An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Quảng Ninh triển khai mạnh các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động
06:21 PM 10/05/2019
(LĐXH)-Tình trạng mất an toàn lao động, để xảy ra tai nạn làm chết và bị thương đối với người lao động… vẫn luôn là hồi chuông cảnh báo đối với các doanh nghiệp trong cả nước nói chung và ở tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Trong những năm qua, Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, đảm bảo điều kiện và môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, nâng cao sức khỏe cho người lao động.
Vẫn nhiều vụ tai nạn lao động trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản
Theo số liệu báo cáo, thống kê năm 2018, trong khu vực có quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Quảng ninh đã xảy ra 576 vụ TNLĐ làm 588 người bị nạn, trong đó: số vụ TNLĐ chết người là 23 vụ, số người chết là 24 người; số người bị thương nặng là 367 người, số người bị thương nhẹ là 197 người. So sánh tình hình TNLĐ năm 2018 với năm 2017: tổng số vụ TNLĐ tăng 24 vụ (+ 4,3%); tổng số nạn nhân tăng 09 người (+1,6%); số người bị thương nhẹ giảm 18 người (-8,4%); số người bị thương nặng tăng 29 người (+8,6%); số vụ TNLĐ chết người giảm 02 vụ (-8%); số người chết giảm 02 người (-7,7%).
 Nhìn chung, các vụ tai nạn chết người năm 2018 vẫn xảy ra nhiều nhất ở ngành khai thác, chế biến khoáng sản (than) để xảy ra 16 vụ, chiếm 50%, làm chết 16 người, chiếm 47,1%. Tiếp đến là ngành xây dựng xảy ra: 09 vụ, chiếm 28,2%, làm chết 10 người, chiếm  29,5%. Giảm dần số vụ là ở lĩnh vực cơ khí, chế tạo, đóng tàu xảy ra 03 vụ, chiếm 9,4%, làm chết 04 người, chiếm 11,8%; lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản xảy ra 01 vụ , chiếm 3,1%, làm chết 01 người, chiếm 2,9%; lĩnh vực gia công, sản xuất giầy dép xảy ra 01 vụ, chiếm 3,1%, làm chết 01 người, chiếm 2,9%; lĩnh vực giáo dục, đào tạo xảy ra 01 vụ, chiếm 3,1%, làm chết 01 người, chiếm 2,9%; sản xuất, chế biến gỗ xảy ra 01 vụ, chiếm 3,1%, làm chết 01 người, chiếm 2,9%.
Còn đối với khu vực làm việc không theo hợp đồng lao động, năm 2018 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra 13 vụ TNLĐ làm 15 người bị nạn; trong đó có 12 vụ TNLĐ chết người, làm chết 13 người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. So với năm 2017, tổng số vụ TNLĐ chết người không theo hợp đồng lao động giảm 06 vụ, số người chết giảm 06 người. Các vụ TNLĐ chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực thi công xây dựng công trình.

Lãnh đạo Công ty CP than Hà Tu kiểm tra các điểm trọng yếu nhằm đảm bảo an toàn lao động.

Quá trình điều tra, phân tích, kết luận từ các vụ TNLĐ cho thấy, trong một vụ TNLĐ thường có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả lỗi của người lao động và người sử dụng lao động (chủ yếu là cán bộ chỉ đạo sản xuất cấp công trường, phân xưởng). Cụ thể tập trung vào nhóm các nguyên nhân chính như sau:  Do trình độ, kinh nghiệm, tác phong công nghiệp của công nhân còn hạn chế, thiếu thận trọng trong thao tác; chưa chấp hành nghiêm túc nội quy kỷ luật lao động; chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; sự phối hợp công việc trong nhóm thợ chưa tốt dẫn đến tai nạn cho bản thân và đồng đội chiếm 85,7% số vụ. Cùng với đó, do chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cán bộ chưa cao; chưa sâu sát trong chỉ đạo thi công; phân công công việc không cụ thể, biện pháp kỹ thuật an toàn chưa đầy đủ; tổ chức sắp xếp nơi làm việc chưa đảm bảo; công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ chưa hiệu quả chiếm 82,9% số vụ. Mặt khác, công tác lập, duyệt hồ sơ kỹ thuật, hộ chiếu, biện pháp thi công, biện pháp kỹ thuật an toàn chưa đảm bảo; chưa dự báo hết các nguy cơ có thể xẩy ra TNLĐ để lập các biện pháp phòng tránh và chỉ đạo tổ chức thực hiện chiếm 33,5% số vụ.
Chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động
Để tiếp tục chủ động phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất số vụ TNLĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh, tỉnh Quảng Ninh đã nghiêm túc đánh giá, phân tích tất cả các vụ TNLĐ, sự cố trong sản xuất từ đó phổ biến, rút kinh nghiệm rộng rãi trong toàn tỉnh. Trong năm 2018, Đoàn điều tra TNLĐ cấp tỉnh đã điều tra tổng số 57 vụ tai nạn các loại trong khu vực có quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh. Qua điều tra, kết luận các vụ TNLĐ, Đoàn điều tra TNLĐ Tỉnh đã yêu cầu các đơn vị thực hiện 150 kiến nghị để phòng tránh TNLĐ tái diễn; yêu cầu các cơ sở xảy ra TNLĐ xử lý kỷ luật 155 người; trong đó cán bộ quản lý là 140 người (chiếm 90,3%), công nhân lao động là 15 người (chiếm 9,7%); cụ thể theo chức danh như sau: Chánh, phó Giám đốc: 19 người; Trưởng, phó phòng ban: 34 người; Cán bộ phòng ban: 28 người; Chánh, phó Quản đốc: 43 người; Lò trưởng, Tổ trưởng sản xuất: 16 người; Công nhân lao động: 15 người. Các đơn vị đã tiến hành xử lý kỷ luật khiển trách 123 người; kéo dài thời hạn nâng lương 20 người; cách chức 11 người; sa thải: 01 người; yêu cầu tự kiểm điểm, học lại nội quy, quy trình kỹ thuật AT-VSLĐ 74 người.
Thành phố Móng Cái phát động hưởng ứng tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019
Bên cạnh đó, trong năm 2019, tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung, giải pháp nêu trong Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư, Chương trình hành động số 21-Ctr/TU ngày 05/12/2013 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 1266/KH-UBND ngày 18/3/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 06/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh V/v chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, đảm bảo AT-VSLĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề; ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Tiếp tục tuyên truyền, tổ chức hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã, phường trong việc thống kê, báo cáo TNLĐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động; lập biên bản ghi nhận TNLĐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động theo quy định.
Đặc biệt tiếp tục xác định mức độ quan tâm, ưu tiên, tập trung các biện pháp quản lý AT-VSLĐ đối với 02 lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ trên địa bàn Tỉnh là khai thác khoáng sản và xây dựng. Đổi mới phương thức thanh, kiểm tra về AT-VSLĐ; tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất; thực hiện chức năng tư vấn, hướng dẫn. Nghiêm túc đánh giá, phân tích và xử lý nghiêm tất cả các vụ TNLĐ, sự cố trong sản xuất từ đó phổ biến, rút kinh nghiệm rộng rãi trong toàn tỉnh. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh
Tỉnh cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục, đổi mới, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, huấn luyện về AT-VSLĐ để mọi người cùng nhận thức, ý thức và tự giác thực hiện đúng quy trình, quy định an toàn. Nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra; triển khai nghiêm túc việc kiểm tra, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất; tổ chức đánh giá rủi ro để phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ mất an toàn lao động. Quan tâm thực hiện tốt công tác cải thiện điều kiện, môi trường lao động, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp; quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động. Đồng thời tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động của Tháng hành động về AT-VSLĐ năm 2019 với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.
Nhất là các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản: phải tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lập, duyệt thiết kế kỹ thuật, hộ chiếu thi công, biện pháp kỹ thuật an toàn; công tác nhật lệnh sản xuất phải đánh giá đầy đủ, kịp thời các nguy cơ rủi ro về AT-VSLĐ để đưa ra các biện pháp phòng ngừa. Và các chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công xây dựng công trình phải nghiêm túc thực hiện công tác AT-VSLĐ theo quy định tại Thông tư số 04/2017/TT-BXD ngày 30/3/2017 của Bộ Xây dựng; Chỉ thị 02/CT-BXD ngày 20/6/2017 của Bộ Xây dựng về việc đổi mới, tăng cường công tác đảm bảo an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng; văn bản số 4873/UBND-XD4 ngày 06/7/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh; văn bản số 644/LĐTBXH-TTr ngày 26/3/2018 của Sở Lao động - TB&XH về tăng cường công tác đảm bảo AT-VSLĐ trong thi công các công trình xây dựng./.

Mỹ Hạnh
 
TAG: quảng Ninh tai nạn lao động an toàn vệ sinh lao động phòng ngừa tai nạn lao động giảm thiểu tai nạn lao động Tháng hành động về AT-VSLĐ năm 2019 ở Quảng Ninh
Tin khác
Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5
TP.HCM: Hơn 2.600 lượt công nhân được vay vốn lãi suất ưu đãi từ CEP
Nghệ An: Chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động
TP.HCM: Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tuyển hơn 1.500 vị trí việc làm
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần