Du lịch
Trang chủ / Văn hóa - Thể thao / Du lịch
Ninh Thuận nỗ lực xây dựng hình ảnh du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn
02:53 PM 30/03/2018
(LĐXH) - Ngày 30/3/2018, tại Hà Nội, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Ninh Thuận 2018 nhằm giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh, danh lam thắng cảnh và những sản vật nổi tiếng nơi đây tới đông đảo du khách trong và ngoài nước, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ninh Thuận là tỉnh Duyên Hải Nam Trung bộ, có diện tích tự nhiên trên 3.343 km2, gồm 6 huyện và 01 thành phố Phan Rang-TC, dân số toàn tỉnh trên 600 ngàn người. Nằm trên giao điểm của các trục giao thông quốc gia, cách thành phố Hồ Chí Minh 350Km, cách sân bay quốc tế Cam Ranh 50Km và thành phố Phan Thiết 150km, thành phố Đà Lạt 110 km. Với lợi thế nằm vị trí tâm điểm tam giác cụm du lịch quốc gia Nha Trang – Đà Lạt - Phan Thiết.
Biển Mỹ Hiệp - Ninh Thuận.
Là vùng đất nổi tiếng về các di tích của dân tộc Chăm và Raglay... cùng nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa; với khí hậu đặc thù ít mưa, nhiều nắng là một lợi thế tự nhiên để có được những loại cây trồng vật nuôi có năng suất cao và trở thành đặc sản của địa phương như: Nho, táo, tỏi, dê, cừu, Măng Tây, Nha Đam..;gắn liền với những danh lam thắng cảnh, hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao như vườn QG Phước Bình và Núi Chúa; dọc theo chiều dài 105 Km bờ biển có nhiều bãi tắm đẹp, đã nổi tiếng từ lâu như bãi tắm Ninh Chữ - Bình Sơn, Cà Ná, Vĩnh Hy, Bình Tiên, bãi Thùng, bãi Hỏm, mũi Dinh và Nam Cương...kết nối cùng 50 di tích văn hóa lịch sử vật thể và phi vật thể, trong đó có 14 di tích cấp quốc gia (bao gồm 2 di tích đặc biệt cấp quốc gia), góp phần tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù riêng có của Ninh Thuận.
Cùng với những điểm nhấn của tỉnh như “thủ phủ” Nho của cả nước hay văn hóa đặc sắc lễ hội Ka Tê của đồng bào Chăm luôn được chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân vun tay xây đắp tạo nên nên những hình ảnh, thương hiệu đặc trưng để quảng bá, có sức lan tỏa cao làm nền tảng cho du lịch phát triển.
Vườn nho trĩu quả ở Ninh Thuận.
Trong những năm trở lại đây du lịch Ninh Thuận đã phát triển hết sức ngoạn mục, từng bước tận dụng được tiềm năng thế mạnh của mình. Sự thay đổi dễ dàng nhận thấy ở 02 phương diện: thu hút khách và thu hút đầu tư bên cạnh sự quảng bá xúc tiến được thực hiện có hiệu quả hàng năm.
Với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và dân cư có vai trò quyết định; các sở, ngành và địa phương cùng chung tay tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã cải thiện tối đa môi trường du lịch, xây dựng hình ảnh du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn; công tác quảng bá, xúc tiến có nhiều nét mới, khoa học và sức lan tỏa cao, thực sự đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực cho ngành du lịch Ninh Thuận. Kết quả trong 5 năm gần đây lượt khách tăng trưởng bình quân 16% năm, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch tăng trưởng bình quân 15% năm. Riêng trong năm 2017 lượt khách đạt 1.900.000 lượt, trong đó, khách quốc tế đạt 61.000 lượt người (tăng 10,91% so năm trước); khách nội địa đạt 1.839.000 lượt người (tăng 11,79% so năm trước), thu nhập xã hội từ du lịch đạt 883 tỷ đồng, tăng 17,73% so năm 2016. Điều đó cho thấy cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng dịch vụ luôn được cải thiện một cách đáng kể qua kết quả thăm dò đánh giá từ du khách.
Đồng bào dân tộc Chăm dệt thổ cẩm. 
Nhìn tổng thể quá trình phát triển và khẳng định thương hiệu du lịch của tỉnh, có thể thấy sự tích cực trong quản lý chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cộng động người làm du lịch trong cách nghĩ, cách làm và hành động, đã thúc đẩy phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phát triển không ngừng. Hiện nay, về cơ sở lưu trú Ninh Thuận có 124 cơ sở lưu trú tương ứng 2.800 phòng, chất lượng phòng đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên chiếm tỷ lệ trên 40%; về thu hút dự án đầu tư du lịch đã thu hút 48 dự án đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh, tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng; trong đó phải kể đến là dự án KDL Amanơi của hệ thống Tập đoàn du lịch nghỉ dưỡng Aman quốc tế, dự án khu du lịch Mũi Dinh Ecopack của Công ty cổ phần Mũi Dinh Ecopack và KDL nghỉ dưỡng Mũi Sừng Trâu của Tập đoàn Tôn Hoa Sen là 03 tập đoàn lớn với tham vọng đầu tư phát triển mạnh vào du lịch, việc họ chọn Ninh Thuận làm mục tiêu đầu tư vừa thể hiện tầm nhìn, cũng là khẳng định tiềm năng thế mạnh du lịch của Ninh Thuận.
Không chỉ vậy, ngành du lịch Ninh Thuận tiếp tục thu hút đầu tư vào các dự án lớn như khu du lịch mạo hiểm Mũi Dinh đồi cát Sơn Hải-Mũi Dinh, các khu trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, khu ẩm thực công viên trung tâm Quảng trường – Tượng đài TP Phan rang – Tháp chàm, bến du thuyền nhà hàng nổi Ninh Chữ - Vĩnh Hy, khu thể thao lướt ván diều Mỹ Hòa...
Ngoài ra các sản phẩm đặc thù như Nho, Táo, Tỏi, Dê, Cừu, Măng Tây, Nha Đam từ kết quả ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp cũng được đầu tư mạnh để thu hút phát triển du lịch, việc này đã tác động không nhỏ đến quyết tâm đầu tư vào tỉnh của các nhà đầu tư tiềm năng khác.
Điểm ấn tượng tích cực mà du khách dến Ninh Thuận sau một thời gian ngắn khi quay trở lại là tốc độ phát triển hạ tầng của Ninh Thuận đã được cải thiện vượt bậc, lượng cơ sở lưu trú tăng mạnh và chất lượng phục vụ ngày càng chuyên nghiệp hơn cùng với thái độ văn hóa văn minh trong ứng xử ngày một thân thiện, mến khách và hấp dẫn; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường;đảm bảo an toàn, an ninh trật tự luôn được quan tâm một cách triệt để...đáp ứng được nhu cầu cao của du khách, nhu cầu về tổ chức các sự kiện chính trị-kinh tế-xã hội của tỉnh ở cấp độ quốc gia và quốc tế hoặc vào những mùa cao điểm du lịch, dịp nghỉ Lễ, Tết....
Để tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững. Các chủ trương, định hướng phát triển du lịch quốc gia của Bộ Chính trị, của Chính phủ đã được tỉnh Ninh Thuận cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 134-CTr/TU ngày 21/6/2017 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính Trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã được ban hành cùng với Kế hoạch số 4913/ KH-UBND của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình hành động số 134-CTr/TU bằng những chương trình, giải pháp thực hiện hết sức thiết thực.
Nhằm thu hút đầu tư vào du lịch mạnh mẽ hơn nữa, trong năm 2018 Ninh Thuận sẽ là một trong những tỉnh đầu tiên mạnh dạn ban hành cơ chế thu hút du lịch trọng điểm đẳng cấp cao trên địa bàn tỉnh, để tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch để thúc đẩy phát triển (i)không gian du lịch vùng đông bắc (dải ven biển từ Bình Tiên - Vĩnh Hy - Ninh Chữ và Vườn quốc gia Núi Chúa, Phước Bình) đối với sản phẩm du lịch nghĩ dưỡng cao cấp; (ii) Không gian trung tâm (Khu vực thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và vùng phụ cận, dọc theo QL 27) đối với sản phẩm du lịch đô thị; du lịch biển; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái nông nghiệp; (iii) Không gian phía nam từ huyện Ninh Phước (bãi biển Tuấn Tú) đến huyện Thuận Nam (bãi biển Cà Ná) đối với các sản phẩm du lịch biển; du lịch tìm hiểu văn hóa, làng nghề; du lịch khám phá đồi cát; du lịch thể thao mạo hiểm; (vi) Không gian vùng Tây Bắc (Thuộc huyện Bác Ái và huyện Ninh Sơn) là các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch giải trí, thể thao; du lịch văn hóa, di tích lịch sử.
Có thể nói du lịch và văn hóa là hai yếu tố tương tác, phụ thuộc và bổ sung cho nhau. Do đó, việc bảo tồn di sản văn hóa, gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa đặc sắc càng trở nên cấp bách đối với tỉnh.
Vấn đề đặt ra hiện nay là chính quyền địa phương và cộng đồng làm du lịch phải khai thác một cách hợp lý giá trị các di sản văn hoá của Ninh Thuận phục vụ cho du lịch. Yếu tố ưu tiên hàng đầu của tỉnh là quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, chú trọng nhiều hơn đến công tác xúc tiến quảng bá du lịch; đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư cho công tác tôn tạo, bảo tồn di sản văn hoá đồng thời làm cho người dân hiểu được việc phát triển du lịch hợp lý chính là một trong những cách thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa một cách tốt nhất.
 Trong năm nay, Ninh Thuận sẽ tiếp tục xây dựng hồ sơ khoa học, trình UNESCO xem xét, công nhận quần thể tháp “Po Klongarai” và “Nghệ thuật làm Gốm truyền thống của người Chăm làng gốm Bàu Trúc” là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Thế giới; song hành cùng với việc xây dựng Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018 – 2023. Nhằm tạo ra một chuỗi sản phẩm di sản văn hóa đặc sắc của tỉnh kết nối các giá trị tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phục vụ cho việc khai thác và phát triển du lịch bền vững.
 Ninh Thuận đã tạo một dấu ấn lớn trên bản đồ du lịch của Việt Nam và quốc tế, đã xây dựng thành công một nền tảng vững chắc. Nền tảng ấy không phải chỉ thể hiện ở những con số hay dữ liệu, mà chính là hình ảnh ấn tượng và cảm xúc đặc biệt trong lòng du khách.
Tin rằng, Ninh Thuận sẽ giữ vững nền tảng đó để luôn là điểm nhấn du lịch không thể thiếu của miền Trung và Việt Nam. 
Thảo Lan
TAG: du lịch Ninh Thuận hình ảnh du lịch an toàn thân thiện Hấp Dẫn UBND tỉnh Ninh Thuận Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Ninh Thuận 2018 bao
Tin khác
Nhiều điểm mới trong Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024
Nhạc sĩ Trần Lệ Giang trở lại với Album “Những bông hoa màu xanh”
Sách cũng là.. người Thầy
Cụm 4 lực lượng vũ trang Quân khu 7 khai mạc giải bóng đá, bóng chuyền
Phim hoạt hình “Make in Vietnam” được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ I
Sự kiện chào hè Hula Summer tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5/2024
Nestlé MILO đồng hành cùng Giải Bóng đá Nhi đồng (U11) toàn quốc 2024
Thư viện của những thần tượng
Sự giao thoa giữa truyền thống với hiện đại trong hội họa: Yếu tố quan trọng và ý nghĩa