Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Trường nghề tiếp tục được dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT
05:35 PM 10/04/2021
(LĐXH)- “Các cơ sở cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã và đang tổ chức dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT thì được tiếp tục thực hiện”. Đây là Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN vừa được Văn phòng Thủ tướng Chính phủ thông báo.
Theo đó, ngày 6/4/2021, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, cơ quan có liên quan để xử lý một số vấn đề liên quan tới việc cấp bằng tốt nghiệp THCS cho các học viên học viện Múa Việt Nam và giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận:
Nghị quyết 29 của Trung ương, Luật Giáo dục năm 2019 và các văn bản của Đảng, Nhà nước luôn nhất quán yêu cầu đổi mới Giáo dục và Đào tạo theo hướng mở, liên thông giữa tất cả các cấp học, hình thức đào tạo, tạo điều kiện để học tập suốt đời. Đồng thời phải đảm bảo chất lượng dạy và học, tiệm cận với khung trình độ quốc tế.
Theo Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các trường nghề tiếp tục được dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, những năm qua, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đã có nhiều thay đổi tích cực, số lượng học sinh tham gia học nghề tăng.
Bên cạnh đó, trong thực tiễn, vẫn còn những vướng mắc, bất cập đòi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - TBXH và các cơ quan phối hợp thật chặt chẽ trên tinh thần bảo đảm lợi ích người học và tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ, giải quyết trong thời gian tới để các cơ sở GDNN và toàn xã hội tham gia đổi mới giáo dục.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, đối với các vướng mắc do những quy định của pháp luật chưa đồng bộ cần tập trung giải quyết ngay theo thẩm quyền theo hướng vận dụng tối đa các quy định để giải quyết trước mắt, đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật cho phù hợp.
Theo kết luận của Phó Thủ tướng, để khắc phục bất cập là nhiều cơ sở tổ chức dạy học nhưng theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 thì không có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - TBXH hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh.
Về lâu dài, để thực hiện tốt các quy định của Luật Giáo dục về việc khuyến khích các cơ sở GDNN, giáo dục đại học tham gia giáo dục thường xuyên, Bộ Lao động - TBXH, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định, hướng dẫn để các cấp chính quyền căn cứ tình hình cụ thể trên địa bàn thực hiện giao thêm chức năng giáo dục thường xuyên hoặc thực hiện sắp xếp các cơ sở giáo dục thường xuyên hiện có nhằm phát huy tối đa điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ thầy cô giáo. Đồng thời nghiên cứu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật để các cơ sở được dạy văn hóa chương trình văn hóa THPT thì đều có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. 
Nhiều địa phương được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong các cơ sở GDNN
Về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở GDNN theo kiến nghị của Bộ Lao động - TBXH và Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương ban hành văn bản quy định việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN theo đúng quy định tại khoản 4, điều 28 Luật Giáo dục 2019, khoản 4 Điều 33 Luật GDNN 2014, Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện các cơ sở GDNN, giáo dục đại học, các tổ chức khác đủ điều kiện đều có trách nhiệm tham gia thúc đẩy giáo dục thường xuyên theo đúng quy định của pháp luật.
Kết luận cũng nêu rõ, đối với các cơ sở GDNN đã và đang tổ chức dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT thì được tiếp tục thực hiện.
Trước đó, ngày 26/3/2021, Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội Việt Nam phối hợp với Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế – kỹ thuật đã có văn bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, phản ánh những khó khăn, bất cập về việc giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN để đảm bảo quyền lợi cho gần 1 triệu học sinh.
Theo phản ánh của Hiệp hội, trước năm 2018, tại nhiều địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cho phép các trường (trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng) được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (học 7 môn văn hóa bắt buộc).
Người học, sau khi hoàn thành chương trình được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để nhận được Bằng tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, người học có bằng tốt nghiệp trung cấp nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) theo quy định tại Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT thì cũng được tham dự kỳ thi đại học.  
Học sinh tham gia chương trình đào tạo 9+ tại Trường Cao đẳng cơ khí nông nghiệp
Tuy nhiên, kể từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo không cho phép các cơ sở GDNN được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 (tức là chỉ được dạy chương trình 4 môn học) để chỉ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng trong hệ thống GDNN, chứ không liên thông lên đại học.
Cũng theo phản ánh của Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội Việt Nam, Luật GDNN, Luật Giáo dục năm 2019 quy định người học tốt nghiệp THCS đi học nghề trình độ trung cấp có thể học thêm văn hóa THPT để được liên thông lên trình độ cao hơn. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm ban hành thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học cần tích lũy. Tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải ban hành nội dung này trong quý III năm 2020. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa ban hành được thông tư này.

Chí Tâm

TAG: văn phòng chính phủ Phó thủ tướng Vũ Đức Đam Thông Báo Kết luận Cơ Sở GIáo dục Nghề Nghiệp chương trình thường xuyên THPT
Tin khác
Học viện Kỹ thuật quân sự tuyên truyền tuyển sinh trên 800 học sinh tại Đồng Nai
Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp
467 học viên trung cấp chính quy hoàn thành huấn luyện đầu khóa
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đạt giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo IoT – NTTU 2024
Tăng cường sự tham gia của Phụ nữ, người khuyết tật và hoà nhập cộng đồng trong GDNN lĩnh vực Logistic
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành  kiểm định chất lượng 10 chương trình đào tạo
Thái Nguyên: Tăng cường công tác thể dục, thể thao trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Cần Thơ chú trọng công tác giáo dục nghề nghiệp
Úc và Việt Nam hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Logistics đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động