Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Ninh Thuận chăm lo tốt cho các mẹ Việt Nam anh hùng
07:14 AM 03/08/2022
LĐXH - Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, khắp mọi vùng miền Việt Nam, đã có những người mẹ Việt Nam anh hùng tần tảo, thầm lặng với nỗi đau mất chồng, mất con nơi chiến trường để dệt thêu lên những trang sử hào hùng, chói lọi của mảnh đất hình chữ S. Những người mẹ chấp nhận chia ly, tiễn chồng, con lên đường để rồi ngày đêm lặng lẽ chăm sóc gia đình; làm hậu phương cho tuyến đầu. Những người mẹ không ngại hiểm nguy, âm thầm nuôi giấu cán bộ, làm liên lạc, tiếp lương, tải đạn; những người mẹ trực tiếp đối mặt với quân thù, đánh giặc, bị giặc bắt, tra tấn, tù đày và trở thành thương binh...

Toàn tỉnh Ninh Thuận quản lý 34.988 hồ sơ người có công, trong đó có 518 Mẹ đã được Nhà nước phong và truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH, nhưng đến nay chỉ còn sống 3 Mẹ. Thời gian qua, để bù đắp những đau thương, mất mát, giúp các Mẹ VNAH có cuộc sống tốt hơn, ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước, nhiều năm qua, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng các mẹ bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực. Từ phong trào “Áo lụa tặng bà” của các cháu thiếu nhi, đến việc nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH suốt đời của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, hay việc xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, trao sổ tiết kiệm cho các Mẹ VNAH, đăng ký chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời những Bà mẹ VNAH....Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ Công bố quyết định truy tặng, phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cao quý cho các Mẹ và thân nhân gia đình, giải quyết các chính sách hỗ trợ một lần và trợ cấp hàng tháng theo quy định. Những Mẹ còn sống đều được các doanh nghiệp, địa phương nhận đỡ đầu, quan tâm chăm sóc phụng dưỡng suốt đời.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam thăm mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thiểu ở xã Phương Hải (Ninh Hải)

Đến thời điểm này, Ninh Thuận sau 47 năm giải phóng, 30 năm tái lập tỉnh, nền kinh tế - xã hội được tái thiết song truyền thống lịch sử của quê hương Ninh Thuận vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Chiến tranh đã đi qua, đất nước hòa bình, thống nhất nhưng hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà cha mẹ, người chồng người vợ, những người con đã mãi mãi không gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến to lớn bao nhiêu thì nỗi đau hi sinh thầm lặng của những người mẹ nơi hậu phương cũng lớn lao bấy nhiêu. Và hơn bao giờ hết, lòng biết ơn, sự tri ân đối với các thế hệ người có công, những bà mẹ VNAH luôn là tình cảm và trách nhiệm thường trực của mỗi con người Ninh Thuận.

Ở tuổi cao sức yếu, các mẹ VNAH với canh cánh nỗi đau mất chồng, mất con dài theo tháng năm, an vui xế chiều của các mẹ chính là sự quây quần bên cháu chắt, sự đùm bọc, chăm sóc của cộng đồng làng xóm, sự quan tâm của chính quyền địa phương. Mỗi dịp tháng 7 về để nhắc nhở thế hệ con cháu về công tác chăm sóc người có công với cách mạng tiếp tục là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài; là tình cảm, lương tâm và trách nhiệm của mỗi tổ chức, mỗi người dân đất Việt. Qua đó huy động mọi nguồn lực xã hội trong phong trào đền ơn đáp nghĩa; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng truyền thống cách mạng, sự đóng góp hy sinh của những người và gia đình người có công

Đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Hự

Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Trưởng ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa khẳng định, những năm qua, với đạo lý Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Những Bà mẹ VNAH còn sống đều được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nhận phụng dưỡng đến cuối đời và thường xuyên thăm hỏi, động viên về vật chất, tinh thần. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, sự phụng dưỡng, chăm lo đó so với sự hy sinh, mất mát của các bà mẹ là rất nhỏ bé. Ông đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục chăm lo nhiều hơn nữa cho các gia đình chính sách; đồng thời, đẩy mạnh phong trào Đền ơn đáp nghĩa, nhất là đối với các bà mẹ, gia đình của Mẹ VNAH và xem đó là trách nhiệm, đạo lý, nhân văn cao đẹp.

Tới đây, tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” theo hướng từng bước xã hội hóa; xây dựng các mô hình, điển hình trong công tác xã hội hóa chăm sóc người có công, ưu tiên đào tạo nghề để tạo việc làm và tăng thu nhập cho con em gia đình chính sách, người có công. Tỉnh cũng tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đảm bảo chính sách đối với người có công được thực thi công bằng, chính xác. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ theo kế hoạch của Ban chỉ đạo 1237 của tỉnh. Ngoài ra, Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh Ninh Thuận tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng chung tay đóng góp, ủng hộ quỹ để có thêm kinh phí tiếp tục hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công còn khó khăn.

Đăng Doanh

 

TAG: Đền ơn đáp nghĩa Mẹ VNAH tỉnh Ninh Thuận bao
Tin khác
Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Chiến thắng Trảng Bom (27-4-1975) trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm' thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách
Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, người có công và xã hội
Quảng Ngãi: Nhiều kết quả tích cực về lao động, người có công và xã hội trong quý I/2024
Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2024
Thừa Thiên Huế: Kiểm tra, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện A Lưới
Nghệ An: Nỗ lực chăm sóc toàn diện cho trẻ em
Trợ giúp pháp lý góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật
Yên Bái phấn đấu về đích sớm Đề án hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Quảng Ninh: Chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt