Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Những tấm gương sáng trên mảnh đất Thừa Thiên
08:42 AM 31/08/2018
(LĐXH) – Trở về với đời thường sau chiến tranh, phải đối mặt với không ít khó khăn, thế nhưngnhững người lính năm nào vẫn phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội.

Người cựu binh khéo léo trong công tác dân vận

Thương  binh Thái Công Giỏng, trú tại tổ dân phố Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, người tích cực vận động hhân dân hiến đất mở đường, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng đường xóm đầu tiên của thị trấn Phong Điền.
Ở tuổi 73, thương binh Thái Công Giỏng vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn. Vừa cho gà ăn, ông vừa tâm sự: Năm 1984, được nghỉ hưu theo chế độ, tôi chủ yếu chăn nuôi, trồng trọt và tham gia công tác tại Chi hội CCB tổ dân phố Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền.
Sinh ra trên vùng đất Phong Sơn (Phong Điền), năm 1960, ông Thái Công Giỏng tham gia cách mạng khi 17 tuổi, hoạt động bí mật tại quê nhà, rồi thoát ly lên phân khu Trị Thiên, tham gia kháng chiến. Năm 1969, trong trận đánh đồn An Lỗ, ông bị thương phải ra Bắc điều trị. Sau đó, ông theo học tại Trường đại học Thương nghiệp (Hà Nội). Khi đất nước giải phóng, ông về quê hương làm việc.
Không những khéo léo trong công tác dân vận, thương  binh Thái Công Giỏng
còn là tấm gương về phát triển kinh tế gia đình
 Ngày mới về tổ dân phố Khánh Mỹ sinh sống, con đường xóm nơi ông ở chỉ là một lối mòn. Ông đã vận động các hộ góp tiền, đổ cát để đi lại dễ dàng hơn. Sau khi có chủ trương của Nhà nước về bê tông hóa đường kiệt, gia đình ông tiên phong hiến 45m2 đất cùng nhiều cây cối trên đất để mở đường rộng 3,5m. Thấy được lợi ích của việc mở rộng đường, cộng với sự vận động, tuyên truyền của ông, bà con trong xóm tình nguyện hiến đất, cây cối các loại và lùi hàng rào, cửa ngõ vào để cùng nhau mở rộng đường xóm.
Năm 1996, nhận thấy đường trong xóm đi lại tối tăm vào ban đêm, dễ xảy ra tai nạn và các tệ nạn xã hội, ông Giỏng đã vận động người dân trong xóm lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng. Đây là con đường xóm đầu tiên của thị trấn Phong Điền có điện chiếu sáng. Ông Giỏng cho biết, để duy trì điện công cộng ở con đường này, ông đã vận động người dân sửa chữa, nâng cấp lần thứ 4. Gần đây nhất, ông vận động 11 hộ dân, mỗi hộ đóng góp 150.000 đồng để hoàn thiện hệ thống điện trên trục đường này.
Ông Hồ Văn Lâu, Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố Khánh Mỹ ghi nhận: "Vai trò của ông Giỏng trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước là rất lớn. Ông Giỏng luôn là người tiên phong đi đầu trong các phong trào này để người dân học hỏi, noi theo". Còn ông Nguyễn Văn Bông, Chi hội trưởng Chi hội CCB tổ dân phố Khánh Mỹ cho rằng, ông Giỏng là người nhận thức sâu sắc về các nội dung trong công tác dân vận. Ông là tấm gương sáng trong công cuộc vận động người dân tham gia xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Ngoài ra, ông thường xuyên đóng góp ý kiến trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, trong các buổi tiếp xúc cử tri để góp phần xây dựng tổ dân phố Khánh Mỹ nói riêng và thị trấn Phong Điền nói chung ngày càng phát triển.
"Ông Giỏng là một điển hình trong công tác vận động quần chúng, là tấm gương trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để các hội viên Hội CCB thị trấn noi theo", ông Đồng Huế, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Phong Điền nhận xét.

Cựu chiến binh Cơ Tu làm giàu từ phát triển kinh tế
Trở về từ chiến trường Trị Thiên, ông Nguyễn Văn Chức đã phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” để vượt lên những khó khăn, bắt tay xây dựng cuộc sống mới và góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp; ông được Hội Cựu chiến binh các cấp tỉnh Thừa Thiên – Huế khen thưởng trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chức là người dân tộc Cơ Tu, xuất thân từ gia đình nông dân nghèo ở miền núi xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Khi xuất ngũ trở về quê nhà A Lưới, mang theo những thương tật của chiến tranh khiến ông thường xuyên đau nhức khi trái gió trở trời. Đến năm 1995 gia đình ông chuyển về định cư tại thôn Bồ Hòn, xã Bình Thành, thị xã Hương Trà. “Thời gian đầu về đây chỉ có hai bàn tay trắng, vợ chồng tôi cùng 5 người con dựa vào mấy sào cây lồ ô để sống. Bản thân sức khỏe không được tốt nên chỉ đủ ăn, cuộc sống của gia đình rất khó khăn”, ông nhớ lại. 
Không cam chịu cảnh đói nghèo, bằng ý chí và nghị lực của người lính, ông quyết tâm lao động thật chăm chỉ với mong muốn vợ và các con bớt khổ hơn. Năm 2003, hai vợ chồng ông bắt đầu đào ao nuôi cá, trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sau nhiều năm gây dựng, đến nay ông có trong tay 50 ha rừng keo, mỗi năm cho thu hoạch từ 400 đến 500 triệu đồng. Ngoài trồng keo ông còn chăn nuôi đàn bò trên 30 con, đàn trâu 15 con, đàn dê 20 con, đào ao thả cá, trồng cây ăn quả... 
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chức bên rừng keo do gia đình trồng được
Tiếp chúng tôi bên rừng keo bạt ngàn sắp đến kỳ thu hoạch của gia đình, cựu chiến binh Nguyễn Văn Chức chia sẻ: Để có được như ngày hôm nay thật không dễ. Lúc tôi vừa lên đây đường sá xa xôi cách trở, sên, vắt nhiều vô số. Từ mảnh đất nhỏ ban đầu hai vợ chồng cùng các con khai khẩn thêm diện tích đất toàn cây cỏ um tùm để trồng rừng và chăn nuôi trâu, bò. Được chính quyền, ban ngành các cấp động viên, hỗ trợ nên những khó khăn cũng dần qua.
Mặc dù hiện nay tuổi cao, lại mang những vết thương trên mình nhưng hằng ngày Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chức vẫn miệt mài lao động sản xuất. Bởi theo ông “còn sức thì còn làm”, mình phấn đấu lao động không chỉ để phát triển kinh tế gia đình mà còn cho con cháu thấy vậy noi theo, cũng chăm làm và sống sao có ích cho xã hội.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình Thành - Trương Ngọc An, cho biết: Ông Chức chính là điển hình về lao động sản xuất, phát triển kinh tế của Hội Cựu chiến binh Chi hội thôn Bồ Hòn và xã Bình Thành. Ngoài ra ông luôn gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động của Hội như thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng nông thôn mới; vận động bà con thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, do vậy 5 năm liền Chi hội đạt trong sạch vững mạnh.
Là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương, cựu chiến binh Nguyễn Văn Chức còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế và giúp đỡ bà con đồng bào, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Thục Quyên

 

 

TIN LIÊN QUAN
TAG: Người có công Thừa Thiên Huế Phong Điền A lưới
Tin khác
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công
Gần 500 nghìn hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp được tiếp nhận qua cổng dịch vụ công quốc gia
TP.HCM: Vẫn còn một số đơn vị gặp khó trong việc kê khai hồ sơ thu BHXH, BHYT, BHTN..
Quân khu 7 tổng kết thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy tập hài cốt liệt sĩ
Bàn giao nhiều di vật, kỷ vật cho các gia đình liệt sĩ ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế
Dự án “Thả lưới ước mơ” – thêm điều kiện biến những ước mơ của trẻ em thành hiện thực
Quận Hoàn Kiếm khám bệnh miễn phí cho hơn 500 người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo
Hội đồng hương huyện Diễn Châu tại TPHCM trao tặng 250 triệu đồng hỗ an sinh xã hội cho quê nhà