Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Người cựu chiến binh trên hành trình chinh phục công nghệ
02:57 PM 16/01/2019
Có lẽ, trong suốt cuộc đời của mình, những năm tháng được sống trong quân ngũ, đã là hành trang để bác Đỗ Văn Hưởng - cựu chiến binh thôn Gò Chè, xã Thanh Bình (huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) luôn nỗ lực, cống hiến hết mình vì quê hương, đất nước.
Bác Đỗ văn Hưởng giới thiệu về máy sấy nông sản
Bác Đỗ Văn Hưởng sinh năm 1948. Suốt những ngày ấu thơ nhọc nhằn sống giữa mưa bom, bão đạn, cha mất khi vừa chào đời được ba tháng, nhưng bác luôn chăm chỉ làm việc, quyết chí học hành. Bác luôn là người đứng trong tốp đầu trong các kỳ thi học sinh giỏi và từng đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi toán tỉnh Hà Tây. Năm 1963, bác là một trong những thanh niên hiếm hoi của xã tốt nghiệp cấp ba. Thời bấy giờ, có được bằng cấp như vậy, nếu muốn bác có thể vào bất kỳ trường Đại học nào. Thế nhưng, vì hoàn cảnh khó khăn, Tổ quốc còn chiến tranh, bác lên đường tòng quân bảo vệ Tổ quốc, nhập ngũ vào Trung đoàn 702, Sư đoàn 331, Quân khu 5.
Trong 7 năm tham gia quân ngũ, bác được làm Tiểu đội trưởng, rồi Trung đội trưởng, thống kê quân lực, sau đó làm tài vụ của Trung đoàn, làm bí thư Liên chi đoàn. Nhưng một lần nữa, do hoàn cảnh gia đình, năm 1982 bác phục viên, xuất ngũ trở về địa phương. Hành trang bác mang về  là chiếc ba lô và vài bộ quần áo, lời dặn dò của Thủ trưởng đơn vị "Các cháu có biết phục viên là gì không? Phục là về, viên là nhà, vậy hôm nay, các cháu về là về đoàn tụ với gia đình, vậy thì hãy sống để bản thân không bị ngập dưới bùn". Vì vậy, khi trở về bác quyết tâm phải cố gắng xây dựng cuộc sống thật ấm no, hạnh phúc. Nghĩ là làm, sẵn yêu nghề cơ khí, lại được xem máy móc của Liên Xô sấy quân tư trang cho bộ đội, vậy là bác theo người chú học nghề cơ khí tại Nhà máy sữa chữa ô tô tròn một năm.

Bác Đỗ Văn Hưởng bên khu đất dự định mở rộng sản xuất
Nhưng khi về đến quê hương, điện chưa có, bác phải hàn hơi để dựng khung xe đạp kiếm tiền lấy kế sinh nhai. Đến năm 1989, bác mới bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất các loại máy sấy nông sản. Không thể nói hết khó khăn lúc đó, bởi kinh nghiệm chưa có,  bác phải đi các nơi để học hỏi, kể cả đến các trại gà, trại lợn... Hơn thế nữa, đồng vốn còn hạn hẹp, mà bản thân bác luôn nhớ lời dặn của Thủ trưởng trong đơn vị "Mỗi đồng chí: đầu đội chính sách, vai mang chứng từ, nên nhất định không được tơ hào một đồng nào của xã hội".  Vì vậy, tự bản thân bác cũng dặn lòng không đi vay mượn của ai, cứ có đến đâu làm và phát triển đến đó. Đến năm 1994, những chiếc máy sấy nông sản đầu tiên đã ra đời. Niềm vui không tả siết khi dự định bao năm ấp ủ đã thành hiện thực. Đến năm  1998, bác thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn cơ khí Hưởng Phương, nay là Công ty quạt công nghiệp DH Hà Nội. Một mình mày mò, sáng tạo, đến nay công ty của bác đã cho ra đời hàng trăm chiếc máy sấy nông sản xuất đi các tỉnh, thành trong  cả nước như  Lào Cai, Sơn La, sang các nước bạn như Lào, Thái Lan, công suất mỗi máy sấy hàng  tấn nông sản như ngô, khoai, sắn, thóc, máy sấy gạch có thể cho ra 3 vạn gạch/ngày. Giá thành mỗi máy từ 10 đến 500 triệu đồng. Công ty của bác tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động là quân nhân xuất ngũ, con em cựu chiến binh  với mức lương 7 đến 10 triệu đồng/ tháng. Không những vậy, Công ty còn phối hợp với trường Đại học cơ khí Việt - Hung, trường Cao đẳng Sim cô Sông Đà đón hàng trăm em sinh viên về thực tập, học nghề tại xưởng.  Không những làm kinh tế giỏi, bác còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện tại địa phương. Bất kỳ các quỹ vận động ủng hộ nào bác cũng tham gia với tổng số tiền hàng chục triệu đồng. Gia đình bác còn ủng hộ làm đình, chùa, cổng làng, đường làng... tại thôn Tiến Phối, Gò Chè, Đồi Bé với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Hiện nay, ở tuổi 70 bác vẫn miệt mài lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, là tấm gương để con cháu học tập noi theo. 5 người con của bác cũng đã khôn lớn, trưởng thành, có việc làm ổn định. Người con trai sau khi tốt nghiệp Đại học chế tạo máy thì tiếp tục nối nghiệp cha. Và bên cạnh bác luôn có sự đồng hành thắp lửa của người nữ dân quân hỏa tuyến Nguyễn Thị Lộc.
Là một người lính, được nhận Huân, Huy chương, chiến sỹ vẻ vang, được chứng kiến những thời khắc quan trọng của Tổ quốc, bác Hưởng đã một lòng đi theo Đảng, nỗ lực cống hiến hết mình, nhiều năm liền Bác là cựu chiến binh gương mẫu, gia đình văn hóa xuất sắc, được nhận bằng khen, khen thưởng của Thành hội, Huyện hội, UBND huyện Chương Mỹ, UBND xã Thanh Bình.  Đó là động lực để bác tiếp tục cố gắng, nhưng điều bác mong mỏi hơn nữa là có mặt bằng để mở rộng sản xuất,  đáp ứng nhu cầu của những người nông dân./.

Hồng Đào
 
TAG: cựu chiến binh Vượt khó bao
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công