An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Phát triển hệ thống an sinh xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2030
02:34 PM 11/04/2019
(LĐXH) Ngày 10/4, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo quốc gia định hướng chiến lược phát triển và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2030.
Tham dự hội thảo, có ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; Ông Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Ông Achim Fock, Giám đốc điều phối danh mục và Hoạt động dự án của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cùng đại diện một số đơn vị, tổ chức quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp phát biểu khai mạc
Trong hơn 30 năm thực hiện “Đổi mới” để phát triển đất nước, công tác an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm nhằm góp phần phát triển con người, thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, được Liên Hợp Quốc công nhận là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ, nổi bật là về giảm nghèo, tạo việc làm, giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn và bình đẳng giới. Tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội đạt trên 28%. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương và đáp ứng một số dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh, nhà ở cho người dân.

Ông Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu
Đến nay, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống an sinh xã hội tương đối toàn diện và đa dạng, ngày càng mở rộng về diện và đối tượng, hiệu quả được nâng cao, với 4 trụ cột: (1) Nhóm chính sách việc làm đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo như: hỗ trợ người dân chủ động phòng ngừa các rủi ro thông qua tham gia thị trường lao động để có được việc làm tốt, thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững; (2) Nhóm chính sách bảo hiểm xã hội: hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro khi bị ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già... thông qua tham gia BHXH để chủ động bù đắp phần thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro trên; (3) Nhóm chính sách trợ giúp xã hội, gồm chính sách trợ cấp thường xuyên và trợ cấp đột xuất; (4) Nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông. Đối với nước ta, một cấu phần quan trọng trong chính sách an sinh xã hội là nhóm chính sách đối với người có công với cách mạng.

Viện trưởng Viện KHLĐXH Đào Quang Vinh trình bày
thành tựu 10 năm qua và những bài học kinh nghiệm trong đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 được thực hiện hiệu quả với nguồn lực lên tới trên 47.339 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020, đã bố trí 41.449 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và 4.712 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm giai đoạn 2010-2015. Theo chuẩn nghèo đa chiều, từ năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,3%/năm. Quỹ quốc gia giải quyết việc làm được bổ sung ngân sách hàng năm khoảng 50 tỷ đồng và thực hiện cho vay bình quân từ 2.000- 2.500 tỷ đồng/năm, tỷ lệ sử dụng vốn đạt trên 98%. Ngoài ra, 51 tỉnh, thành phố đã thành lập Quỹ việc làm địa phương. Chính phủ đã ban hành trên 20 chính sách tín dụng ưu đãi, sử dụng cơ chế vay tín dụng thông qua các chương trình, tổ chức, đoàn thể để hỗ trợ người nghèo, người dân tộc thiểu số, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn... Giai đoạn 2012-2018 đã có trên 14.934 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn tín dụng.

Ông Achim Fock, Giám đốc điều phối danh mục và Hoạt động dự án của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu
Ngày 5/8/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020. Tháng 10/2015, Ủy ban quốc gia về người khuyết tật được thành lập. Cả nước có hơn 7 triệu người khuyết tật, với hơn 1.130 cơ sở đào tạo nghề có tổ chức dạy nghề cho NKT, trong đó có 744 cơ sở công lập, 386 cơ sở tư thục. Trong giai đoạn 2010-2018, có khoảng 180.000 NKT được hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề và cho vay vốn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, mục tiêu an sinh xã hội toàn dân vẫn còn nhiều thách thức, một số mặt yếu kém kéo dài, chậm được khắc phục như: Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhưng tỷ lệ lao động có việc làm không bền vững còn cao; giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp; mức trợ cấp tiền mặt hằng tháng cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn khiêm tốn; chất lượng một số dịch vụ xã hội thiết yếu chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Không những thế, hệ thống an sinh xã hội và các chính sách an sinh xã hội Việt Nam đang đứng trước những thách thức mới to lớn như: Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa dân số, hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới đã đặt ra những vấn đề mới về tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn nghề nghiệp…

Các đại biểu tham dự hội thảo

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia giới thiệu những nội dung chính như: Thành tựu 10 năm qua và những bài học kinh nghiệm trong đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam; Xu thế toàn cầu về an sinh xã hội và tầm nhìn cho Việt Nam; Hệ thống đa tầng tích hợp hướng đến mục tiêu bao phủ an sinh xã hội toàn dân ở Việt Nam; Cơ hội và thách thức về an sinh xã hội trong kỷ nguyên số và hội nhập; Đổi mới sáng tạo và nâng cao nhận thức về an sinh xã hội cho trẻ em; Xóa nghèo ở mọi chiều cạnh và mọi nơi: Vai trò của tăng trưởng bao trùm... Cùng với đó, các đại biểu đã dành thời gian trao đổi, thảo luận những cách tiếp cận mới, gợi ý đột phá, giải pháp mới cho hệ thống an sinh xã hội giai đoạn tới. Đây sẽ là những ý kiến giá trị, phục vụ quá trình xây dựng các văn kiện, pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội trong thời gian tới./.
 
Hồng Phượng 
TAG: an Sinh Xã Hội phát triển bao
Tin khác
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024
Thừa Thiên Huế: Kiểm tra, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện A Lưới
Nghệ An: Nỗ lực chăm sóc toàn diện cho trẻ em
Trợ giúp pháp lý góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật
Yên Bái phấn đấu về đích sớm Đề án hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Quảng Ninh: Chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Bắc Kạn: Tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Nghệ An trách nhiệm nghĩa tình với người có công