Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Những vụ tử tự đau xót tuổi teen: Hãy dạy con về thất bại, vấp ngã, xấu hổ
10:23 AM 15/03/2018
Câu chuyện em gái học lớp 11 (Quỳnh Lưu- Nghệ An) tự tử chỉ vì ảnh hôn bạn trai của mình bị phát tán trên mạng xã hội. Một nam sinh lớp 8 (Hà Tĩnh) nhảy cầu tìm đến cái chết chưa rõ nguyên nhân. Những cái chết đầy xót xa, đau đớn. Đừng trách các em dại dột, bởi các em chưa bao giờ được dạy về việc đối mặt với nỗi xấu hổ, thất bại.
Người mẹ của cô bé chắc chắn không thể nào ngờ được, chỉ một chuyện xấu hổ nho nhỏ như vậy cũng khiến con mình nghĩ quẩn. Nhưng tuổi mới lớn các em thường mong manh là vậy, sẽ chịu những vết thương trí mạng từ những chuyện mà người lớn tưởng chừng như vô hại, có chăng cũng chỉ cần “mặt dày” một chút, để thiên hạ cười cợt vài câu, vài ngày là xong.
Đừng để các em đơn độc đối diện với đau đớn, thất bại (Ảnh minh họa IT)
Tháng trước, trong bệnh viện, một chàng trai 19 tuổi giận người yêu mà uống thuốc diệt cỏ cũng đau đớn nằm trên giường bệnh. Cậu tỉnh táo và hối hận vô cùng về hành động dại dột của mình, hơn bao giờ hết mãnh liệt muốn sống, van xin các bác sĩ cứu giúp. Nhưng thuốc trừ cỏ là là thuốc độc kinh hoàng, khiến người tự tử tỉnh táo đến lúc chết. Và các bác sĩ hoàn toàn bất lực.
Có lẽ, các em chết chỉ vì chưa ai dạy các em làm thế nào để đối mặt với đau khổ, thất bại, xấu hổ, bị mắng chửi, cười chê. Cũng chưa ai cho các em biết, chỉ uống một nửa ngụm thuốc diệt cỏ là có thể chết, không cách nào cứu được.
Nhiều em lớn lên trong thời mạng xã hội bùng nổ, trò chơi ảo phát triển, các em chỉ nghĩ rằng cái chết chỉ là một lời dọa dẫm, chết rồi lại có thể sống lại như… trò chơi. Không ai cho các em biết, có nhiều việc chỉ sai một ly là đi một dặm hoặc đi mãi không về.
Câu cửa miệng mà cha mẹ chúng ta thường nói với con là “học đi”, “đừng có hư hỗn, chời bời”, “không học là đi quét rác”, “không học chỉ có đi ăn mày”, “không được yêu sớm”, “đừng có dại mà trao thân cho thằng nào”, “không được học sinh giỏi thì chết với bố mẹ”… Trong khi cuộc sống có quá nhiều thử thách, vấp váp mà các em phải đối mặt.
Sẽ rất ít cha mẹ nào nói với con, nếu lỡ yêu sớm, lỡ bị bạn trai (bạn gái) đá thì phải làm sao? Nếu con học dốt, sau này làm nghề quét rác thì đối mặt thế nào? Nếu lỡ mà trao thân, có thai thì xử lý ra sao? Hoặc đơn giản như chuyện hôn bạn trai bị tung lên mạng xã hội, bị hàng nghìn người “ném đá” thì phải làm gì, ứng xử thế nào? Cãi nhau với bạn gái có nên dọa chết hay không?
Hay cha mẹ thấy ảnh con hôn bạn trai bị tung lên mạng cũng sẽ lao vào đánh mắng con, chửi con “hư hỏng, làm cha mẹ xấu hổ”, vùi dập con như thể con đã làm tội ác tày trời, đã bị “xăm” vết nhơ vĩnh viễn không rửa sạch. Thày cô liệu có hùa theo? Có cha mẹ nào nói với con rằng nên trân trọng những nụ hôn của thời tuổi thanh xuân tươi đẹp ấy? Rằng tình yêu của các em thật đẹp, nhưng sau này nên thể hiện ở nơi kín đáo hơn.
Các em tìm đến những cái chết là vì khủng hoảng, sợ hãi, cô độc.
Nếu chưa thành công, chưa ngoan, chưa học giỏi có thể cố gắng, nỗ lực. Nhưng nếu các em thất bại, suy sụp, tự tử thì vĩnh viễn không còn cơ hội nào. Vì thế, trước khi yêu cầu các con học giỏi, thành công, ngoan ngoãn, cha mẹ hãy dạy con về thất bại, thất tình, về đau khổ, xấu hổ, về giận dữ và thù hận. Để các con khi bị “ném đá” cũng sẽ biết cách để chia sẻ, khắc phục. Nếu các con đau khổ cũng sẽ biết nỗi đau rồi sẽ qua đi, cơ hội khác sẽ tới.
Còn nếu tức giận, thù hận, cũng có nhiều cách khác để giải quyết hơn là dùng nắm đấm, dùng dao... Cha mẹ cũng phải dạy các con về sự nghiệt ngã của lời nói, có thể gây nên những cái chết đau lòng của bạn bè. Đừng để các em hùa vào đám đông, ném đá bạn bè và có thể mãi mãi hối hận.
Và cho dù làm gì, nghĩ gì, điều đầu tiên các em phải nhớ là trân trọng cuộc sống của chính mình.
Tôi cũng có cậu con trai học lớp 12, đầy hoài bão, đầy tin tưởng vào cuộc sống nhưng cũng vô cùng mong manh, dễ tổn thương, dễ tự ái. Chỉ cần một lời nói nặng cũng khiến cháu sa sút. Chỉ cần bạn bè chê cười một chút cũng khiến cháu vùng vằng. Có lẽ tối nay, tôi sẽ nói với con về cái chết đáng tiếc của cô bé học lớp 11 ở Nghệ An, cùng con thảo luận về việc: “Nếu một ngày con bị ném đá về lỗi lầm của mình, con cần phải làm gì?”.
Theo Dân Việt
TAG: Học Sinh Tâm Lý GIáo dục bao
Tin khác
Công bố quyết định thành lập trường Cao đẳng Huế
TP.HCM: Nâng cao chất lượng GDNN đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế
684 học viên các trường Bộ Công an hoàn thành huấn luyện đầu khóa
Trường Cao đăng Quảng Nam ký biên bản hợp tác toàn diện với Trường Đại học Thái Bình Dương
Hội GDNN TP.HCM: Tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai hoạt động năm 2024
Trường Đại học Lao động - Xã hội ký kết các Biên bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo
Trương Cao đẳng Y tế Tiền Giang: Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển
Thành phố Hồ Chí Minh: Trên 20 cơ sở GDNN tham gia tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh tại Ngày hội “Hướng nghiệp - Tuyển sinh” lần 12
Chọn nghề trong thời đại 4.0