An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Nghèo đa chiều và thách thức của Thừa Thiên Huế
09:49 AM 15/11/2016
(LĐXH) - Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều thực sự là cơ hội để các huyện miền núi như Nam Đông, A Lưới thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, nếu không có sự thay đổi về nhận thức, phương pháp thì sự thiếu hụt nhiều chỉ số trong chuẩn nghèo đa chiều sẽ trở thành một thách thức không nhỏ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Báo cáo của UBND huyện A Lưới cho thấy, kết quả điều tra hộ nghèo, cận nghèo năm 2015 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện có 4.337 hộ nghèo (17.784 khẩu), chiếm tỷ lệ 45,4%. Trong đó, có 4.182 hộ (17.308 khẩu) dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 96,43% tổng số hộ nghèo.

Trong tổng số 21 xã, thị trấn của huyện A Lưới, có đến 17 xã nghèo; có 6 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%.  Những dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo có tỷ lệ thiếu hụt cao tại A Lưới như: Bảo hiểm y tế (86,379%), chất lượng nhà ở (55,43%), diện tích nhà ở (60,83%), nguồn nước sinh hoạt (64,17%), hố xí, nhà tiêu hợp vệ sinh (80,54%). Riêng vấn đề chất lượng nhà ở theo chuẩn mới, toàn huyện A Lưới hiện còn khoảng 2.404 căn nhà tranh tre nứa lá, chiếm đến 55,43%.  Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hộ nghèo vẫn chiếm ty lệ cao tại huyện A Lưới được cho là do người dân thiếu tư liệu sản xuất, không có việc làm ổn định, không có tay nghề, gia đình đông con, nhiều đối tượng ăn theo, mới tách hộ,…

Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, hiện tại thu nhập chính của người dân trong huyện là từ cây keo thương mại. Bên cạnh đó, một phần nhỏ là từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi,…Còn lại diện tích rừng cao su, cà phê dù không phải nhỏ, nhưng do rớt giá và do những nguyên nhân khác nên những loại cây này hiện không sinh lời bao nhiêu.

Phụ nữ nghèo huyện A Lưới bên mô hình dệt thổ cẩm

Giai đoạn 2016 – 2020, A Lưới đặt chỉ tiêu sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 - 3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến 2020 đạt 35 - 40%, riêng năm 2016 đạt 30%; tạo việc làm mới cho 250 lao động. Những giải pháp thực hiện kế hoạch được huyện A Lưới đặt ra như: Các xã, thị trấn phải kiện toàn lại Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường công tác vận động, tuyên truyền về chương trình giảm nghèo; triển khai các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả trên địa bàn huyện phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng và trình độ dân trí; tăng cường công tác vận động người lao động đi làm việc tại các khu chế xuất, tham gia học nghề tự tạo việc làm tại chỗ,…Để cải thiện thu nhập cho người dân, A Lưới sẽ chọn các mô hình VACR (vườn - ao - chuồng - rừng) có hiệu quả trên địa bàn huyện, đầu tư cho các hộ có sức lao động, am hiểu về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tùy theo điều kiện cụ thể của từng xã để đầu tư; tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho các hộ thực hiện mô hình sản xuất; hỗ trợ công cụ sản xuất, đất sản xuất cho hộ thiếu đất; phối hợp với các tổ chức, chương trình 135 để đầu tư cho các hộ về nước sạch, nhà ở, nhà vệ sinh…

Ông Cường cũng cho biết thêm, hiện nay UBND huyện A Lưới đã phê duyệt Dự án định canh, định cư cho người dân xã Hồng Quảng thiếu đất ở vào xã Nhâm. Huyện cũng đã phê duyệt quyết định về hỗ trợ đất sản xuất cho các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số.

Tương tự, ở huyện miền núi Nam Đông, qua rà soát đánh giá hộ nghèo theo chuẩn mới, tỷ lệ hộ nghèo tăng. Huyện Nam Đông có 900 hộ nghèo (14,5%). Cả 5 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như Thượng Long, Thượng Quảng, Thượng Nhật, Hương Hữu và Hương Giang đều không đảm bảo về tiêu chí nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đa số các hộ nghèo ở đây đều là đồng bào dân tộc, vừa mới ra ở riêng và chưa có nhà cửa ổn định. Tập quán làm việc cũng như tiêu dùng không có kế hoạch khiến cuộc sống của họ càng gặp nhiều khó khăn. Trở ngại lớn nhất của Nam Đông hiện nay trong việc giảm nghèo bền vững là tiêu chí thu nhập và nước sinh hoạt. Ngoài các chỉ số thiếu hụt, như chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở, chỉ số không có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm tỉ lệ cao nhất. Nhiều xã có trên 90% số hộ không đạt tiêu chuẩn này. Hầu hết bà con đều làm nhà tiêu gần suối, mà suối lại là nguồn nước sinh hoạt chính của họ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Theo bà Lê Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, hiện địa phương đã xây dựng đề án với mục tiêu huy động các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, như: y tế, giáo dục, điều kiện sống, thông tin, đi lại, bảo hiểm, hỗ trợ sinh kế… nhằm cải thiện đời sống, tăng thu nhập. Đồng thời, sẽ tiếp tục hỗ trợ cho 100% hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà hư hỏng nặng có đất ở ổn định được xây mới nhà ở; 100% hộ có nhu cầu được giải quyết vay vốn ưu đãi…

Ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở LĐ – TBXH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, một trong những định hướng lớn, mới của Nhà nước trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 là sẽ giảm dần các chính sách “cho không”, tăng dần sự chủ động tiếp cận các chính sách về giảm nghèo đối với người nghèo, nhất là về vay vốn sản xuất, phát huy tính tự lực, tự cường trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, tránh tâm lý ỷ lại.

Vì vậy, để làm tốt công tác giảm nghèo ở huyện miền núi, cần sớm rà soát, đề xuất, sửa đổi các chính sách giảm nghèo không còn phù hợp, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo. Đổi mới hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên, tham gia các tổ chức sản xuất. Các huyện cần rà soát để cơ cấu lại sản xuất và chuyển dịch ngành nghề phù hợp với điều kiện của từng địa phương nhằm tạo việc làm cho người lao động, tạo thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững.

Sở LĐ – TBXH tỉnh cũng sẽ đề nghị cơ sở đào tạo nghề và vận động doanh nghiệp may đang hoạt động trên địa bàn tỉnh mở một số cơ sở may công nghiệp hay may gia công trên địa bàn huyện Nam Đông, A Lưới, tạo thêm việc làm cho lao động. Để giảm nghèo hiệu quả và bền vững, các huyện cần tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát huy lợi thế về kinh tế vườn, chăn nuôi, trồng rừng và các mô hình phát triển kinh tế đã có hiệu quả.

Thục Quyên

 

TIN LIÊN QUAN
TAG: Giảm nghèo Thừa Thiên Huế bao
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công