Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Nghề công nghệ ô tô – nghề "hót" với thu nhập cao
02:18 PM 22/07/2020
(LĐXH)- Nghề Công nghệ ô tô luôn được đánh giá là một nghề “hot” với thu nhập cao. Cho đến nay, với nhiều thay đổi trong chương trình đào tạo, các học sinh, sinh viên học nghề này có thể bắt tay vào công việc và có thu nhập ngay trong thời gian thực tập.
Hơn 10 năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới. Lượng gia tăng hàng hóa ngày một nhiều, kinh tế ngày một phát triển. Mức ô tô tham gia giao thông là rất lớn, số lượng ô tô dự tính đến năm 2020 là hơn 5 triệu xe. Ngày nay một chiếc ô tô rất hiện đại, trang bị nhiều thiết bị thông minh, phục vụ nhiều mục đích của con người, đồng thời chúng cũng rất an toàn cho người sử dụng. Do số lượng tăng đột biến, kéo theo nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng gia tăng, nghề Công nghệ ô tô dần dần trở nên "hot" trên thị trường lao động Việt Nam, hấp dẫn các bạn trẻ đăng ký tham gia học nghề.
Chương trình đào tạo tiêu chuẩn quốc tế
Sinh viên  Khoa Công nghệ ô tô (Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp)
Bạn Đặng Thái Dương, sinh viên năm thứ 2, Khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp (Bình Xuyên, Vĩnh phúc), chia sẻ: Em đến từ Lào Cai, em chọn học nghề Công nghệ Ô tô bởi sở thích bản thân và tiềm năng của nghề lâu dài ổn định. Qua phương tiện truyền thông, được biết trường có nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao, môi trường học tập tốt nên em đã đến tìm hiểu và quyết định học tập nghề nghiệp tại đây.
Nhiều bạn trẻ đăng ký tham gia học nghề Công nghệ ô tô
"Em đăng ký học chương trình đào tạo của Đức, bởi ngoài chuyên môn em còn được học ngoại ngữ. Nội dung chương trình không quá khó, về chuyên môn, thời gian đào tạo chủ yếu là thực hành tại xưởng và doanh nghiệp. Vì vậy, em rất tin tưởng vào các cơ hội việc làm sau tốt nghiệp hoặc có thể ra nước ngoài làm việc" – em Đặng Thái Dương, cho biết.
Trao đổi về chương trình đào tạo Công nghệ Ô tô, ông Nguyễn Thế Nam, Trưởng khoa Công nghệ ô tô (Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp), cho biết: Trong những năm gần đây, chương trình đào tạo nghề Công nghệ ô tô đã có nhiều thay đổi khi khung chương trình được đưa vào đào tạo với 70% thời gian thực hành và 30% để các trường lựa chọn ban hành chương trình đào tạo riêng. Khoa Công nghệ ô tô của nhà trường đã hợp tác với nhiều đối tác quốc tế để cung cấp các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ giáo viên, xây dựng chương trình, giáo trình… Các chương trình hợp tác này đã giúp nhà trường đạt chuẩn quốc tế về đào tạo nghề Công nghệ Ô tô. Các giáo viên được cử ra nước ngoài học tập để bảo đảm năng lực đào tạo cho học sinh, sinh viên. Hiện nay, nhà trường đang tiếp tục đào tạo khóa Công nghệ ô tô theo chương trình của CHLB Đức tiêu chuẩn cấp độ 4 của Châu Âu.
Sinh viên thực hành sửa chữa ô tô
Theo học chương trình này, học sinh, sinh viên được doanh nghiệp hỗ trợ thực tập, trải nghiệm thực tế sản xuất để nâng cao trình độ tay nghề, một số em được trả lương thực tập. Sau khi tốt nghiệp được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kỹ năng của của doanh nghiệp. Với giấy chứng nhận này, các em có thêm nhiều cơ hội việc làm đặc biệt trong hệ thống của doanh nghiệp cấp chứng nhận. Học sinh, sinh viên khoa Công nghệ ô tô nói riêng và toàn bộ học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp nói chung, gần như 100% các em có việc làm sau tốt nghiệp. Mức lương được thỏa thuận thường dao động từ 10 – 15 triệu đồng/tháng.
Nghề tốt vẫn khó tuyển sinh
Các thầy giáo bộ môn tận tình truyền đạt cho học sinh, sinh viên
Bà Phạm Thị Lan Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp, cho biết: Thế mạnh của nhà trường là đào tạo 7 nghề theo tiêu chuẩn quốc tế (Công nghệ ô tô, Công nghệ Hàn, Cắt gọt Kim loại, Quản trị mạng, Điện tử Công nghiệp, Điện Công nghiệp, Kỹ thuật lắp đặt máy lạnh - điều hòa). Hợp tác đào tạo chuyển giao các chương trình của Pháp, Úc, Đức. Sinh viên ra trường được làm việc trong các doanh nghiệp FDI với thu nhập cao và ổn định.
Sinh viên thực hành trên mô hình ô tô
Về công tác tuyển sinh, theo bà Phạm Thị Lan Phương, năm 2020, công tác này của trường nói riêng và hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói chung gặp nhiều khó khăn. Sau đợt cao điểm cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19, các em học sinh phải tập trung học tập chuẩn bị thi cử rất căng thẳng, vì vậy nhà trường rất khó khăn trong việc tiếp cận để tư vấn tuyển sinh. Trước thực trạng này, nhà trường đã đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy công tác tuyển sinh trong tình hình mới, cụ thể là truyền thông tuyển sinh qua trang facebook, zalo, các trang mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đài, báo trung ương, địa phương chuyển tải thông tin về các ngành nghề mà nhà trường đang đào tạo đến với phụ huynh và các em học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tạo hiệu ứng truyền thông từ chính các doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên thực tập và làm việc ngay sau tốt nghiệp, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, tuyển sinh của nhà trường.
Sinh viên học sửa chữa một số thiết bị ô tô hiện đại
Ông Nguyễn Quang Tiến, đại diện Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ trao đổi: Mỗi khóa đào tạo nghề Công nghệ ô tô có khoảng 6 đợt sinh viên xuống thực tập tại Trung tâm hoặc các doanh nghiệp khác. Quá trình đào tạo, nhân viên tại gara sẽ hướng dẫn các em làm quen với thực tế sản xuất và nâng cao tay nghề. Trung tâm và doanh nghiệp kết hợp với nhà trường rà soát, điều chỉnh giáo trình cho phù hợp với thực tế. Với những kiến thức được học tại trường, các sinh viên nắm bắt khá nhanh kỹ năng, công nghệ ô tô tại xưởng sản xuất. Ngay sau khi ra trường, hầu hết các em đều có thể tự tin bắt tay ngay vào công việc.

Chí Tâm

TAG: trường cao đẳng Cơ Khí nông Nghiệp nghề công nghệ ô tô nghề hót Giáo dục nghề nghiệp
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công