Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Phú Thọ quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em
03:25 PM 08/09/2019
(LĐXH)- Xác định kỹ năng sống có ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của mỗi đứa trẻ, những năm qua, các sở, ban ngành ở tỉnh Phú Thọ đã tích cực phối hợp lồng ghép trong chương trình dạy học, các hoạt động ngoại khóa… từ đó rèn luyện khả năng thích nghi với cuộc sống, ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, từng bước hình thành và phát triển nhân cách, để trẻ em vững bước vào đời.
Đến Trường  phổ thông chất lượng cao Hùng Vương (phường Nông Trang, Tp Việt Trì, Phú Thọ), qua cách giao tiếp, trò chuyện với học sinh chúng tôi thấy nhiều em khá bạo dạn, tự tin và rất lễ phép. Thầy giáo Bùi Gia Nội, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cùng với công tác giáo dục về văn hóa, nhà trường đặc biệt quan tâm giáo dục đạo đức và kỹ năng sống vì nhận thấy đây là hoạt động cần thiết nhằm hình thành cho học sinh kỹ năng giao tiếp cơ bản với cha mẹ, thầy cô, bạn bè; kỹ năng xây dựng tình bạn đẹp, kỹ năng kiên trì trong học tập; kỹ năng đúng giờ và làm việc theo yêu cầu, kỹ năng đồng cảm... tạo tiền đề cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất, học vấn và năng lực của học sinh. Vào các giờ lên lớp, nội dung giáo dục kỹ năng sống được lồng ghép trong các môn học. Mỗi giáo viên đều biết ứng dụng những bài học thực tế, những câu chuyện… để làm sinh động nội dung bài giảng”.
Tham gia chương trình “Học kỳ trong quân đội” các em thiếu niên và nhi đồng được làm quen với môi trường quân đội là môi trường giáo dục kỹ năng sống tốt
Với mục tiêu xã hội hóa giáo dục nhằm xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam tự lực và kiên cường với đầy đủ sức khỏe, kiến thức, kỹ năng sống và bản lĩnh đương đầu với mọi thử thách trong thời đại mới, giáo dục tinh thần kỷ luật, tính tự lập và trau dồi kỹ năng sống, Chương trình “Học kỳ trong quân đội” đã được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Phú Thọ tổ chức từ năm 2011. Đến nay, đã được nhiều người biết đến bởi hiệu quả cao. Đây là mô hình giáo dục nhân cách, xây dựng và phát triển tư duy mới, phát triển cảm quan về cuộc sống con người, nâng cao tính kỷ luật, tính tập thể, ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ và trang bị kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, kỹ năng ứng xử, kỹ năng tự lập, tinh thần đoàn kết, kiến thức quốc phòng và an ninh. Đồng thời, gắn kết tình cảm giữa thanh thiếu niên với gia đình, bạn bè, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, đáp ứng sự mong mỏi của nhà trường, gia đình và xã hội. Khi tham gia khóa học các “chiến sỹ nhí” sẽ có được những bài học quý giá về tính kỷ luật, sáng tạo, ý thức tự giác, tính trung thực, sự dũng cảm, sự chia sẻ và ý chí vươn lên… Từ những bài tập thể dục buổi sáng, trò chơi vận động, tăng gia sản xuất, hoạt động giao lưu văn nghệ; hoạt động thể thao, hành quân dã ngoại và tự nấu ăn dã ngoại… đến các nội dung khơi gợi cảm xúc cho các em như: Viết nhật ký, viết thư gửi gia đình… qua đó giúp các “chiến sỹ nhí” cảm nhận những giá trị của cuộc sống. Từ đó nâng cao ý thức cảm quan về con người, biết chia sẻ và giúp đỡ mọi người đúng cách. 
Đối với những học sinh sống ở vùng nông thôn, điều kiện còn khó khăn thì nghỉ hè, giúp đỡ bố mẹ công việc nhà cũng là một hình thức để rèn luyện kỹ năng sống. Anh Nguyễn Hoài Thanh, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đồng Lạc, huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) cho biết: Thông qua các buổi sinh hoạt hè tại địa phương, ngoài việc được dạy hát, múa thì các em nhỏ cũng được các anh chị đoàn viên thanh niên phổ biến một số kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống xâm hại, bạo lực... Ngoài ra, các em cũng được bố mẹ hướng dẫn làm một số công việc nhẹ nhàng, phù hợp lứa tuổi như: Chăn trâu, bò; cắt cỏ; làm việc nhà... Được trực tiếp tham gia những công việc này, các em cảm thấy rất hào hứng và thích thú vì đã góp phần phụ giúp gia đình trong những ngày mùa bận rộn. Dịp hè cũng là cơ hội để các em gần gũi với người thân trong gia đình, hiểu hơn về cội nguồn của mình”.
Hiện nay, huyện Yên Lập có gần 44 nghìn trẻ em, trong đó gần 22 nghìn trẻ em dưới 6 tuổi. Do đặc thù là huyện vùng cao, nhiều em nhỏ kỹ năng sống, khả năng hiểu biết các vấn đề xã hội còn rất hạn chế, do đó, khi tiếp xúc với những tệ nạn xã hội những tình huống mất an toàn… chưa có khả năng phòng, tránh. Do vậy, những năm gần đây, các ban, ngành, địa phương trong huyện và các bậc phụ huynh đã quan tâm nhiều hơn đến việc trang bị những kỹ năng sống, giúp con em có đủ khả năng tự bảo vệ mình. Để làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Phòng Lao động - TBXH huyện Yên Lập đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện “Mùa hè an toàn cho trẻ” với việc đẩy mạnh vận động, tuyên truyền phòng chống xâm hại, bạo lực gia đình, tai nạn thương tích; bàn giao, tiếp nhận và quản lý trẻ về sinh hoạt hè tại các xã, khu dân cư, gia đình; tạo điều kiện về địa điểm để các em có sân chơi bổ ích…
Cùng với công tác giáo dục về văn hóa, đạo đức, những năm qua ngành giáo dục của tỉnh luôn quan tâm thực hiện công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Đối với các trường mầm non, giáo dục kỹ năng sống như: Kỹ năng giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè; kỹ năng xây dựng tình bạn đẹp, kỹ năng kiên trì trong học tập; kỹ năng đúng giờ và làm việc theo yêu cầu, kỹ năng đồng cảm... nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất, học vấn và năng lực của học sinh. Ở các trường tiểu học, bên cạnh các hoạt động ngoại khóa, việc rèn luyện các kỹ năng sống cho học sinh đã được lồng ghép, tích hợp trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Bên cạnh đó, giáo dục kỹ năng sống còn được các nhà trường gắn với các hoạt động cụ thể như: Xây dựng các hoạt động ngoại khóa thông qua các cuộc thi văn nghệ gắn với giáo dục giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, của quê hương... Đồng thời tăng cường các trò chơi vận động ngoài trời, giúp các em tìm ra khái niệm bài học dựa trên cảm nhận các bài hát, các câu truyện cười, các bài học đạo đức, các tác phẩm văn học nghệ thuật… để các em suy ngẫm rút ra ý nghĩa bài học, từ đó giúp các em sống nhân văn, biết yêu thương và có trách nhiệm hơn với những người xung quanh và chính bản thân mình.
Có thể thấy, việc rèn luyện kỹ năng sống dù ở hình thức nào cũng trang bị cho các em nhỏ kiến thức cần thiết về cuộc sống. Bên cạnh sự “vào cuộc” của các sở, ban, ngành chức năng thì gia đình là một môi trường rèn luyện tốt nhất để các em có thể phát triển kỹ năng sống đầy đủ, trưởng thành về mọi mặt. Khi được trang bị các kỹ năng sống cần thiết cùng ý thức vươn lên trong học tập, chắc chắn các em sẽ trở thành người có ích cho gia đình và xã hội…

P.V

TAG: Phú thọ chăm sóc trẻ em kỹ năng sống Trẻ Em
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công