Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Quảng Ninh đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
02:40 PM 07/10/2019
(LĐXH) - Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn nỗ lực đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) và đạt được những kết quả tích cực. Nhờ vào XKLĐ, hàng ngàn người dân nơi đây không chỉ thoát được nghèo, mà còn vươn lên làm giàu…
Trong thời gian qua, để tăng cường hiệu quả công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh  Quảng Ninh đã chỉ đạo Sở LĐTBXH và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác XKLĐ. Năm 2018, tổ chức 17 cuộc tuyên truyền về những quy định của pháp luật, chính sách hỗ trợ của nhà nước về XKLĐ tại 05 địa phương (Hoành Bồ, Đông Triều,Vân Đồn, Ba Chẽ, Quảng Yên); Tổ chức 21 hội nghị truyền thông về việc làm tại 04 huyện, tx trong đó có lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến về “Thỏa thuận triển khai hợp tác quản lý lao động qua biên giới Việt - Trung” đến người dân.
(Ảnh minh họa)
Nhằm mở rộng thị trường XKLĐ, ngày 10/8/2018 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) với Chính quyền tỉnh Karlovy Vary (Cộng hòa Séc), trong đó giao Sở Lao động - TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nội dung hợp tác về lao động với tỉnh Karlovy Vary.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 đơn vị là Trung tâm đào tạo nghề và lao động xuất khẩu - Công ty Cổ phần xuất khẩu Thủy sản II Quảng Ninh hoạt động dịch vụ XKLĐ và khoảng 30-40 doanh nghiệp tỉnh ngoài đang thực hiện công tác tuyển chọn lao động của tỉnh để đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chủ yếu tạp trung các thị trường: Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản.  Để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác XKLĐ, trên cơ sở hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc quản lý, kiểm tra các doanh nghiệp XKLĐ có đủ điều kiện vào địa bàn tỉnh để tuyển chọn lao động đưa đi XKLĐ nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động và hạn chế tình trạng doanh nghiệp vi phạm các quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trước tình hình người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng, đặc biệt là qua biên giới Việt - Trung làm việc trái phép, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Lao động - TB&XH chủ trì ký kết Biên bản “Thỏa thuận về hợp tác quản lý lao động qua biên giới Việt - Trung” với thành phố Phòng Thành Cảng, Quảng Tây, Trung Quốc (Biên bản được ký ngày 10/02/2017). Trên cở thoả thuận được ký kết, Sở Lao động - TB&XH đã xây dựng, ban hành Hướng dẫn thực hiện “Thoả thuận hợp tác quản lý lao động qua biên giới” giữa các huyện, thành phố (Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái) thuộc tỉnh Quảng Ninh và các huyện, thành phố (Thượng Tư, Đông Hưng, Cảng Khẩu, Phòng Thành) thuộc thành phố Phòng Thành Cảng, tỉnh Quảng Tây (gọi tắt là Hướng dẫn) số 748/HD-SLĐTBXH ngày 06/4/2018; ban hành công văn số 77/UBND-VX2 ngày 07/4/2017  về việc triển khai thực hiện công tác quản lý lao động qua biên giới; công văn số 3635/UBND-VX ngày 24/5/2017 chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước về XKLĐ, nâng cao chất lượng hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Nhằm đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh tích cực phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài; giao Sở LĐTBXH chủ trì, phố hợp chặt chẽ với Trung tâm Lao động ngoài nước, các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tuyển chọn, quản lý, theo dõi lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài; đặc biệt là theo dõi lao động địa phương đang cư trú, làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài để kịp thời tuyên  truyền, vận động gia đình của người lao động phối hợp với các cơ quan chức năng vận động người thân tự nguyện về nước. Năm 2014, Sở LĐTBXH đã phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức hội nghị tại Đông Triều, Quảng Yên; năm 2015 tổ chức tại Vân Đồn để tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS hết hạn hợp đồng lao động ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước.
Các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn TNCS Hồ chí Minh địa phương đã tham gia tích cực trong công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên tham gia chương trình đi làm việc ở nước ngoài, phối cơ quan chuyên môn tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho người dân có nhu cầu tham gia XKLĐ và gia đình của họ hiểu được các quy định pháp luật, quyền, nghĩa vụ, thủ tục, trình tự và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Từ năm 2015-2018, toàn tỉnh có 3.593 người (trung bình mỗi năm gần 900 người) đi làm việc ở nước ngoài thông qua các chương trình XKLĐ do Bộ Lao động - TB&XH và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tổ chức, trong đó chủ yếu tập chung vào các thị trường: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... Đa số ngành, nghề, việc làm theo yêu cầu của nước ngoài thường đòi hỏi trình độ không cao nên phù hợp với khả năng lao động như: xây dựng; giày da, may mặc; giúp việc gia đình, chăm sóc người bệnh hoặc người già yếu, tàn tật; nông nghiệp; lắp ráp điện tử… Lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh tập trung ở khu vực nông thôn.
Phần lớn người lao động đi XKLĐ có thu nhập tương đối ổn định, cao hơn so với việc làm trong nước cùng ngành nghề, cùng trình độ. Tính bình quân chung, thu nhập sau khi trừ chi phí sinh hoạt của lao động tại các thị trường cơ bản như sau: Khoảng từ 13-15 triệuđồng/tháng tại thị trường có thu nhập trung bình (Đài Loan), từ 30-35 triệu đồng/tháng ở những thị trường thu nhập cao (Nhật Bản, Hàn Quốc). Sau khi đi XKLĐ về nước, trừ những trường hợp gặp rủi ro phải về nước trước thời hạn, đa số người đi XKLĐ đời sống vật chất được cải thiện, xây dựng được nhà cửa, mua sắm các vật dụng sinh hoạt nâng cao đời sống gia đình.
Thời gian qua, XKLĐ đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập, nâng cao chất cuộc sống của người dân. Đồng thời với những kinh nghiệm, học hỏi được ở nhiều nơi trên thế giới (từ nghề nghiệp cụ thể đến tác phong công nghiệp, trình độ quản lý...), cùng với số vốn tích lũy được sau những năm làm việc ở nước ngoài, nhiều lao động đã và đang trở về quê hương đầu tư xây dựng nhà cửa, cơ sở sản xuất kinh doanh, góp phần giảm nghèo và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Nguyễn Hiền
TAG: Quảng Ninh đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo và thúc đẩy sự
Tin khác
Quảng Nam: Đẩy mạnh công tác lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Honda Việt Nam thực hiện nghiêm công tác an toàn lao động tại nơi làm việc
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Thường xuyên diễn tập kỹ năng xử lý sự cố an toàn lao động
Kiểm tra công tác ứng dụng công nghệ và kiểm soát rủi ro về an toàn lao động
Xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) đủ mạnh để bào vệ được người lao động và cán bộ Công đoàn
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Diễn tập thường xuyên để tránh xảy ra sự cố về an toàn lao động
Vĩnh Phúc: Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động
Ninh Bình: Triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
Hà Nội: Đào tạo nghề miễn phí cho lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp