An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Phát triển nghề công tác xã hội góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu
04:31 PM 08/10/2019
(LĐXH)- Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động đến mọi mặt của cuộc sống, đến mọi phương diện của nền kinh tế và hoạt động xã hội, trong đó chịu tác động cuối cùng và nhiều nhất là người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương. Công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu đóng một vai trò quan trọng trong việc phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức nhằm hỗ trợ người dân khi thảm họa xảy ra, đồng thời cũng tham gia khắc phục thảm họa bằng cách tạo điều kiện khôi phục sinh kế, cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội và xây dựng năng lực cộng đồng hướng tới phát triển cộng đồng bền vững.
Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, trong 6 tháng đầu năm  2019,  trên cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai bao gồm: 1 cơn bão; 105 trận dông lốc, sét; 4 đợt mưa lũ, lũ quét; 4 đợt rét đậm, rét hại; 6 đợt nắng nóng; 27 vụ sạt lở tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sạt lở Cửa Đại, Hội An và 4 trận động đất...
Thiên tai trong 6 tháng qua đã khiến ít nhất 23 người bị chết và mất tích. Trong đó, có 2 người mất tích do bão số 1; 13 người chết do sét, lốc xoáy, mưa đá; 8 người chết do lũ, lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, hơn 18.200 nhà bị sập đổ, hư hỏng; 27.370ha lúa và hoa màu bị đổ dập; 5.077ha cây công nghiệp, cây hàng năm và cây ăn quả bị thiệt hại, gãy đổ; 12.700 con gia súc, gia cầm bị chết. Trên 22.300m3 đất đá, bê tông; 1.427m đê, kè; hơn 1.100m bờ sông, bờ suối bị sạt lở. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 337 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Thị Hà chủ trì Hội thảo CTXH thích ứng với biến đổi khí hậu
Nỗ lực giúp người dân ứng phó với biến đổi khí hậu, ổn định đời sống sau thiên tai
Thời gian qua, trong bối cảnh thiên tai diến biến phức tạp, Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương và bản thân người dân đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do lũ lụt, hạn hán, bão lũ, giông lốc, lũ quét gây ra. Các địa phương đã bố trí lực lượng tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi hỗ trợ, động viên các gia đình có người bị chết, mất tích, người bị thương và mất nhà, tài sản. Đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo ổn định đời sống cho các hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai. Chỉ đạo điều phối các khoản hỗ trợ, cứu trợ cửa các tố chức, các nhà hảo tâm đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch cho các đối tượng bị thiệt hại do thiên tai gây ra Tiếp tục khắc phục khẩn cấp các công trình giao thông đảm bảo thông suốt, các công trình thủy lợi đảm bảo cho sản xuất, các công trình điện, nước sạch đảm bảo đời sống nhân dân…
Có thể đơn cử trận thiên tai gần đây nhất mà nhiều báo, đài mới đây đã đưa tin là trận mưa lớn trong ngày 3/8/2019  sau cơn bão số 3 đã khiến nhiều địa phương thiệt hại nặng nề về tài sản. Trong đó, Thanh Hóa là tỉnh chịu nhiều thiệt hại nhất về người và của cải. 
Trước tình hình trên, Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo quân khu 4, các lực lượng đóng quân trên địa bàn điều động 807 cán bộ, chiến sĩ cùng 27 phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt tại Thanh Hóa. 
Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo khắc phục sự cố trên các tuyến quốc lộ, hỗ trợ địa phương khắc phục các điểm bị sạt lở, ách tắc trên các trục giao thông chính. 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cử đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu vào trực tiếp tại huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại tại địa phương. 
Các lực lượng vũ trang phối hợp cùng huyện Quan Sơn xuống các xã nắm tình hình, chỉ đạo công tác di dân trong vùng có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét. Nắm thông tin cụ thể từng người đang còn mất tích để có thông tin chính xác.
Các lực lượng quân đội, biên phòng và huyện Quan Hóa tổ chức lực lượng tìm kiếm hai bên bờ sông Luồng qua địa bàn.
Công an tỉnh bố trí tối đa phương tiện hỗ trợ lực lượng cán bộ, kỹ sư, công nhân đơn vị viễn thông qua sông khắc phục thông tin liên lạc.
Huyện Quan Sơn tổng hợp nhu cầu lương thực, thực phẩm bảo đảm cho các lực lượng tiếp cận các bản bị cô lập. Trước mắt chuyển lương thực cho các hộ bản Sa Ná, xã Na Mèo bị lũ cuốn trôi. Sở Giao thông vận tải bố trí phương tiện khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 217 để bảo đảm giao thông thông suốt.
Sự cần thiết phát triển CTXH nhằm ứng phó hiệu quả với BĐKH
Có thể thấy, trước sự tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tới tất cả các vùng miền trên lãnh thổ, các lĩnh vực về tài nguyên, môi trường và kinh tế – xã hội, với đời sống của con người, và trước những nỗ lực của Chính phủ, các địa phương và cơ quan chức năng thời gian qua trong ứng phó với thiên tai thì sự tham gia, đóng góp của công tác xã hội (CTXH) nhằm ứng phó với BĐKH là rất cần thiết. 
Bởi khi có thiên tai xảy ra hay để ứng phó với thiên tai, nhân viên CTXH sẽ cung cấp các dịch vụ can thiệp hoặc hỗ trợ trực tiếp như tham vấn, quản lý CTXH với các cá nhân, CTXH với nhóm và phát triển cộng đồng chịu hậu quả của BĐKH. Nhân viên CTXH sẽ điều phối, kết nối, chuyển gửi các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng có khó khăn do hậu quả của BĐKH và có nhu cầu hỗ trợ đến các dịch vụ, nguồn lực phù hợp. Đồng thời làm việc với các tổ chức xã hội và hệ thống xã hội, tạo thay đổi hỗ trợ cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng có khó khăn do chịu tác động từ BĐKH; Tham gia thực hiện quản lý các dịch vụ hỗ trợ các cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc giải quyết hậu quả của BĐKH;  Tham gia vào xây dựng và vận động chính sách hỗ trợ các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng có khó khăn do BĐKH; Tham gia các nghiên cứu chính sách và phát triển mô hình dịch vụ phù hợp đối với các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng tại nơi chịu ảnh hưởng của BĐKH.
Theo PGS.TS. Bùi Thế Đồi - Trường Đại học Lâm nghiệp, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ BĐKH còn có nhóm đối tượng trợ giúp xã hội. Họ có thể là những hộ gia đình nghèo, hoặc khó khăn về điều kiện kinh tế, hoặc là những người bị tàn tật, yếu sức khỏe, người già, người bị bệnh tâm thần, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Bản thân những đối tượng trợ giúp xã hội thường có năng lực phòng ngừa thấp hơn những người khác do điều kiện kinh tế và do năng lực cá nhân, khả năng khắc phục các hậu quả của đối tượng này cũng hạn chế. BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan tác động đến những đối tượng này nhằm vào tính mạng, sức khỏe và tài sản. CTXH phải tiếp tục được quan tâm, triển khai để hỗ trợ cho nhóm đối tượng trợ giúp xã hội. Theo đó, CTXH mới phát huy hết vai trò khoa học chuyên nghiệp là giúp nâng cao năng lực, thúc đẩy người dân phát triển tối đa tiềm năng, làm phong phú đời sống của họ, và ngăn ngừa, giảm nhẹ các thiệt hại khi người dân chịu hậu quả của BĐKH.
Còn theo TS. Phạm Thị Huế - Trường Đại học Lâm nghiệp các hoạt động cụ thể của CTXH với BĐKH như: trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường; kiến thức về biện pháp phòng tránh và ứng phó với BĐKH; hỗ trợ người dân khu vực thiên tai; hỗ trợ phát triển sinh kế, giảm nghèo bền vững; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng xã hội cho con người; phát triển cộng đồng… CTXH chuyên nghiệp tập trung vào quá trình giải quyết các vấn đề và sự thay đổi, và sự thay đổi không ngừng của khí hậu cũng nằm trong phạm vi này.
TS. Tô Đức – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho rằng, CTXH có vai trò kết nối đối tượng (cụ thể là những người chịu ảnh hưởng từ BĐKH) với hệ thống các nguồn lực, dịch vụ và cơ hội trong xã hội như dịch vụ việc làm, dịch vụ chăm sóc y tế, hệ thống đầu tư cơ sở hạ tầng, nước sạch, các dự án, tổ chức phi chính phủ… Do đó, nhân viên CTXH là những tác nhân đổi mới trong xã hội, trong đời sống của các cá nhân, gia đình, cộng đồng mà họ phục vụ.
Ngoài ra, CTXH với tư cách là một chuyên ngành khoa học ứng dụng có vai trò đóng góp to lớn trong việc xây dựng và phát triển các chính sách xã hội nói chung và các chính sách liên quan đến BĐKH và ứng phó với BĐKH nói riêng./.

Mỹ Hạnh
 
 
 
TAG: biến đổi khí hậu công tác xã hội bao
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công