An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Nhiều giải pháp tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động trong ngành than
03:30 PM 05/12/2017
(LĐXH) - Để đảm bảo an toàn lao động trong những tháng cuối năm 2017, Tập đoàn Than –Khoáng sản Việt Nam đã đưa ra các giải pháp và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, giảm thiểu sự cố, tai nạn lao động.
Theo báo cáo cho thấy  9 tháng đầu năm 2017, trong số các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thì đa phần là TNLĐ tại các mỏ than hầm lò. Có thể kể đến các vụ tai nạn nghiêm trọng như: vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 5h ngày 29/9, tại tại lò chợ mức -35 đến +10, công trường Than 3, Công ty Than Dương Huy khiến 2 công nhân bị vùi lấp. Nguyên nhân được xác định là do đổ giá thủy lực XDY từ giá số 35 đến giá số 40 tại lò chợ mức -35 đến +10 nên đã vùi lấp 2 công nhân này. Đây là vụ tai nạn có người thương vong thứ hai trong vòng 2 tháng gần đây của công ty này. Trước đó, vào ngày 4/7/2017, tại lò thượng mức -100 lên -60 vỉa 8, phân xưởng Đào lò 2, Công ty Than Dương Huy cũng xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến 1 người tử vong. Nguyên nhân của vụ tai nạn, được xác định là do bục túi nước hầm lò khiến công nhân Phạm Văn Dân (SN 1993, trú tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên - thợ lò bậc 5/6) bị mắc kẹt dẫn đến tử vong; TNLĐ do ngạt khí làm chết Phó Quản đốc trực ca xảy ra tại Công ty Than Vàng Danh vào ca 1 ngày 02/10/2017  và các sự cố lớn tại Công ty Cổ Phần Than Hà Lầm hồi đầu năm 2017.
Áp lực mỏ, bục nước, sập lò, ngạt khí... là những nguy cơ rình rập gây mất an toàn lao động trong ngành than
Có thể thấy, nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn lao động đáng tiếc kể trên một phần là do công tác dự báo, đánh giá, kiểm soát các nguy cơ mất an toàn chưa đầy đủ, nên chưa có biện pháp phòng ngừa hiệu quả… Mặc dù đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến TNLĐ trong khai thác than hầm lò và nguyên nhân này đã được cảnh báo rất nhiều nhưng lỗi vi phạm vẫn lặp lại thường xuyên.
Áp lực mỏ, bục nước, sập lò, ngạt khí... là những nguy cơ rình rập gây mất an toàn lao động, nếu như những người công nhân lao động không chủ động thực hiện các biện pháp an toàn mỏ. Phân tích nguyên nhân các vụ TNLĐ, ngoài những nguyên nhân khách quan do điều kiện làm việc, không thể không nhắc đến nguyên nhân chủ quan do chính những con người trực tiếp làm việc dưới lò chưa ý thức được mức độ nguy hiểm, thái độ chủ quan, để mất an toàn lao động, trong khi trình độ tay nghề, kinh nghiệm làm việc của công nhân, đặc biệt là các công nhân mới còn thiếu, yếu, chưa có các kỹ năng ứng phó với các sự cố xảy ra trong hầm lò. Công nhân không thực hiện đầy đủ quy trình an toàn trong vận hành máy tời để vận tải, vận chuyển than; bỏ qua quy định về việc không được ngồi trong goòng, tích chở vật liệu, kém quan sát khi di chuyển trong đường lò; khoan các lỗ mìn trong gương để lấy than khi than chưa đủ điều kiện về độ cứng, khô nước dẫn đến nguy cơ tụt lở than. Trong khi đó, kỹ năng quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất của những người có trách nhiệm trong lò còn chưa cao khi bố trí nhân viên làm việc tại các vị trí lò không hợp lý, thậm chí sắp xếp các công nhân mới chưa đủ điều kiện làm việc độc lập dẫn đến nguy cơ tai nạn lao động cao. Tại nhiều doanh nghiệp công tác quản lý còn chưa tốt, việc kiểm soát sản xuất chưa chặt chẽ, biện pháp kỹ thuật an toàn, quy trình còn chưa thiết thực...
Nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra các vụ TNLĐ đáng tiếc, Tập đoàn TKV đã yêu cầu các đơn vị trong ngành tăng cường, hoàn thiện nhiều biện pháp đảm bảo AT-VSLĐ, điều tra kỹ các vụ tai nạn lao động để tìm rõ nguyên nhân, rút kinh nghiệm kịp thời. Đồng thời chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện của đơn vị nhằm nâng hệ số an toàn, nhất là các đơn vị hầm lò.
Công nhân ngành than diễn tập cứu hộ, cứu nạn
Những tháng cuối năm 2017, Tập đoàn TKV yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp đảm bảo ATLĐ đến từng người lao động. Đồng thời, đề ra các giải pháp đảm bảo an toàn trong Tập đoàn, trong đó cần đặc biệt lưu ý: Triển khai đồng bộ các gải pháp đảm bảo an toàn đã được nêu tại Hội Nghị kiểm điểm công tác AT-VSLĐ 6 tháng đầu năm 2017; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra an toàn, kiểm soát các đường lò tạm dừng sản xuất, đường lò cũ, xây tường chắn để loại bỏ dứt điểm sự cố gây tai nạn do ngạt khí, nếu để xảy ra sự cố khí mỏ gây chết người thì người đứng đầu phải chịu trách nhiện trước Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Đối với công tác phòng ngừa bục nước: các đơn vị phải chú trọng công tác khoanh vùng, cảnh báo và có biện pháp cụ thể phòng ngừa bục nước, không chủ quan; kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc thực hiện công tác quản lý, vận chuyển bảo quản, sử dụng VLNCN, đặc biệt là đo kiểm tra phân loại điện trở kíp điện, công tác nạp nổ mìn và bố trí người gác mìn nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người lao động khi làm việc; Quan tâm triển khai có hiệu quả công tác huấn luyện an toàn cho người lao động và tiếp tục mở các  lớp bồi dưỡng kỹ năng kiểm soát và phòng tránh rủi ro cho đối tượng: Quản đốc, Phó quản đốc phân xưởng để kiểm soát sản xuất có hiệu quả nhằm hạn chế sự cố, tai nạn; Kỷ luật nghiêm đối với những trường hợp vi phạm an toàn. 
Các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra tại khai trường sản xuất, quan tâm công tác kiểm tra cũng cố đường lò tại các khám đầu, khám chân lò chợ, có kế hoạch thay dần các công nghệ chống giữ lò chợ; Thường xuyên giám sát, chỉnh sửa bổ sung hoàn thiện quy trình, quy định, hồ sơ quản lý kỹ thuật an toàn; nâng cao chất lượng công tác lập, duyệt thiết kế kỹ thuật, biện pháp thi công để đảm bảo phải chi tiết, cụ thể đầy đủ biện pháp an toàn phù hợp với thực tế thi công. Ngoài ra, tiếp tục chỉ đạo và có các biện pháp quyết liệt đối cới công tác quản lý, chỉ huy sản suất trực tiếp của cán bộ công nhân cấp công trường, phân xưởng trong lĩnh vực AT-VSLĐ gồm: yêu cầu công nhân thực hiện nghiêm túc nội quy lao động, quy trình, quy định an toàn; cán bộ trực ca phải dự báo nguy cơ mất an toàn để có biện pháp phòng tránh và chỉ đạo công nhân làm việc đảm bảo an toàn; tăng cường công tác kiểm tra biện pháp thi công, các vị trí có nguy cơ cao; công tác ra lệnh sản xuất, bàn giao ca phải cụ thể về diễn biến sản xuất trong ca, các vấn đề sau ca cần lưu ý; đồng thời thực hiện nghiêm túc công tác nghiệm thu sản phẩm theo biện pháp thi công, hộ chiếu kỹ thuật, nghiệm thu sau sửa chữa, lắp đặt thiết bị; Thường xuyên rà soát bổ sung phương án ứng cứu sự cố, tìm kiếm cứu nạn, chú trọng đầu tư thiết bị, phương tiện cứu nạn cứu hộ, đồng thời nâng cao kỹ năng ứng cứu sự cố, tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng cấp cứu bán chuyên của các đơn vị trong Tập đoàn. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn cho người lao động.../.
PV
TAG: Nhiều giải pháp để tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động trong ngành tha
Tin khác
Hà Nội tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trước kỳ nghỉ lễ 30/4
Điện Biên chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong các doanh nghiệp
Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động
Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm
Lào Cai: Gần 5.000 lao động được giải quyết việc làm trong 3 tháng đầu năm
Đồng Tháp: Gần 5.200 lao động được giải quyết việc làm
“Những bức chân dung từ lụa vụn”: Chung tay “xây nhà mới” cho người khuyết tật làm việc tại Vụn Art
Hỗ trợ người khuyết tật tham gia vào thị trường lao động