Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Phát triển nghề công tác xã hội ở Yên Bái
03:17 PM 30/09/2019
(LĐXH) Dù việc phát triển nghề công tác xã hội hiện nay ở nước ta nói chung cũng như ở tỉnh Yên Bái nói riêng đang gặp phải những khó khăn về kinh phí, nhân lực … nhưng yêu cầu phát triển một nền công tác xã hội theo hướng chuyên nghiệp vẫn là một đòi hỏi khách quan
Nghề công tác xã hội đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 25/3 hàng năm là "Ngày Công tác xã hội Việt Nam” chính là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với những đóng góp quan trọng của lĩnh vực công tác xã hội trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 
 Ở tỉnh Yên Bái, sau khi Đề án 32 được ban hành, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 01/01/2011 về phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. Nội dung chủ yếu của Kế hoạch này là kết hợp giữa đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức bộ máy và đổi tên Trung tâm Bảo trợ xã hội thành Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội với các hoạt động truyền thông và đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội ở cơ sở để hình thành mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng trên địa bàn tỉnh. 
 Trong điều kiện nghề công tác xã hội còn khá mới mẻ, nhận thức của xã hội về vai trò của nghề công tác xã hội còn hạn chế; nguồn lực về tài chính, nhân lực phục vụ cho hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn thiếu…  với sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan chức năng; sự nỗ lực của ngành lao động - thương binh và xã hội, sự tâm huyết của đội ngũ những người làm công tác xã hội, các hoạt động về phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Công tác truyền thông về công tác xã hội được chú trọng. 
Chăm sóc người già neo đơn tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội Yên Bái
 Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Báo Yên Bái để xây dựng các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về nghề công tác xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vị trí, vai trò của nghề công tác xã hội trong việc đảm bảo an sinh xã hội. 
 Với chức năng nhiệm vụ được giao, những năm qua, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh đã tổ chức 20 hội nghị để trực tiếp truyền thông về công tác xã hội cho trên 1.000 đại biểu tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ tham gia làm công tác xã hội cấp cơ sở được duy trì đều đặn với khoảng 300 - 400 cán bộ tham gia làm công tác xã hội được tập huấn hàng năm. 
 Đối tượng tập huấn là các cán bộ trực tiếp tham gia trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh như: cán bộ, nhân viên tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở giáo dục, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, người nghiện ma túy, cán bộ lao động - thương binh và xã hội, lãnh đạo hội chữ thập đỏ và các tổ chức đoàn thể tại các địa phương… 
 Thông qua các lớp tập huấn, các học viên đã được cung cấp các các kiến thức, kỹ năng cơ bản về công tác xã hội, đặc điểm của các nhóm đối tượng cần trợ giúp và hệ thống chính sách trợ giúp của Nhà nước để từ đó có điều kiện nâng cao hoạt động trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tại cơ sở. Bên cạnh tổ chức nuôi dưỡng chu đáo gần 100 đối tượng bảo trợ xã hội, hàng năm, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội còn thường xuyên lập hồ sơ theo dõi, trợ giúp cho trên 100 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng. Đường dây tư vấn miễn phí qua tổng đài 18001776 của Trung tâm sau khi được đưa vào vận hành đã trở thành địa chỉ tư vấn tin cậy cho nhiều đối tượng đang gặp phải các vấn đề về tâm lý xã hội. 
Thông qua hoạt động tư vấn, Trung tâm cũng đã kịp thời phát hiện, can thiệp, giúp đỡ một số đối tượng cần trợ giúp khẩn cấp. Đáng mừng là hoạt động đào tạo về nghề công tác xã hội được đẩy mạnh. Sau 7 năm thực hiện Đề án, đã có 138 sinh viên trên địa bàn tỉnh được đào tạo đại học, cao đẳng về công tác xã hội, trong đó có 98 sinh viên đã tốt nghiệp và có 40 sinh viên sẽ hoàn thành chương trình đào tạo trong năm 2019. 
 Dù việc phát triển nghề công tác xã hội hiện nay ở nước ta nói chung cũng như ở tỉnh Yên Bái nói riêng đang gặp phải những khó khăn về kinh phí, nhân lực … nhưng yêu cầu phát triển một nền công tác xã hội theo hướng chuyên nghiệp vẫn là một đòi hỏi khách quan của xã hội. Với những kết quả đã đạt được trong 8 năm qua, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương, từ nâng cao nhận thức của toàn xã hội và nguồn nhân lực có chất lượng…, chắc chắn hoạt động phát triển nghề công tác xã hội sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả, góp phần vào việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh./.
Mỹ Linh
TAG: phát triển nghề công tác xã hội yên Bái
Tin khác
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024
Thừa Thiên Huế: Kiểm tra, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện A Lưới
Nghệ An: Nỗ lực chăm sóc toàn diện cho trẻ em
Trợ giúp pháp lý góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật
Yên Bái phấn đấu về đích sớm Đề án hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Quảng Ninh: Chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt