Xã hội
Trang chủ / Xã hội / Xã hội
Quảng Ninh: Cung cấp nhiều dịch vụ công tác xã hội cho người cao tuổi
12:52 PM 03/01/2019
(LĐXH) – Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã cung cấp nhiều dịch vụ công tác xã hội (CTXH) cho người dân trên địa bàn nói chung và người cao tuổi nói riêng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển xã hội công bằng, hài hoà và bền vững.
Tính đến cuối năm 2018, Quảng Ninh có 133.574 người cao tuổi, trong số đó có khoảng gần 70% người cao tuổi đã được lương hưu và trợ cấp. Cụ thể, có 10.014 người cao tuổi đang hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 60.783 người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và có 21.669 người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng theo Luật người cao tuổi.
Thời gian qua, công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi của tỉnh luôn được sự quan tâm đầy đủ, kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Người cao tuổi thuộc diện được trợ giúp, trợ cấp theo chế độ, chính sách hiện hành của Nhà nước được thụ hưởng chính sách đầy đủ. Các hoạt động phong trào của người cao tuổi ở cơ sở được duy trì và ngày càng phát triển. Người cao tuổi có nhiều hoạt động phát huy vai trò, tham gia các công tác Đảng và đoàn thể tại cơ sở, tham gia các câu lạc bộ dưỡng sinh, thể thao, văn nghệ, câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau... đã góp phần động viên người cao tuổi an tâm sống vui, sống khoẻ, sống có ích cho gia đình và cộng đồng.
Chăm sóc người cao tuổi ở Trung tâm bảo trợ xã hội Quảng Ninh
Bên cạnh đó, để Người cao tuổi được chăm sóc tốt hơn nữa, những năm gần đây, Quảng Ninh đã triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 nhằm phát triển và nâng cao tính chuyên nghiệp hoá nghề công tác xã hội một cách có hệ thống và đồng bộ, đồng thời có thể huy động nguồn lực của Nhà nước và cộng đồng xã hội, từ đó đem lại hiệu quả cao trong thực hiện công tác xã hội, đáp ứng nhu cầu của các nhóm đối tượng sử dụng các dịch vụ công tác xã hội ngày càng lớn và mang tính chuyên nghiệp. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã sớm xây dựng Kế hoạch số 1811/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án 32 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu: Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề chuyên nghiệp; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng, có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức tốt gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần tích cực xây dựng, ổn định và phát triển hệ thống an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh là một đơn vị trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý và chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng lang thang xin ăn, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp và đối tượng tự nguyện, trong đó chủ yếu là người cao tuổi. Hiện nay số lượng đối tượng được chăm sóc tại Trung tâm là hơn 100 người, trong đó 70% là người cao tuổi, bao gồm người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và người cao tuổi tự nguyện đóng góp kinh phí.
Ông Phạm Minh Tứ, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết: Từ khi Đề án 32 của Chính phủ được triển khai, Trung tâm Bảo trợ xã hội đã thực hiện việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với người cao tuổi theo quy định. Đời sống của các đối tượng đang được nuôi dưỡng chăm sóc tại Trung tâm được đảm bảo bằng mức chuẩn trợ cấp (mức chuẩn của tỉnh là 500.000 đồng/tháng) nhân với hệ số của từng đối tượng (từ hệ số 3.0 đến hệ số 4.0) tương đương mức tiền ăn hàng tháng từ 1.500.000 đồng/ đối tượng/ tháng đến 2.000.000 đồng/ đối tượng/ tháng. Mức sinh hoạt phí hằng tháng cho các đối tượng (bao gồm tất cả các khoản chi điện nước, quần áo, …) tương ứng 10 tháng lương cơ sở/ năm/ đối tượng. Tại đay, việc sắp xếp phòng ở cho người cao tuổi được quan tâm chi tiết từ sở thích, sức khoẻ và tính cách của người cao tuổi trong cùng một phòng. Bên cạnh đó, đơn vị còn triển khai mô hình “ghép đôi”, tạo điều kiện cho người cao tuổi trợ giúp lẫn nhau trong sinh hoạt, có bạn tri kỷ để sẻ chia nỗi niềm trong cuộc sống. Chính nhờ sự sắp xếp hợp lý nên những người cao tuổi ở chung một phòng có sự tương trợ lẫn nhau, có được niềm vui trong cuộc sống và dễ đồng cảm trong cuộc sống hằng ngày.
Đặc biệt với người cao tuổi đang sống tập trung tại Trung tâm đa phần sức khoẻ yếu, nhiều bệnh tật, nhiều người cao tuổi đa khuyết tật nên việc chăm sóc sức khoẻ  được quan tâm và chú trọng. Mỗi một người cao tuổi đều có hồ sơ bệnh án riêng và có chế độ chăm sóc riêng. Trung tâm đã được trang bị 01 phòng tập phục hồi chức năng với các trang thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng trợ giúp cho người cao tuổi tập luyện để rèn luyện sức khoẻ hằng ngày. Bên cạnh đó Trung tâm thường xuyên kết nối với các bệnh viện tới khám bệnh, phát thuốc miễn phí, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Chế độ ăn của người cao tuổi được quan tâm theo sở thích, tình trạng sức khỏe của từng nhóm.
Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai có hiệu quả các mô hình: Mô hình người cao tuổi tự quản, mô hình người cao tuổi tham gia tổ hòa giải, tổ lao động, tổ trợ giúp, tổ văn hóa văn nghệ. Trung tâm cũng thành lập một Chi hội người cao tuổi, tham gia sinh hoạt cùng Hội người cao tuổi của phường nơi Trung tâm đặt trụ sở. Thông qua các mô hình này, người cao tuổi được chăm sóc toàn diện, có cơ hội để phát huy khả năng của cá nhân, được tôn trọng trong cộng đồng.
Với nhiều hoạt động được tổ chức tại Trung tâm, đời sống văn hoá tinh thần của người cao tuổi được đáp ứng và đạt chất lượng tốt. Những chương trình tuyên truyền và cung cấp tin tức thời sự, tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khoẻ, nghe những câu chuyện về đất nước, con người được tổ chức định kỳ vào các ngày trong tuần. Những buổi sinh hoạt chuyên đề dành cho người cao tuổi được tổ chức gắn với các ngày lễ lớn của đất nước. Trung tâm thường tổ chức mít tinh, toạ đàm vào các ngày lễ có ý nghĩa lịch sử trong năm để người cao tuổi được tiếp cận thêm thông tin và có cơ hội ôn lại những truyền thống dân tộc, đất nước. Bên cạnh đó Trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động công tác xã hội nhóm với người cao tuổi và tổ chức các buổi thăm quan, dã ngoại với việc tổ chức các trò chơi để động viên người cao tuổi tham gia.
Trung tâm còn liên hệ và kết nối với các tổ chức khác nhau để tổ chức các hoạt động tình nguyện, tổ chức văn nghệ, giao lưu, kết nối và chia sẻ dành cho người cao tuổi. Đặc biệt việc duy trì và kết nối các nhóm tình nguyện tới cắt tóc, nấu ăn và các câu lạc bộ, các nhóm sinh viên của các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành công tác xã hội thường xuyên tổ chức các hoạt động chia sẻ với người cao tuổi có hiệu quả.
Để nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về Công tác xã hội đối với Người cao tuổi, Trung tâm đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: Xuất bản sách Chuyện Người cao tuổi nói về những hoàn cảnh thực tế của người cao tuổi đang được chăm sóc tại Trung tâm, Cẩm nang chăm sóc người cao tuổi. Trung tâm thành lập và duy trì hoạt động của Câu lạc bộ tình nguyện viên công tác xã hội, Câu lạc bộ gia đình có người cao tuổi cần chăm sóc để tổ chức các hoạt động truyền thông trong chăm sóc người cao tuổi, trực tiếp tổ chức các hoạt động chăm lo người cao tuổi tại Trung tâm. Trong thời gian vừa qua Trung tâm đã thực hiện lập hồ sơ quản lý trường hợp đối với người cao tuổi, kết nối với gia đình, người thân trong chăm sóc và nhận nuôi người cao tuổi trở về cộng đồng, thông qua đó đã kết nối được 01 gia đình nhận người cao tuổi từ Trung tâm về với cộng đồng.
Ngoài việc thực hiện chăm sóc trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, từ năm 2015, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án triển khai mô hình nhận chăm sóc đối tượng tự nguyện đóng góp kinh phí, với mức thu từ 3.740.000 đồng đến 4.400.000 đồng/ đối tượng /tháng (mức thu này chưa bao gồm cơ sở vật chất, nhà nước vẫn hỗ trợ trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất của Trung tâm). Đến nay, Trung tâm đang duy trì nhận chăm sóc từ 25-30 đối tượng tự nguyện đóng góp kinh phí, trong đó chủ yếu là người cao tuổi.
Để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi hiện nay trên địa bàn tỉnh, Trung tâm đang ngày càng hoàn thiện về mọi mặt để có thể cung cấp các dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp và có hiệu quả, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh./.
Nguyễn Hiền
 
TAG: Quảng Ninh: Cung cấp nhiều dịch vụ công tác xã hội cho người cao tuổi Tin Tức bao
Tin khác
Đảm bảo thực hiện hiệu quả chế độ, chính sách trong quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Nghệ An: Quan tâm chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ
Sóc Trăng: Thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Ninh Bình: Huy động nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bền vững
 Sở LĐ-TB&XH TP.HCM gặp gỡ đối thoại với cán bộ, đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể
Lạng Sơn: Hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo
Bảo hiểm xã hội TP.HCM chuyển trụ sở làm việc về quận 7
Tín dụng chính sách - Điểm tựa cho thanh niên lập thân, lập nghiệp
 Nữ Bí thư Chi đoàn tận tâm với hoạt động tín dụng chính sách