Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Những tấm gương thương binh làm kinh tế giỏi ở Hải Lăng
03:49 PM 10/05/2018
(LĐXH) – Gần đây trên địa bàn huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã xuất hiện một số mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, tạo điều kiện cho cựu chiến binh ở nhiều địa phương khác đến tham quan, học tập và nhân rộng mô hình.
Hướng ứng phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, cựu chiến binh ở huyện Hải Lăng đã không ngừng học hỏi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất hoặc một chu kỳ chăn nuôi.
Từ người thương binh với mô hình nuôi gà an toàn sinh học...
Cựu chiến binh Nguyễn Tăng Lỵ, ở xã Hải Chánh là một trong những tấm gương về đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu hiệu quả nhờ tham gia vào Tổ hợp tác nuôi gà an toàn sinh học . Ông Lỵ cho biết: Ở vùng gò đồi, ngoài việc trồng rừng và chăn nuôi trâu bò, trong khuôn viên gia đình có diện tích đất vườn khá lớn nhưng lâu này chủ yếu trồng khoai sắn nhưng sau khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Tổ chức SRD và xã tổ chức, được hỗ trợ 50 kg sinh khối giun quế và một gói men vi sinh để làm đệm lót sinh học cho gà, ông đã tự nguyện gia nhập vào Tổ hợp tác chăn nuôi gà an toàn sinh học và đã áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế. Ông đã phá bỏ toàn bộ khoai sắn, cải tạo lại vườn, quy hoạch, làm chuồng trại, xây bể nuôi giun quế, mua lưới về, bước đầu nuôi thử 50 con gà giống Ai Cập, sau đó tăng dần và hiện tại đàn gà tăng lên 400 con. Kết quả cho thấy, nếu như trước đây chủ yếu là nuôi gà ri giống địa phương, hiệu quả mang lại không cao nhưng nay dùng giun quế cộng với ngô, lúa xay nhỏ và cám là nguồn thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, gà có màu sắc đẹp, nhanh nhẹn, tăng trọng nhanh, đối với gà sinh sản đẻ nhiều trứng hơn.
Mô hình nuôi gà sinh học bằng giun quế của thương binh Nguyễn Tăng Lỵ
Theo ông Nguyễn Tăng Lỵ, nuôi gà theo hướng thả vườn, an toàn sinh học không khó nhưng vấn đề quan trọng là phải thay đổi tư duy, áp dụng và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ chọn giống cho đến chăm sóc. Ngoài việc tổ chức nuôi nhốt trên nền đệm lót sinh học, cần phải chú ý khâu tiêm phòng dịch bệnh theo quy định, trong đó khẩu phần thức ăn cho gà ngoài lúa, ngô, bột cám gạo chỉ bổ sung thêm giun quế với một lượng phù hợp. Đặc biệt, đối với giun quế có hàm lượng dinh dưỡng rất cao nên phải biết cách pha trộn với các loại ngũ cốc với tỷ lệ cân đối và  chỉ cho gà ăn 2 lần/tuần, trong đó lượng thức ăn cho gà ăn đêm nhiều hơn ban ngày vì  gà sẽ hấp thụ tốt. Chính nhờ làm tốt những điều trên, tuy mới thực hiện mô hình nhưng gia đình ông Nguyễn Tăng Lỵ đã có nguồn thun nhập cao từ trứng và gà thịt.   
Ông Phạm Như Thành, Chủ tịch Hội CCB xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng cho biết: Được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) về kỹ thuật và cung ứng một số vật tư, 14 hộ gia đình trong xã đã thành lập Tổ hợp tác và Ban quản lý có 3 người. Các thành viên trong Tổ cùng nhau xây dựng mô hình nuôi gà an toàn sinh học, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm, cùng phát triển để tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa, có quy mô và cung ứng cho các đơn vị tiêu thụ với số lượng lớn, đặc biệt đối với mô hình này, mỗi thành viên đều cam kết không sử dụng thức ăn công nghiệp, trứng và thịt gà đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy mới triển khai chưa lâu nhưng bước đầu cho thấy, các hộ gia đình đều có thu nhập ổn định, riêng tại nhà ông Nguyễn Tăng Lỵ với 400 con, trong đó có 250 gà đẻ trứng và 150 gà thịt đã mang lại nguồn thu nhập rất cao. 
Đại tá Trần Minh Hiền, Chủ tịch Hội CCB huyện Hải Lăng nhấn mạnh: Để góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên, hiện nay Hội Cựu chiến binh đang theo dõi, đánh giá mô hình Tổ hợp tác nuôi gà an toàn sinh học ở xã Hải Chánh. Trên cơ sở đó, sơ kết, rút kinh nghiệm và có các biện pháp hỗ trợ cho Tổ hợp này phát triển với quy mô lớn hơn cũng như tạo điều kiện cho cựu chiến binh ở nhiều địa phương khác đến tham quan, học tập và nhân rộng mô hình.
... đến tấm gương làm giàu từ trồng hoa
Thương binh Nguyễn Văn Sỹ, ở thôn Xuân Lộc, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng - Quảng Trị là bộ đội từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang. Anh tham gia chiến trường và trực tiếp chiến đấu từ năm 1982, đến năm 1986 thì xuất ngũ. Sau đó, anh lưu lạc tận miền Nam làm đủ thứ nghề để nuôi vợ con nhưng cuộc sống vẫn mãi khốn khó. Đến năm 2010 anh trở về quê quyết chí lập nghiệp. Khoảng từ năm 2011, anh đến với nghề trồng hoa sau nhiều lần tìm hiểu qua một số bạn bè cũng như nắm bắt nhu cầu thị trường.
Vườn hoa của vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Văn Sỹ
Trao đổi với phóng viên, anh Sỹ cho biết: Những lần đầu, hoa trồng ra cũng bị sâu bệnh chết khiến anh nản chí. Nhưng rồi vợ chồng anh vẫn quyết tâm theo nghề. Anh bỏ công sức, tiền bạc đi tham quan, học hỏi kỹ thuật, cách điều trị bệnh trên hoa, kinh nghiệm thực tế từ các mô hình trồng hoa ở làng Phú Mậu (Thừa Thiên - Huế), Đà Lạt (Lâm Đồng), đồng thời chịu khó nghiên cứu các nguồn tài liệu dạy trồng, chăm sóc hoa. Chỉ một thời gian ngắn sau, anh đã làm chủ được nghề trồng hoa. Từ đó anh mạnh dạn mở rộng mô hình trồng hoa trên tổng diện tích khoảng 2.000m2. “Vợ chồng tôi trồng hoa theo kiểu cuốn chiếu. Cứ hết lứa này là có lứa khác bán chứ không để đất nghỉ, cứ như vậy quanh năm. Thường dịp trồng nhiều nhất là rằm tháng Tư (khoảng 13.000 cây), rằm tháng Bảy (15.000 cây), dịp Tết thì tăng lên 30.000 cây. Chỉ tính riêng tiền bán hoa quanh năm, gia đình tôi cũng có thu nhập từ 70-80 triệu đồng”.
Ngoài niềm đam mê trồng hoa, vợ chồng anh cũng là gương gia đình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ở địa phương khi tạo dựng được mô hình trang trại tổng hợp khá bền vững với thu nhập ổn định. Hiện, vợ chồng anh là chủ nhân của 5 sào chè xanh, 4 sào cỏ nuôi 3 con bò nhốt, 6 lợn nái sinh sản, hàng trăm gà thả vườn, hàng chục gốc cam, bưởi… Bước đầu, từ mô hình trang trại tổng hợp đã cho gia đình anh nguồn thu nhập gần 150 triệu đồng/năm.        
Theo chị Phan Thị Duyên, vợ anh Sỹ, vụ hoa Tết Mậu Tuất 2018 vừa qua là vụ đầu tiên vợ chồng anh chị trồng hoa chậu bán vì thấy ở đây nhu cầu lớn nhưng mọi năm hoa các nơi nhập về với giá cao quá. Nhưng trồng hoa chậu vụ Tết không hề dễ ăn bởi thường bị ảnh hưởng của lũ lụt, mưa rét. Bởi vậy vợ chồng tôi mới bắc giàn bằng tre, gỗ cao để phòng chống úng cho hoa, hơi đa công và vất vả nhưng yên tâm hơn nhiều. Vừa chỉ vào giàn hoa hồng với số lượng hơn 400 chậu, chị vừa giải thích.

Thục Quyên

TIN LIÊN QUAN
TAG: Hải Lăng; Quảng Trị; cựu chiến binh; gà sinh học; trồng hoa; Nguyễn Văn Sỹ; Ngu
Tin khác
 Nữ Bí thư Chi đoàn tận tâm với hoạt động tín dụng chính sách
Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo và giám sát đánh giá
Ninh Bình: Tăng cường công tác trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội
Tháo gỡ vướng mắc trong số hóa chi trả an sinh xã hội cho người dân
Nâng cao công tác truyền thông về BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng mới Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về người khuyết tật
Trà Vinh: Một số kết quả trong công tác lao động, người có công và xã hội tháng 2/2024
Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin