An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Quảng Ninh: Tai nạn lao động giảm trong năm 2017
02:07 PM 06/03/2018
(LĐXH) - Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 552 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 579 người bị nạn, trong đó có 25 vụ TNLĐ chết người làm 26 người chết; số người bị thương nặng là 338 người, số người bị thương nhẹ là 215 người.

Tình hình TNLĐ năm 2017 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã giảm trên tất cả các tiêu chí so với năm 2016, cụ thể như sau: tổng số vụ TNLĐ giảm 11 vụ (-2,0%); tổng số nạn nhân giảm 8 người (-1,4%); số vụ TNLĐ chết người giảm 05 vụ (-16,7%); số người chết giảm 08 người (-23,5%); số người bị thương nặng giảm 03 người (-0,9%).

Diễn tập giả định cứu người bị ngạt khi ở Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin

Các đơn vị thuộc ngành Than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong năm 2017 đã xảy ra 15 vụ TNLĐ chết người, làm chết 16 người; so với năm 2016, số vụ TNLĐ chết người giảm 05 vụ (-25%), số người chết giảm 07 người (-30,4%).

Quá trình điều tra, kết luận cho thấy, nguyên nhân trực tiếp của phần lớn các vụ TNLĐ là do người lao động còn chủ quan, lơ là, thiếu ý thức phòng ngừa TNLĐ dẫn đến tai nạn cho bản thân và đồng nghiệp; tuy nhiên, trong các vụ TNLĐ đó cũng có một phần lỗi gián tiếp và trách nhiệm của người quản lý, sử dụng lao động như công tác tổ chức sản xuất, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện, huấn luyện AT-VSLĐ, tuyên truyền ý thức, nhận thức về AT-VSLĐ đối với người lao động chưa hiệu quả.

Về kết quả xử lý: trong năm 2017, có 03 vụ TNLĐ đã được các cơ quan chức năng khởi tố vụ án hình sự. Qua điều tra, thanh tra, kiểm tra, đã yêu cầu các đơn vị thực hiện 184 kiến nghị; xử phạt vi phạm hành chính 08 đơn vị vi phạm về pháp luật lao động, AT-VSLĐ với số tiền là 343,5 triệu đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật 187 người có lỗi để xảy ra TNLĐ.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng kiểm tra hiện trường sản xuất ở mức âm -150 của Công ty Cổ phần than Hà Lầm

Căn cứ vào tình hình và nguyên nhân các vụ TNLĐ trong năm 2017, để tiếp tục chủ động phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất số vụ TNLĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh, Sở LĐTBXH đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm triển khai thực hiện tốt các nội dung chủ yếu:

- Nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo tại Thông báo số 622-TB/TU ngày 11/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện về “đẩy mạnh công tác AT-VSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”; Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 06/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh V/v chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, đảm bảo AT-VSLĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

- Tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ công tác AT-VSLĐ trong lĩnh vực thi công các công trình giao thông, xây dựng. Nghiêm chỉnh triển khai thực hiện các nội dung trong Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 20/6/2017 của Bộ Xây dựng; văn bản số 4873/UBND-XD4 ngày 06/7/2017 của Ủy ban nhân dân Tỉnh; văn bản số 1373/LĐTBXH-TTr ngày 23/6/2017 của Sở Lao động – TB&XH về tăng cường công tác đảm bảo AT-VSLĐ trong thi công các công trình xây dựng.

- Ủy ban nhân các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường công tác quản lý AT-VSLĐ đối với các doanh nghiệp trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ, dừng sản xuất, thi công khi phát hiện có nguy cơ xảy ra sự cố, TNLĐ; đặc biệt lưu ý: Lĩnh vực thi công xây dựng công trình trong khu dân cư; Lĩnh vực khai thác chế biến đá. Tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về AT-VSLĐ phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề; ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về AT-VSLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

- Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh: Rà soát lại công tác AT-VSLĐ và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về AT-VSLĐ, đặc biệt là Luật AT-VSLĐ và các văn bản hướng dẫn, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về AT-VSLĐ. Tổ chức đánh giá, kiểm soát các nguy cơ, rủi ro về AT-VSLĐ để có các giải pháp phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, tính tự chủ của người lao động. Tổ chức tốt các hoạt động trong Tháng AT-VSLĐ lần thứ hai (tháng 5/2018); phát động phong trào thi đua đảm bảo AT-VSLĐ, không để xảy ra sự cố, TNLĐ; khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác AT-VSLĐ./.

Cảnh Minh

TAG: tai nạn lao động quảng Ninh an toàn vệ sinh lao động
Tin khác
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần
Yên Bái phấn đấu giải quyết việc làm cho 20.000 người trong năm 2024
Tai nạn lao động khiến một công nhân khai thác mỏ hầm lò tử vong
TP.HCM: Tỷ lệ giải quyết việc làm và tạo việc làm mới đều tăng
Hà Nam: Triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn lao động