiện để các thương binh, bệnh binh và người có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia hoạt động xã hội./.
Mỹ Hạnh
 
TAG: quận Hà Đông phong trào Đền ơn đáp nghĩa Phòng Lao động - TBHX quận Hà Đông
Tin khác
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công
Gần 500 nghìn hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp được tiếp nhận qua cổng dịch vụ công quốc gia