Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Ra mắt Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Điều trị nghiện chất và phòng chống HIV - Trường Đại học Lao động - Xã hội
02:37 PM 01/12/2017
(LĐXH) - Ngày 1/12/2017, tại Trường Đại học Lao động - Xã hội đã diễn ra Lễ khởi động Dự án "Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Điều trị nghiện chất và phòng chống HIV". Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan tham dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại lễ ra mắt Trung tâm chuyển giao công nghệ điều trị nghiện chất và phòng chống HIV

Nghiện ma túy là một vấn đề xã hội mà nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt, để hỗ trợ cai nghiện tại các cơ sở, Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều nỗ lực nhằm giải quyết và can thiệp giảm hại từ nghiện ma túy như: Đầu tư kinh phí, đào tạo nguồn nhân lực cho nhiều mô hình, hình thức và phương pháp cai nghiện ma túy. Đặc biệt Chính phủ đã ban hành Đề án đổi mới công tác cai nghiện đến năm 2020 với (Quyết định 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới).

Quan điểm đổi mới công tác cai nghiện nhấn mạnh việc coi nghiện ma túy là tệ nạn xã hội sang nhìn nhận nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ.

Trưởng đại diện SAMHSA tại Việt Nam

Theo TS. Nadine Rogers, Trưởng đại diện Cục Quản lý lạm dụng Chất gây nghiện và Sức khoẻ tâm thần tại Việt Nam, nghiện được coi là bệnh não vì nó làm thay đổi cấu trúc não bộ và cơ chế hoạt động của não. Sự thay đổi ở não bộ thường kéo dài làm người sử dụng không tự kiểm soát được bản thân, mất khả năng cưỡng lại sự thèm muốn sử dụng ma túy và có các hành vi có hại cho sức khỏe và cộng đồng. Do đó, khi xây dựng các chương trình can thiệp, sẽ hiệu quả hơn nếu cân nhắc đến một hệ thống dịch vụ mang tính toàn diện, liên tục hơn, có xác định rõ mục đích cũng như các cấu phần của hệ thống. Hệ thống dịch vụ này đi từ những hoạt động của y tế công cộng dành cho tất cả mọi người nhằm dự phòng, đến điều trị chuyên sâu cho những người đã được đánh giá là bệnh và có nhu cầu. Đồng thời, các chương trình đang hướng đến việc tăng dần điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại các trung tâm với những lộ trình bắt buộc.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho biết. “Những đổi mới này trong kế hoạch của Chính phủ sẽ biến đổi căn bản công tác điều trị nghiện và tạo ra nhu cầu lớn để phát triển nguồn nhân lực điều trị”.

Thứ trưởng Lan cũng thông tin thêm, đến nay, Việt Nam có 220.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Có hơn 100 cơ sở cai nghiện ma túy với 6.000 cán bộ làm công tác cai nghiện phục hồi, cho trên 30.00 học viên đang điều trị nghiện tại các cơ sở; 311 đội công tác xã hội tình nguyện với sự tham gia của trên 20.000 tình nguyện viên làm công tác cai nghiện tại cộng đồng. “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội luôn coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cán bộ làm công tác cai nghiện và phòng, chống HIV, đã mở rộng và triển khai nhiều hình thức đào tạo cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó ưu tiên các loại hình đào tạo tấp huấn gắn với  thực hành tại các cơ sở cai nghiện và cộng đồng nhằm hỗ trợ toàn diện đối tượng cai nghiện”, Thứ trưởng Lan khẳng định.

Trường Đại học Lao động - Xã hội ký thỏa thuận Hợp tác với Đại học Y Hà Nội và Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm

Trên thực tế, vẫn còn một số lượng lớn những người có nhu cầu điều trị vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế và dịch vụ hỗ trợ xã hội khác, nguyên nhân do sự thiếu hụt trong cơ sở vật chất, nguồn lực, năng lực chuyên môn của cán bộ từ các cơ sở cai nghiện, cơ sở cung cấp dịch vụ, đặc biệt là các kiến thức về tư vấn và hỗ trợ xã hội với người nghiện ma túy. Điều này đặc biệt quan trọng khi xu hướng sử dụng ma túy hiện nay đã chuyển sang ma túy tổng hợp và các mô hình điều trị nghiện kết hợp giữa y tế và tư vấn điều trị nghiện, hỗ trợ xã hội, hỗ trợ phục hồi đang ngày càng chứng minh tính hiệu quả. Được sự quan tâm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, với sự tài trợ của Chương trình Cứu trợ khẩn cấp AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) thông qua Cục Quản lý lạm dụng Chất gây nghiện và Sức khoẻ tâm thần (Substance Abuse and Mental Health Services Administration- SAMHSA), Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Điều trị nghiện chất và phòng chống HIV (ULSA-VHATTC) đã được thành lập tại Trường Đại học Lao động - Xã hội.

Các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khởi động dự án

TS. Hà Xuân Hùng, Hiệu trưởng Đại học Lao động - Xã hội, Giám đốc dự án cho biết, Trung tâm chuyển giao công nghệ điều trị nghiện chất và HIV có nhiệm vụ thực hiện các nghiên cứu nhằm phát hiện các phương thức điều trị các chất gây nghiện như morphine, heroin, methamphetamine, rượu, ectasy…Trung tâm cũng hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước để triển khai các khóa tập huấn “Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone” cho những cán bộ y tế làm trong lĩnh vực nghiện chất. Ngoài ra trung tâm còn cử các cán bộ đi hỗ trợ thực hành cho những cơ sở điều trị nghiện chất tại các tỉnh thành. Các hoạt động với sự kết hợp chuyên môn của các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ giúp mở rộng và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa những hoạt động về điều trị nghiện chất và cũng như những nghiên cứu mới về nghiện chất; góp phần nâng cao năng lực cho các các bộ trong lĩnh vực điều trị nghiện chất, kết nối giữa các cơ sở đào tạo. Đây được xem như là một nỗ lực góp phần nhằm giảm bớt nguy cơ lây nhiễm HIV tại cộng đồng, giảm tệ nạn xã hội, cải thiện sức khỏe về thể chất và tinh thần cho những bệnh nhân nghiện, hướng tới một cộng đồng và xã hội tốt đẹp hơn.

Đăng Doanh

TAG: Cai nghiện HIV điều trị nghiện Trường Đại học LĐXH CTXH
Tin khác
Hà Nội: Quý I năm 2024, vốn tín dụng chính sách góp phần thu hút, tạo việc làm mới cho trên 21,1 nghìn lao động
TPHCM: Phát động Giải Báo chí viết về Chuyển đổi số
Hơn 580 triệu đồng dành tặng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tỉnh Quảng Ngãi
Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện hiệu quả công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI
Hà Nội: 3 tháng đầu năm 2024, hơn 30 nghìn lượt khách hàng được vay vốn tín dụng chính sách xã hội
Quảng Trị đề xuất xây dựng Đền thờ tri ân các anh hùng liệt sĩ
Trợ giúp cho trẻ em khuyết tật có cơ hội phục hồi, hoà nhập và phát triển bình đẳng
Bắc Giang huy động mọi nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho người có công