Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Quảng Ninh: Giải "bài toán" thu hút lao động cho khu công nghiệp, khu kinh tế
08:21 AM 04/11/2017
Sự phát triển mạnh mẽ của khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) và các dự án lớn trên địa bàn tỉnh đã dẫn đến thiếu hụt lao động. Để giải bài toán này, hiện Quảng Ninh đã và đang có những cơ chế cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Cùng với đó, các DN cũng đang nỗ lực cải thiện tiền lương, môi trường lao động, chế độ phúc lợi để “giữ chân” người lao động.
Điểm sáng Texhong
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Long (KCN Hải Yên, TP Móng Cái).
Để “giữ chân” người lao động, các DN trong KCN Texhong Hải Yên (TP Móng Cái) và KCN Texhong Hải Hà (huyện Hải Hà) đều đảm bảo chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội và quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Bên cạnh đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, DN cũng triển khai xây dựng nhà ở phục vụ cán bộ, nhân viên, người lao động xa nhà; hỗ trợ phương tiện đi lại, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao trong khuôn viên KCN. Qua đó tạo điều kiện cho người lao động làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Điển hình như Công đoàn Công ty TNHH Texhong Ngân Long phối hợp với Hội LHPN phường Hải Yên (TP Móng Cái) thành lập CLB Nữ công nhân làm việc xa nhà; tổ chức các ngày lễ trong năm và mỗi năm tổ chức hàng chục chuyến xe phục vụ công nhân về quê ăn tết…
Công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động cũng được các DN tại KCN Texhong rất quan tâm. Trong đó, chú trọng cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn công nghiệp, định kỳ hàng năm, công nhân các công ty trong KCN được kiểm tra tổng thể tình trạng sức khỏe, trên 90% lao động nữ được chăm sóc sức khỏe sinh sản. Chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Hà (KCN Texhong Hải Hà), cho biết: Trước khi được nhận vào làm việc chính thức, chúng tôi đều được học việc, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, nội quy an toàn lao động. Chế độ tiền lương, bảo hiểm cũng được công ty đảm bảo. Nói chung so với làm ruộng thì thu nhập cũng tốt hơn và môi trường làm việc sạch sẽ.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam (KCN Texhong Hải Hà).
Để thu hút người lao động vào làm việc đáp ứng nhu cầu sản xuất, hiện các công ty trong KCN Texhong Hải Hà cũng đang tích cực tuyển dụng lao động, phối hợp với địa phương, cơ sở đào tạo nghề để triển khai hỗ trợ người lao động học nghề may mặc, dệt và sợi gắn với giải quyết việc làm. Từ năm 2016 đến nay, Tập đoàn Texhong đã phối hợp mở được 30 lớp đào tạo nghề cho trên 2.000 lao động địa phương vào làm việc tại KCN.
Bà Trần Thu Trang, cán bộ Bộ phận Nhân sự KCN Texhong Hải Hà, cho biết: Hiện tại, KCN Texhong Hải Hà đã có 4 công ty con hoạt động trong lĩnh vực dệt, sợi, may mặc với nhu cầu tuyển dụng lao động lên tới trên 5.000 lao động. Trong đó có 2 công ty lớn cần nhiều lao động là Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Hà và Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam. Năm 2017, chúng tôi cần tuyển dụng trên 2.000 lao động. DN cũng đang chủ động phối hợp với các địa phương để tuyển dụng lao động, nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc cũng như các phúc lợi xã hội để người lao động yên tâm, gắn bó lâu dài với DN.
Trợ lực từ chính sách của tỉnh
Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 KCN được thành lập, cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 5 KCN đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và cho nhà đầu tư thứ cấp thuê để thực hiện 82 dự án thứ cấp. Chỉ tính riêng trong năm 2016, số lượng lao động thuộc các DN, nhà đầu tư trong KCN, KKT và các dự án lớn của tỉnh là 18.900 người. 6 tháng đầu năm 2017, con số này đã tăng lên 20.600 người và dự kiến sẽ tiếp tục tăng bởi có nhiều DN được thành lập đi vào hoạt động.
Theo báo cáo của 9 doanh nghiệp trong KCN có nhu cầu lớn về lao động, đến năm 2020, nhu cầu về lao động khoảng 23.000 người, trong đó, riêng các dự án của Tập đoàn Texhong cần khoảng 20.500 người. Do đó, việc xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết.
Đoàn công tác của tỉnh khảo sát thực tế tại khu nhà ở xã hội - KCN Nhơn Trạch, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Hồng Nhung
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐTBXH, cho biết: Hiện Sở LĐTBXH đang tích cực phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các ngành liên quan để sớm hoàn thiện Đề án “Thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các KCN, KKT và các dự án lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020”. Đồng thời, Sở LĐTBXH cũng đang tích cực thực hiện nhóm giải pháp về hỗ trợ DN tuyển dụng lao động. Trong đó, đẩy mạnh hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động; tăng cường sự phối hợp giữa DN và chính quyền địa phương trong tuyển dụng lao động cũng như phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và DN để đào tạo theo địa chỉ.
Vừa qua, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc, trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ DN để thu hút lao động tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tại cuộc làm việc này, lãnh đạo 2 tỉnh đã trao đổi làm rõ các nội dung về cơ chế hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp, quản lý lao động tại các KCN quy mô lớn, đào tạo nguồn lao động… Được biết, để hỗ trợ DN thu hút người lao động làm việc lâu dài, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp, như: Phát triển hệ thống nhà ở xã hội; tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề, trong đó có đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ DN tuyển dụng lao động; khuyến khích DN xây dựng môi trường lao động an toàn, xây dựng văn hóa DN để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài… Riêng trong giai đoạn 2008-2020, Đồng Nai đã dành quỹ đất 336,88ha để phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng công nhân lao động và quy hoạch đất sử dụng 2011-2020, nguồn quỹ đất dành để phát triển nhà ở cho công nhân được tăng thêm 293ha. Từ năm 2014 đến nay, Đồng Nai đã hoàn thành và bàn giao 2.710 căn nhà cho người lao động có thu nhập thấp.
Có thể thấy, đây là những kinh nghiệm quý của tỉnh bạn để Quảng Ninh học tập, áp dụng những giải pháp phù hợp để triển khai tốt các cơ chế hỗ trợ DN trong thời gian tới. Qua đó, tiếp tục thể hiện tốt tinh thần đồng hành cùng DN của tỉnh./.
Theo baoquangninh.com.vn
TAG: quảng Ninh khu công nghiệp nguồn lao động Nhân Lực
Tin khác
Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5
TP.HCM: Hơn 2.600 lượt công nhân được vay vốn lãi suất ưu đãi từ CEP
Nghệ An: Chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động
TP.HCM: Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tuyển hơn 1.500 vị trí việc làm
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần