Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký văn bản thông báo kết quả kiểm toán gửi Bộ Công Thương về kết luận kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2016 tại Tổng công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Nội dung đầu tiên được nhắc đến là việc thoái vốn tại Công ty cổ phần đầu tư Sabeco Pearl. Trên cơ sở kết quả thẩm định giá, công ty mẹ xác định giá khởi điểm là 13.247 đồng/ cổ phần, giá trúng đấu giá là 13.347 đồng/ cổ phần. Tuy nhiên, theo KTNN, việc xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty Sabeco Pearl còn sai sót, hạn chế.

Điển hình như trong phương pháp so sánh, việc điều chỉnh các yếu tố khác biệt không trên cơ sở chứng cứ thị trường, là không đúng hướng dẫn Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Hay đối với phương pháp thặng dư, đã sử dụng tỷ suất chiết khấu để quy dòng tiền trong tương lai về giá trị hiện tại là 13,69%, trong khi tại thời điểm năm 2016, trên địa bàn TP HCM, tỷ suất chiết khấu do Hội đồng thẩm định giá đất TP và các đơn vị tư vấn thẩm định hái xác định cho các dự án BĐS là 11%. Do đó đã làm giảm đáng kể giá trị doanh nghiệp làm cơ sở xác định giá khởi điểm.

Liên quan đến việc chia cổ tức để nộp NSNN trước khi thoái vốn, theo kết quả kiểm toán, lợi nhuận sau phân phối tại ngày 31/12/2016 của Sabeco là hơn 2.800 tỷ đồng. Công ty mẹ đã phân phối tiếp gần 76 tỷ đồng lợi nhuận của năm 2016 vào quý I/2017. Lợi nhuận còn lại của Sabeco các năm từ 2016 trở về trước hơn 2.700 tỷ đồng. KTNN đã kiến nghị nộp NSNN gần 2.500 tỷ đồng lợi nhuận còn lại từ năm 2016 trở về trước, tương ứng tỷ lệ vốn nhà nước của Sabeco tại thời điểm ngày 31/12/2016 là 89,59%.

Đối với lợi nhuận còn lại chưa phân phối của năm 2016, đại diện vốn tại Sabeco chưa có đề xuất và Bộ Công Thương chưa có chủ trương phân phối tiếp để chia cổ tức sau khi Bộ Công Thương quyết định chi trả cổ tức năm 2016 bằng 30% vốn điều lệ.

Ngoài yêu cầu nộp ngân sách số tiền trên, cơ quan kiểm toán còn đề nghị Bộ Công Thương xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc Sabeco không chia hết 2.700 tỷ lợi nhuận của năm 2016 trở về trước, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Về đầu tư ngoài ngành, KTNN cũng cho rằng, Sabeco phải lập trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với 10 khoản đầu tư dài hạn khác (có vốn góp dưới 20% vốn điều lệ) với số tiền gần 445 tỷ đồng khi rót vốn vào các lĩnh vực trái ngành như ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư tài chính.

Cụ thể, khoản đầu tư vào Ngân hàng Phương Đông được trích lập dự phòng 154,1 tỷ đồng; Ngân hàng Đông Á gần 127 tỷ đồng; Công ty PVI Sài Gòn 39,3 tỷ đồng; quỹ đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2 33,7 tỷ đồng; Công ty chứng khoán Đại Việt gần 16 tỷ đồng; quỹ đầu tư Việt Nam gần 25 tỷ đồng; Công ty Du lịch Dầu khí Phương Đông gần 24 tỷ…

Ngoài ra, KTNN cũng chỉ rõ vi phạm trong chi thưởng cho ban lãnh đạo Sabeco năm 2016 khi chi vượt mức Bộ Công Thương cho phép gần 13 tỷ đồng. Cụ thể, Sabeco chi tiền thưởng của năm tài chính 2015 (chi trong năm 2016) cho chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát và kế toán trưởng hơn 15 tỷ đồng, tương đương 20,3 tháng lương thực hiện bình quân của người quản lý.

Trong khi đó quy định tại Nghị định 71/2013 chỉ là tối đa 1,5 tháng lương và cao hơn mức khen thưởng 3 tháng lương. KTNN đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo làm rõ, xem xét trách nhiệm đối với việc chi thưởng cho người quản lý trong năm 2015 tại công ty mẹ.

Theo tienphong.vn