An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quảng Ngãi: Chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật bằng những việc làm thiết thực
04:03 PM 26/09/2019
Công tác chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi luôn được các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân quan tâm thực hiện bằng những việc làm thiết thực. Qua đó, giúp NKT có thêm niềm tin, nghị lực vượt qua những khó khăn, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.
Vươn lên bằng nghị lực
Cho đến nay, khi đã trở thành ông chủ của một tiệm gò hàn, có thu nhập ổn định và với một cơ ngơi nhà cửa khang trang, ông Lương Văn Hải (54 tuổi), ở đội 6, thôn Đông, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) vẫn không thể nào quên những tháng ngày khó khăn của bản thân. Năm ông Hải lên 3 tuổi, cơn sốt cao đã để lại di chứng làm ông liệt cả hai chân. Đây là một cú sốc quá lớn đối với gia đình ông.
Đến năm 32 tuổi, ông Hải lập gia đình, nhưng cuộc sống vẫn không mỉm cười với ông, vì người vợ của ông là chị Nguyễn Thị Kim Chi bị bệnh tâm thần. Vợ chồng ông sinh được 2 người con thì người con út lại bị bệnh down.
Ông Hải bộc bạch: “Nhà có đến 3 người khuyết tật, nên vô cùng khó khăn. Lúc trước, tôi rất mặc cảm, nhưng rồi nhờ sự quan tâm, yêu thương của người thân, bạn bè, những người xung quanh, nên tôi đã cố gắng học nghề và tự vươn lên trong cuộc sống. Lúc đầu, tôi làm nghề sửa xe đạp, xe máy và sau đó chuyển sang làm nghề gò hàn. Nhờ đó mà cuộc sống của gia đình đã ổn định”.
Là người khuyết tật, nhưng ông Lương Văn Hải, ở xã Tịnh Sơn (huyện Sơn Tịnh) vẫn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống
 Mặc dù có những thời điểm gia đình gặp nhiều khó khăn, sóng gió, nhưng ông Hải vẫn luôn là trụ cột trong gia đình, tận tình chăm sóc vợ, nuôi các con khôn lớn. Vì thế mà người dân nơi đây luôn nhắc đến ông với tấm lòng yêu mến và khâm phục về một nghị lực phi thường.
Còn tại xã Thanh An (Minh Long), cái tên Đinh Thị Xá, ở thôn Công Loan đã trở nên quen thuộc với mọi người, bởi em đến trường học con chữ bằng cả ý chí và nghị lực phi thường. Em Đinh Thị Xá bị tật vận động từ nhỏ, hai chân đi lại khó khăn, sức khỏe yếu, nhưng chưa một lần em có  ý nghĩ phải nghỉ học.
Ông Đinh Văn Cường, cha Xá kể: “Nó ham học lắm! Từ nhỏ, thấy bạn bè đi học là nó đòi đi theo. Thấy nó ham học, nên dù gia đình có khó khăn, tôi vẫn cố gắng cho con đến trường và nay cháu nó đã vào đại học”. Em Đinh Thị Xá hiện là sinh viên năm 3, khoa Sư phạm tự nhiên Trường Đại học Phạm Văn Đồng.
Vun đắp niềm tin
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh có hơn 59.000 NKT. Đa số NKT có trình độ học vấn thấp, hầu hết thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, không có nghề nghiệp ổn định. Để chăm sóc, giúp đỡ, tạo điều kiện cho NKT vượt qua mặc cảm để hòa nhập với cộng đồng, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động vì NKT. Ngoài các chính sách bảo trợ xã hội, nhiều tổ chức xã hội, nhân đạo, từ thiện được thành lập, trở thành “chỗ dựa” của những phận đời kém may mắn, như Hội NKT, Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin, Hội Người mù...
Với phương châm xã hội hóa công tác chăm sóc và trợ giúp NKT, toàn tỉnh đã vận động các tổ chức, cá nhân được hàng nghìn chiếc xe lăn; làm chân giả, nạn, nẹp cấp cho NKT vận động... Nhiều NKT được phẫu thuật tim, phẫu thuật chỉnh hình; trợ giúp pháp lý, dạy nghề, tạo việc làm... Năm 2018, Hội NKT tỉnh đã vận động, tổ chức trao quà, học bổng cho gần 1.300 gia đình NKT, trẻ mồ côi và người nghèo, với tổng số tiền và hiện vật trị giá gần 1 tỷ đồng. 
Ông Phan Thanh Chung, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh cho biết: Để tạo cơ hội cho NKT khẳng định vị thế của bản thân, Hội NKT tỉnh đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành liên quan đi thực tế tại cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NKT; tiến hành rà soát toàn bộ các đối tượng NKT trên địa bàn tỉnh, phân loại khuyết tật để có hướng trợ giúp kịp thời; tích cực tìm kiếm, phát hiện các điển hình tiên tiến để biểu dương nhân rộng.
Tuy nhiên, hiện nay, NKT trong tỉnh vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Đó là, việc dạy văn hóa, đào tạo nghề và tạo việc làm cho NKT chưa thực sự hiệu quả. Cơ sở hạ tầng của địa phương, đặc biệt là giao thông, y tế chưa phù hợp, khiến cho việc tiếp cận các dịch vụ này của NKT gặp khó khăn... Đây là những rào cản làm hạn chế khả năng cũng như sự hòa nhập cộng đồng của NKT. Do đó, các cấp, ngành cần tiếp tục thực hiện tốt các chế độ chính sách của Nhà nước dành cho NKT; tạo điều kiện để họ tiếp cận tốt hơn các dịch vụ công cộng, được đào tạo những ngành nghề phù hợp với khả năng và nhu cầu của thị trường. Xã hội cũng cần nhìn nhận công bằng và nhân văn hơn để NKT tự tin trong cuộc sống, khẳng định vị thế của bản thân.
PV
 
TAG: Khuyết Tật Chăm lo. Hòa nhập
Tin khác
Hội thảo về Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) thành công tốt đẹp
Vai trò trụ cột của Mặt trận Tổ quốc trong thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận
Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi ở Tuyên Quang
Lào Cai: Quan tâm thực hiện chính sách người có công với cách mạng
Viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024