Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Ngày Quốc tế Lao động (1/5) nói về vai trò của tổ chức công đoàn
03:38 PM 01/05/2021
(LĐXH)- “Nếu công đoàn có thể đại diện cho tiếng nói của người lao động tốt hơn, đàm phán tiền lương tốt hơn thì có thể góp phần tạo ra một thị trường nội địa lớn hơn và sự phát triển kinh tế cân bằng hơn…”.
Đây là chia sẻ của ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhân Ngày Quốc tế Lao động (1/5) khi nói về vai trò của Công đoàn Việt Nam.
Cụ thể, ở thời điểm trước năm 2013, mức lương tối thiểu chỉ do phía Chính phủ xác lập, mà không có sự tham gia thực chất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, từ năm 2013, với việc Hội đồng Tiền lương Quốc gia được thành lập, mức lương tối thiểu được xác lập thông qua tham vấn và đôi khi là cả thương lượng giữa ba bên: Bộ Lao động - TBXH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện cho tiếng nói của người lao động), VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp khác đại diện cho doanh nghiệp.
Tại các phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn đề nghị Chính phủ và các bên khác phải hướng tới cải thiện cuộc sống của người lao động và gia đình họ khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Họ luôn đại diện cho tiếng nói của người lao động trong tiến trình điều mức chỉnh lương tối thiểu.
Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam
Giám đốc Chang-Hee Lee, nhận định: Chính sách tiền lương là lĩnh vực mà Công đoàn Việt Nam thực hiện rất tốt nhiệm vụ đại diện cho quyền lợi của người lao động trong quá trình điều chỉnh mức lương tối thiểu. thương lượng tập thể về tiền lương tại cấp cơ sở cũng đã có những tiến bộ so với 10 năm trước đây. Nếu nhìn vào thỏa ước lao động tập thể khoảng 10 - 20 năm trước, đó chỉ đơn thuần là việc ký kết các thỏa thuận mà không có thương lượng thực chất giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Nhưng giờ đây, đã có thể thấy quá trình thương lượng thực sự giữa hai bên, dù không phải ở tất cả nhưng đã diễn ra ở khá nhiều doanh nghiệp.
Chang-Hee Lee cho rằng, những thách thức và sứ mệnh của công đoàn có thể thay đổi theo thời gian. Nhưng sứ mệnh chủ chốt của công đoàn, dù ở quốc gia nào, thì không bao giờ thay đổi. Đó là bảo vệ và đại diện cho quyền lợi của người lao động và gia đình họ. Chỉ khi công đoàn đại diện cho tiếng nói của người lao động một cách hiệu quả, hợp tác chặt chẽ với chủ sử dụng lao động và Chính phủ, lúc đó công đoàn mới có thể thực sự đóng góp cho sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế.
Đề cập đến Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương, Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee nhận định, đây là văn bản quan trọng đóng vai trò hướng dẫn các bên tham gia vào quan hệ lao động trong việc quyết định tiền lương và các điều kiện lao động khác.
Theo đó, Nghị quyết 27-NQ/TW đã nêu rõ, Nhà nước không tham gia vào quá trình xác lập tiền lương ở cấp doanh nghiệp. Nghị quyết cũng ghi nhận vai trò quan trọng của lương tối thiểu, đồng thời nêu rõ hạn chế của lương tối thiểu là chỉ để bảo vệ những người lao động dễ bị tổn thương nhất trên thị trường lao động.
Không thể dùng lương tối thiểu để quyết định tiền lương thực tế của mọi người lao động. Nghị quyết khuyến khích công đoàn và chủ sử dụng lao động xác lập tiền lương thực tế thông qua thương lượng tập thể.
Giám đốc Chang-Hee Lee, khẳng định: Nghị quyết 27-NQ/TW đưa ra hướng dẫn rõ ràng về phương thức xác lập, điều chỉnh tiền lương và hoàn toàn tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO. Tuy nhiên, Nghị quyết vẫn chưa được áp dụng trên thực tế tại phần lớn các doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể có thể bao gồm những lợi ích ít quan trọng hơn như tiền ăn trưa hay tháng lương thứ 13, nhưng thường không đề cập đến tiền lương tháng.
Trong khi đó, ở nhiều quốc gia khác, tiền lương là điều khoản quan trọng nhất trong thương lượng tập thể, là kết quả của thương lượng tập thể. Tiền lương có vai trò quan trọng không chỉ giúp cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện sống của người lao động và gia đình họ, mà còn giúp chia sẻ phồn thịnh trong toàn xã hội và nền kinh tế.
“Khi tiền lương được xác lập thông qua thương lượng tập thể, người lao động có thể dành được phần phân chia lớn hơn từ việc tăng năng suất lao động của công ty, nhờ có được năng lực thương lượng mạnh hơn, so với trường hợp tiền lương không được xác lập thông qua thương lượng tập thể. Điều này đảm bảo sự phân chia công bằng hơn về thành quả kinh tế giữa chủ sử dụng lao động và người lao động” - Giám đốc Chang-Hee Lee, chia sẻ. 
Cũng theo Giám đốc Chang-Hee Lee: Tại doanh nghiệp, phần lớn thời gian, công đoàn phối hợp chặt chẽ với chủ sử dụng lao động. Nhưng có lúc công đoàn cần đấu tranh với chủ sử dụng lao động để bảo vệ và thúc đẩy quyền và lợi ích của người lao động. Đó chính là lúc công đoàn thể hiện giá trị của mình. Nhưng đây không phải là một việc dễ dàng.
Ở Việt Nam có hai tình huống. Thứ nhất, các lãnh đạo công đoàn dũng cảm có thể bị điều chuyển đi nơi khác hoặc không được gia hạn hợp đồng. Điều này được gọi là các hành vi không công bằng trong lao động. Tình huống thứ hai là lãnh đạo công đoàn cơ sở lại chính là quản lý nhân sự hoặc quản lý cấp cao của doanh nghiệp. Như vậy, họ thuộc về phía chủ sử dụng lao động, nên nhiều lúc khó có thể lên tiếng vì người lao động.
Giám đốc Chang-Hee Lee, cho rằng: Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/ 2021 có những điểm cải tiến quan trọng liên quan đến vấn đề này. Bộ Luật đưa ra những điều khoản chặt chẽ hơn nhằm phòng chống các hành vi không công bằng trong lao động. Ngoài ra, Bộ Luật không cho phép nhân sự quản lý cấp cao tham gia tổ chức công đoàn (hoặc tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, như đã đề cập trong Bộ Luật Lao động 2019) và cần có sự tách biệt giữa công đoàn và ban quản lý doanh nghiệp. Tôi hy vọng rằng công đoàn sẽ có thể áp dụng hiệu quả những điều khoản pháp lý này để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động…

Chí Tâm

TAG: Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam GIám đốc Chang-Hee Lee Chia sẻ Vai trò tổ chức Công đoàn lao động bao
Tin khác
Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5
TP.HCM: Hơn 2.600 lượt công nhân được vay vốn lãi suất ưu đãi từ CEP
Nghệ An: Chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động
TP.HCM: Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tuyển hơn 1.500 vị trí việc làm
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần