Văn hóa
Trang chủ / Văn hóa - Thể thao / Văn hóa
Nghe Trúc chỉ “ngân nga” ở Tịnh Trúc Gia
05:04 PM 20/03/2021
(LĐXH) – Nếu đã có cơ hội được nghe, nhìn, cảm nhận về Trúc Chỉ - một loại hình giấy nghệ thuật – nghệ thuật giấy mới của Việt Nam, chắc hẳn người xem sẽ khó để rời mắt khỏi sự mê hoặc mà môn nghệ thuật này mang lại. Đặc biệt hơn là mới đây, Trúc chỉ còn được biến hóa đầy sinh động, ngọt ngào qua những đôi bàn tay và tâm hồn trong trẻo từ các thành viên “đặc biệt” đến từ Trung tâm Bảo trợ Người khuyết tật Ngoài công lập Tịnh Trúc Gia, thành phố Huế…
…Nằm ẩn sâu trong quanh co phía lưng chừng đồi với lác đác vài bông hoa dại ven đường đẹp bình yên trong xóm nhỏ, Tịnh Trúc Gia hiện lên một không gian thuần khiết mà quen thuộc như mọi ngôi nhà vườn ở Huế. Nơi đây, có những mảnh đời khiếm khuyết lớn lên từ hương thơm bình dị của núi đồi, bên những gian bếp, phòng tranh… và cả những khu vườn xanh mướt lấp ló dưới sương đêm vẫn đang còn ngái ngủ giữa tháng 3, tháng của những ngày đầy gió…
Khác với mọi ngày, các thành viên của Trung tâm sáng nay dường như hối hả hơn để hoàn tất khâu cuối cùng chuẩn bị cho triển lãm “Mưa xuân” – kết quả từ sự trải nghiệm và kết hợp thú vị giữa các học viên không may bị khiếm khuyết của Tịnh Trúc Gia và Trúc chỉ, mối lương duyên được kết nối bởi thầy Nguyễn Đình Long, cựu sinh viên trường Mỹ thuật Huế, cũng là học trò cũ của Họa sĩ Phan Hải Bằng, người khai sinh ra Trúc chỉ cùng các cộng sự. Theo đó, từ tháng 9 – 12/2020, các thành viên xưởng nghệ thuật và lớp thanh thiếu niên của Trung tâm đã có những buổi trải nghiệm vào thứ tư hàng tuần tại Vườn Trúc chỉ để tìm hiểu về một loại hình nghệ thuật mới – Nghệ thuật Trúc chỉ. Đây được coi là một trong những hình thức trị liệu xã hội thông qua lao động và nghệ thuật được đan cài xen kẽ trong các hoạt động sinh hoạt thường nhật như vẽ màu nước, eurythmy, kịch, hề… cho phép các em mở rộng những giới hạn cảm xúc, tạo ra sự hài hòa giữa nhịp điệu bên trong và bên ngoài, giúp học viên phát triển thế giới quan tích cực và từ đó hòa nhập cộng đồng. Cũng tại đây, các học viên có thể lựa chọn (hoặc được hướng dẫn) làm việc ở xưởng nghề phù hợp với sở thích, khả năng của mình như xưởng tranh sơn mài, xưởng chế biến thực phẩm (làm bánh, mứt, trà), xưởng làm hương (nhang) và đồ thủ công mỹ nghệ, vườn rau sạch Biodynamic, Trà quán – nơi các học viên pha chế thức uống do chính mình làm ra cho thực khách ghé thăm…

Theo họa sĩ Phan Hải Bằng, khi các chuẩn mực xã hội xưa cũ làm cho con người ta mắc kẹt lẫn nhau bởi những suy nghĩ tiêu cực, đắn đo bởi nhu cầu thiệt hơn, sự thành công và thất bại, hạnh phúc và khổ đau… thì những tác phẩm Trúc chỉ dưới bàn tay và khối óc tự do của các học viên nơi đây đã thổi một luồng sinh khí tươi mới về một tiêu chuẩn khác của cuộc sống mà ở đó không tồn tại sự mưu cầu, tính toán… Thưởng lãm các tác phẩm Trúc chỉ nơi đây, người xem có thể cảm nhận được nguồn năng lượng dồi dào, một thế giới nội tâm bình dị và trong sáng, thế giới không có bất cứ khuôn mẫu hay sự áp đặt, định hướng hay chuẩn mực nào ngoài những trái tim đong đầy cảm xúc có thể đánh thức giác quan và làm lay động lòng người...

Khác với vẻ đặc sắc của Hòa chỉ (Whasi) – giấy của người Nhật và Hàn Chỉ (Hanji) của người Hàn Quốc, Trúc chỉ Việt Nam mang đến cho người xem một “ánh sáng mới, góc nhìn mới và đời sống mới” (trích-Phan Hải Bằng) như đúng tinh thần của nó – tự thân và độc lập, tiếp biến các giá trị truyền thống trong bối cảnh đương đại. Nét đặc trưng nhất của nghệ thuật Trúc Chỉ là tác phẩm được sáng tác trên loại hình giấy hình thành từ các loại nguyên liệu xơ sợi như tre, nứa, lục bình, bắp, mía, dướng, dó.... Hình ảnh, hoa văn trên giấy được tạo nên bằng cách sử dụng bút nước với kỹ thuật "đồ họa Trúc chỉ/ Trucchigraphy" ngay trên tấm giấy còn ướt, sau đó đem phơi khô. Những lớp lang, sắc độ tinh tế đến từ hoạ tiết in chìm kết hợp ánh sáng làm cho những bức tranh trở nên sống động, ấm áp và chân nguyên.
Đến với triển lãm “Mưa xuân” để nghe ngân nga những “câu chuyện” mang tên Trúc chỉ bởi các học viên Tịnh Trúc Gia, khán giả không cần biết chân dung tác giả mà chỉ cần lặng yên nhìn ngắm thế giới trong mỗi bức tranh. Không khí mát lành nơi thế giới ấy sẽ chạm vào cửa ngõ mỗi trái tim, để lại sự dịu dàng yêu mến và vỗ về những bất an. Mỗi bức tranh là một tác phẩm mà nơi đó có thể an ủi tâm hồn và mang người xem trở về với những điều lặng lẽ, sơ nguyên…
 
…Có một không gian Tịnh Trúc Gia như thế…



 

Là mô hình tiên phong trong lĩnh vực giáo dục thanh thiếu niên có rối loạn phát triển, Trung tâm Bảo trợ Người khuyết tật Ngoài công lập Tinh Trúc Gia được xây dựng và thành lập bởi bởi Hiệp hội Eurasia, Thuỵ Sĩ do Giáo sư Hà Vĩnh Thọ, người gốc Huế mang quốc tịch Pháp làm Chủ tịch. Từ năm 1999, tổ chức Eurasia đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em khuyết tật về trí tuệ có điều kiện học tập ở 05 trường tiểu học và xây dựng 02 trường chuyên biệt tại thành phố Huế. Bên cạnh đó tổ chức Eurasia đã có nhiều chương trình đào tạo và bồi dưỡng cho giáo viên trong lĩnh vực chuyên biệt và xã hội trị liệu.

 


Khánh Quyên

TIN LIÊN QUAN
TAG: triển lãm “Mưa xuân” Tịnh Trúc Gia Trúc chỉ Trung tâm Bảo trợ Người khuyết tật Ngoài công lập Huế
Tin khác
Nhiều điểm mới trong Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024
Nhạc sĩ Trần Lệ Giang trở lại với Album “Những bông hoa màu xanh”
Sách cũng là.. người Thầy
Cụm 4 lực lượng vũ trang Quân khu 7 khai mạc giải bóng đá, bóng chuyền
Phim hoạt hình “Make in Vietnam” được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ I
Sự kiện chào hè Hula Summer tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5/2024
Nestlé MILO đồng hành cùng Giải Bóng đá Nhi đồng (U11) toàn quốc 2024
Thư viện của những thần tượng
Sự giao thoa giữa truyền thống với hiện đại trong hội họa: Yếu tố quan trọng và ý nghĩa