An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2018
05:52 PM 06/05/2018
(LĐXH) – Sáng ngày 06/05/2018, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo Tháng hành động Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương đã long trọng tổ chức Lễ Phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguyên hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng các đại biểu chụp hình lưu niệm với các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong ATVSLĐ 

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Trưởng Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương; Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH; Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; Hà Tất Thắng – Cục trưởng  Cục An toàn lao động; ông Chang Hee Lee - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, các Sở, ban ngành và trên 600 đại biểu đại diện cho các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp…

Báo cáo tại buổi lễ phát động, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: Sau 18 năm tổ chức Tuần lễ quốc gia AT-VSLĐ-PCCN, năm 2017 là năm đầu tiên tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ với hàng chục địa phương và hàng trăm nghìn doanh nghiệp, cơ sở với với hàng triệu lao động tham gia hưởng ứng tích cực, sôi nổi trên khắp cả nước. Đồng thời với triển khai hệ thống chính sách, pháp luật mới về ATVSLĐ đã làm chuyển biến quan trọng nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm hơn trong việc chăm lo sức khỏe người lao động. Các doanh nghiệp, ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) đã tăng cường đầu tư máy, thiết bị, đổi mới công nghệ mới để cải thiện điều kiện lao động. Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; thực hiện tốt các chế độ chính sách; chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ. Nhiều hoạt động thiết thực được triển khai trước, trong và sau Tháng hành động đã tạo thành phong trào thực hiện trong cả nước như: Tuyên truyền, huấn luyện, hội thi ATVSLĐ, tự kiểm tra công tác ATVSLĐ, chủ động cải thiện điều kiện lao động, thu hút được sự tham gia của đông đảo người lao động. Số lượng các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý về ATVSLĐ cũng ngày một tăng thêm theo các năm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại lễ Phát động Tháng hành động Quốc gia về ATVSLĐ năm 2018

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên đoàn lao động và công đoàn các cấp có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả trong công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ. Hàng triệu tài liệu, tờ rơi, áp phích, tranh tuyên truyền về ATVSLĐ đã được các doanh nghiệp, công đoàn phát hành; hàng nghìn cuộc thi An toàn, vệ sinh viên giỏi và nhiều hoạt động thiết thực khác được tổ chức đã tạo nên phong trào thi đua Xanh – Sạch – Đẹp, góc bảo hộ lao động mẫu, bảo đảm ATVSLĐ trong cơ sở doanh nghiệp.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia Tháng hành động về ATVSLĐ, ngoài sự hưởng ứng tham gia tích cực của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp người lao động thì các cơ quan truyền thông, báo chí trong cả nước đã viết nhiều bài, phóng sự đưa tin biểu dương kịp thời những mô hình hay, cách làm tốt, tấm gương cá nhân tiêu biểu, đồng thời phê phán những đơn vị, cá nhân có nhiều vi phạm về ATVSLĐ tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội.

Các đại biểu tham dự tại lễ Phát động Tháng hành động ATVSLĐ năm 2018

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng báo cáo tại buổi lễ

Các hoạt động kiểm định, huấn luyện ATVSLĐ, quan trắc môi trường lao động và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp được xã hội hóa với hàng trăm đơn vị, tổ chức tham gia phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp. Năm 2017 có khoảng gần 3 triệu thiết bị được kiểm định, gần 4 triệu người được huấn luyện ATVSLĐ; gần 5.500 cơ sở được quan trắc môi trường lao động với trên 900.000 mẫu; trên 2 triệu người được khám sức khỏe định kỳ; tăng gần 43% so với năm 2016. Số người lao động đạt sức khỏe loại I và loại II chiếm gần 70%. Từ sự chuyển biến về ý thức, nhận thức đến những hành động cụ thể, thiết thực nêu trên, tần suất TNNN-BNN trong giai đoạn 2011-2016 đã giảm gần 5% so với giai đoạn 2006-2010 và tiếp tục giảm trong năm 2017.

Hiện nay, nhiều chính sách mới đã và đang được triển khai thực hiện theo quy định của Luật ATVSLĐ như: Chính sách hỗ trợ hoạt động phòng ngừa từ 10% số thu hàng năm trong quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN; hỗ trợ huấn luyện cho người lao động ở khu vực không có hợp đồng lao động; Chính phủ ban hành nghị định số 44/2017 giảm mức đóng hàng tháng vào Qũy Bảo hiểm TNLĐ-BNN từ 1% xuống còn 0,5%, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp và NSNN mỗi năm hơn 3.000 tỷ đồng và nhiều chính sách khác…

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, các Bộ, ngành đã rà soát, cắt giảm hơn 1.000 điều kiện kinh doanh và giảm hàng tram thủ tục hành chính, đồng thời tích cực áp dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử và ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ tốt hơn cho DN và nhân dân. Riêng Bộ LĐ-TB&XH  đã trình Chính phủ phương án cắt giảm và đơn giản hóa trên 64% các điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ; cắt giảm 50% danh mục sản phẩm hàng hóa đặc thù về ATVSLĐ phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu chuyển sang hậu kiểm.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác ATVSLĐ vẫn còn một số tồn tại hạn chế, năm 2017 trên toàn quốc vẫn còn xảy ra nhiều tai nạn lao động với gần 9000 vụ TNLĐ làm 928 người chết, 1.915 người bị thương nặng. So với năm 2016, số vụ TNLĐ ở khu vực có hợp đồng lao động tăng 2%, số người bị  TNLĐ tăng hơn 1% nhưng số vụ TNLĐ chết người, số người chết do TNLĐ giảm hơn 6%.

Năm 2017, cả nước cũng phát hiện hơn 3.802 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp, tăng 500 trường hợp so với năm 2016. Số cơ sở quan trắc môi trường lao động còn ít, tỷ lệ mẫu Quan trắc môi trường lao động vượt tiêu chuẩn cho phép là 6,4%, số người lao động khám sức khỏe định kì còn ít.

Các số liệu trên cho thấy, tuy chúng ta đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc kiềm chế TNLĐ-BNN nhưng kết quả chưa được như mong đợi. Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn do chủ quan của con người vẫn chiếm tới 60% như: Không có, hoặc thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn; không hoặc huấn luyện thiếu về ATVSLĐ; không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân; vi phạm quy trình, quy chuẩn ATVSLĐ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng Cờ cho các đơn vị xuất sắc trong côn tác ATVSLĐ

Phát biểu chỉ đạo tại lễ Phát động Tháng hành động ATVSLĐ năm 2018, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Trong những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quan trọng được ban hành, nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động với nhiều nội dung, chính sách mới nhằm chăm lo phát triển đời sống cho người lao động, nhất là mở rộng đối tượng áp dụng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; chính sách hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; xác định, đánh giá, quản lý rủi ro, cải thiện điều kiện lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.

Năm 2017, với những nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả trong công tác an toàn, vệ sinh lao động. Tần suất tai nạn lao động đã giảm trong một số lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ, rủi ro cao; đã có những điển hình, mô hình tốt về an toàn, vệ sinh lao động; nhiều doanh nghiệp với hàng vạn lao động làm việc trong lĩnh vực có nguy cơ cao nhưng đã có nhiều giải pháp phòng ngừa, không để xảy tai nạn lao động nặng hoặc chết người; lĩnh vực khai thác khoáng sản đã giảm hẳn được số người chết so với các năm trước nhờ thực hiện các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động.

Thay mặt Ban chỉ đạo Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động Trung ương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã biểu dương các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, người lao động đã có nhiều nỗ lực, đóng góp tích cực trong việc chăm lo và đảm bảo an toàn, tính mạng, sức khỏe cho người lao động, tài sản của nhà nước và nhân dân trong thời gian qua.

"Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta thẳng thắn nhận thấy công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động còn nhiều hạn chế, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số vụ sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao, chỉ tính riêng năm 2017, trên toàn quốc đã xảy ra gần 9000 vụ tai nạn lao động, làm hơn 9000 người bị thương, trong đó hơn 900 người chết, nhất là những tháng đầu năm 2018 số vụ tai nạn lao động, hỏa hoạn, cháy nổ tăng cao, một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người vẫn đã xảy ra. Những thách thức và nguy cơ mới trong công tác an toàn, vệ sinh lao động gia tăng; số doanh nghiệp và lao động tham gia thị trường lao động ngày càng nhiều, các ngành nghề mới, yếu tố nguy hiểm có hại do công nghệ, thiết bị, vật liệu, hóa chất mới ngày càng tăng trong khi đó nhiều người lao động chưa được đào tạo nghề,  chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp còn hạn chế" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Với mục tiêu cao nhất là chăm lo và bảo vệ sinh mạng và sức khoẻ người lao động, an sinh của người dân, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội, thay mặt Ban chỉ đạo Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động Trung ương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã tuyên bố: Phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2018 với chủ đề Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.

Để Tháng hành động được triển khai hiệu quả, thiết thực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất: Tiếp tục triển khai đồng bộ, thường xuyên có hiệu quả các chỉ đạo theo tinh thần Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư, Luật An toàn, vệ sinh lao động và văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; nâng cao chất lượng công tác huấn luyện kỹ năng phân tích, đánh giá, nhận diện và đề ra giải pháp ngăn ngừa các nguy cơ, rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Công tác tuyên truyền phải triển kkhai đồng bộ, sâu rộng, mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực, nhất là chủ sử dụng lao động và người lao động từ ý thức, nhận thức thành các hành động cụ thể, thiết thực của từng doanh nghiệp và người lao động.

Thứ hai: Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch hành động cụ thể hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện. Phải có kế hoạch và nội dung cụ thể nhằm thu hút sự tham gia của từng doanh nghiệp và người lao động; tăng cường phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động;  chú trọng mở rộng triển khai các hoạt động về an toàn, vệ sinh lao động tới các cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn, cả trong khu vực có và không có quan hệ lao động, khu vực phi kết cấu, trong nông nghiệp và các làng nghề tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Thứ ba: Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác chỉ đạo, trách nhiệm quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các vi phạm; rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân. Tổng kết và có hướng dẫn nhân rộng các mô hình đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và quy mô doanh nghiệp; sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Thứ tư: Đối với các doanh nghiệp, cơ sở, nhà máy cần tăng cường đầu tư, đổi mới sử dụng công nghệ, máy thiết bị tiên tiến, rà soát, bổ sung các nội qui, quy trình, biện pháp làm việc an toàn, phòng chống cháy nổ; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc để chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp. Đối với người lao động, trước hết vì sức khỏe, tính mạng và lợi ích của chính mình cần tuân thủ đúng các nội qui, quy trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, các kỹ  năng làm việc an toàn; kịp thời phản ánh với cơ quan chức trách hoặc kiên quyết từ chối hoặc rời bỏ công việc, nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất an toàn, vệ sinh lao động để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình.

Bộ trưởng khẳng định, lễ phát động Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động diễn ra trong tháng công nhân 2018, là dịp để chúng ta đánh giá lại kết quả thời gian qua, triển khai các chủ trương giải pháp lớn của Đảng, nhà nước về lĩnh vực này. Đảm bảo tháng hành động của chúng ta diễn ra vào thời điểm Hội nghị trung ương VII sẽ bàn và đưa ra những quyết sách lớn liên quan đến người lao động, nhất là trong lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội. Đảng, nhà nước luôn đặt lợi ích, sức khỏe, tính mạng người lao động lên trên hết. Chúng ta không phát triển kinh tế bằng mọi giá. Phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo điều kiện lao động, sức khỏe, tính mạng người lao động. chúng ta hãy chung tay hành động vì an toàn vệ sinh lao động cho tôi, cho bạn và cho tất cả chúng ta.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tich UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đã báo cáo một số kết quả và tình hình về công tác ATVSLĐ trên địa bàn thành phố, đồng thời đưa ra các giải pháp về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Tiến sỹ Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam chia sẽ tại  lễ phát động

Chia sẻ tại lễ phát động Tháng hành động ATVSLĐ năm 2018, Tiến sỹ Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho biết: Theo ước tính mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế, trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 7.600 người chết do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp và khoảng 1 triệu người bị thương khi làm việc. Như Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề cập, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra ở Việt Nam năm qua làm 928 người thiệt mạng.

Những con số về chấn thương, bệnh tật và tử vong là bằng chứng về tổn thất vô cùng to lớn về con người, và thiệt hại về kinh tế do không thực hiện chính sách và biện pháp phòng ngừa thích đáng ở cấp quốc tế, quốc gia và cấp doanh nghiệp. Thực tế này nhắc nhở chúng ta rằng, phòng ngừa tai nạn lao động, bao gồm phòng chống cháy nổ là việc làm vô cùng quan trọng, không chỉ đối với người lao động, mà còn với tất cả người dân nhằm bảo vệ cuộc sống, sức khỏe và hạnh phúc của họ.

Với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”, Tháng hành động năm nay khẳng định lại tầm quan trọng của công tác phòng ngừa như đã nêu rõ trong các chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như Luật ATVSLĐ. Phòng ngừa luôn tốt hơn chữa trị. Để thúc đẩy xây dựng văn hóa phòng ngừa về ATVSLĐ và hạn chế rủi ro tại nơi làm việc, chúng ta nên chú trọng tới cải thiện thu thập và phân tích thông tin, dữ liệu về ATVSLĐ; tăng cường khung pháp lý; đẩy mạnh giáo dục và đào tạo về ATVSLĐ, đặc biệt lồng ghép ATVSLĐ vào trong các trường học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, và xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ ở cấp quốc gia và doanh nghiệp.

ILO đánh giá cao những tiến bộ mà Chính phủ Việt Nam đạt được với việc thông qua và triển khai Luật ATVSLĐ, lần đầu tiên mở rộng phạm vi bảo vệ tới khu vực phi chính thức. Việt Nam cũng là nước thành viên duy nhất tại khu vực Đông Nam Á phê chuẩn cả hai Công ước 155 và 187 của ILO. Hai Công ước đưa ra những nguyên tắc cơ bản hướng dẫn chính sách ATVSLĐ ở cấp quốc gia và cấp cơ sở, đồng thời, kêu gọi xây dựng văn hóa phòng ngừa.  

Văn hóa phòng ngừa là văn hóa ở đó, quyền được làm việc trong môi trường an toàn và đảm bảo sức khỏe được tôn trọng ở tất cả các cấp; ở nơi Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động tham gia tích cực đảm bảo môi trường làm việc an toàn và sức khỏe cho người lao động. Khi xây dựng văn hóa phòng ngừa bền vững về ATVSLĐ, chúng ta nên lưu ý đặc biệt tới những ngành kinh tế có nguy cơ cao và đối tượng lao động dễ gặp rủi ro tại nơi làm việc như lao động trẻ.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu phát biểu tại buổi lễ

Trên thế giới, có khoảng 541 triệu lao động trẻ ở độ tuổi 15-24, chiếm 15% tổng lực lượng lao động toàn cầu. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1 triệu lao động trẻ bước chân vào thị trường lao động. Phần lớn họ đều thiếu kinh nghiệm, kĩ năng làm việc, và huấn luyện, đặc biệt là kĩ năng nhận diện và kiểm soát mối nguy hiểm và rủi ro tại nơi làm việc. Số liệu gần đây ở Châu Âu cho hay lao động trẻ có tỉ lệ tai nạn lao động phi tử vong cao hơn 40% so với các nhóm lao động khác. Như vậy, chúng ta cần thúc đẩy ATVSLĐ cho người lao động ở tất cả các độ tuổi khác nhau, nhưng cần lưu ý đặc biệt tới nhóm lao động trẻ.

Mục tiêu cải thiện ATVSLĐ cho mọi người lao động, trong đó có lao động trẻ, chỉ có thể đạt được nhờ nỗ lực đồng bộ của tất cả các bên, bắt đầu từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức đại diện của họ cũng như tổ chức xã hội dân sự khác. Đặc biệt, các doanh nghiệp có trách nhiệm và vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo nơi làm việc an toàn và sức khỏe cho người lao động.

Lễ phát động hôm nay là cơ hội quý báu để tiếp tục phát huy thành tựu Việt Nam đạt được trong những năm qua, nhằm cải thiện an toàn và sức khỏe cho MỌI người lao động. ILO cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để hiện thực hóa những mục tiêu này.

Trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ - TBXH cho các đơn vị xuất sắc

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng trao tặng Cờ cho UBND TPHCM, đơn vị đăng cai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018 và trao Cờ luân lưu cho tỉnh Quảng Nam, đơn vị đăng cai năm 2019.

Tại lễ phát động, Ban chỉ đạo Tháng hành động Quốc gia về ATVSLĐ đã trao tặng Cơ và bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ – TBXH cho 8 đơn vị xuất sắc trong công tác ATVSLĐ ( trong đó, có 3 đơn vị được tặng Cờ và 5 đơn vị tặng Bằng khen), Tổng Liên Lao động Việt Nam cũng trao tặng Cờ  xuất sắc cho 3 đơn vị. Ban tổ chức cũng tặng Cờ luân lưu cho UBND TPHCM, đơn vị đăng cai tổ chức Tháng hành động Quốc gia về ATVSLĐ năm 2018 và trao Cờ luân lưu cho tỉnh Quảng Nam, đơn vị đăng cai tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019.

Hoàng Cảnh – Lê Việt

 

TAG: tháng hành động an toàn vệ sinh lao động tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp
Tin khác
Đắk Lắk: Nhiều hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024
Quảng Ninh: Quan tâm tạo việc làm cho người lao động
Lạng Sơn: 3.500 lao động được giải quyết việc làm trong quý I/2024
Hà Nội tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trước kỳ nghỉ lễ 30/4
Điện Biên chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong các doanh nghiệp
Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động
Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm
Lào Cai: Gần 5.000 lao động được giải quyết việc làm trong 3 tháng đầu năm