An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Nâng cao chất lượng truyền thông trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về CTXH
09:19 AM 21/09/2018
(LĐXH)-Từ ngày 20-21/9 tại Hòa Bình, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH) tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng truyền thông trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về công tác xã hội.
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Trọng Đàm – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam; TS.Trần Ngọc Diễn, Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; TS.Tô Đức, Phó  cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Người Làm Báo.
Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo các trường, trung tâm, Sở LĐTB&XH cùng hơn 100 phóng viên tới từ hơn 40 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
TS.Trần Ngọc Diễn (giữa), TS.Tô Đức và PGS.TS Nguyễn Thành Lợi chủ trì Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội khẳng định: Trong những năm qua, triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 (Đề án 32), công tác truyền thông về nghề CTXH đã được đẩy mạnh với vai trò nổi bật của các cơ quan báo chí.
Báo chí đã trở thành một kênh thông tin không chỉ tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công đồng xã hội về vai trò, tầm quan trọng của nghề CTXH với sự phát triển xã hội hiện nay, mà còn là kênh phản hồi những đề xuất, kiến nghị, nêu ra những bất cập của đề án để các ban ngành chức năng kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
Thông qua báo chí, không chỉ các cấp, ngành, địa phương, mà bản thân người dân và những người thụ hưởng hiểu hơn về nghề CTXH, cũng như việc trợ giúp người yếu thế dựa vào cộng đồng.
Đến nay, rất nhiều cơ quan báo chí đã tuyên truyền về nghề CTXH một cách thường xuyên, liên tục;  nhiều báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình đã thành lập chuyên mục riêng về lĩnh vực này, trong đó, đã đặc biệt chú trọng đến tuyên truyền nhằm làm rõ các nguyên tắc của công tác xã hội, góp phần thúc đẩy hình thành, phát triển nguồn vốn xã hội để phát triển lĩnh vực CTXH và tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước về CTXH.
Rất nhiều tỉnh, thành đã thành lập và vận hành mô hình trung tâm công tác xã hội, xây dựng website nghề công tác xã hội nhằm chuyển tải trực tiếp các thông điệp cũng như tiếp cận trực tiếp với các đối tượng cần trợ giúp. Nhiều cơ quan, cơ sở y tế, trung tâm bảo trợ xã hội đã xây dựng tổng đài tư vấn để trực tiếp với các đối tượng này.
TS.Trần Ngọc Diễn phát biểu khai mạc Hội thảo
Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, nghề CTXH đã được nhiều người biết tới, nhiều đối tượng yếu thế có thể trực tiếp tiếp cận với các chuyên gia để được tư vấn, giúp đỡ; nhiều cơ sở đào tạo đại học và sau đại học chiêu sinh ngành CTXH với hàng ngàn người theo học. Đến nay, công tác xã hội đã thực sự trở thành một nghề chuyên nghiệp, có người cung cấp dịch vụ và người thụ hưởng dịch vụ.
TS. Trần Ngọc Diễn nhấn mạnh, mặc dù Đề án 32 về phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam đã đi vào cuộc sống được hơn 8 năm nay, nhưng khuôn khổ pháp lý cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về CTXH và thực hành nghề CTXH vẫn chưa hoàn chỉnh và chưa đồng bộ. Các văn bản pháp luật quy định về CTXH có giá trị tương đối thấp, chủ yếu là thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan, chưa có văn bản có hiệu lực pháp lý cao ở tầm Luật do Quốc hội thông qua để quy định các vấn đề cơ bản về hoạt động CTXH, viên chức CTXH và quản lý nhà nước về CTXH…, gây khó khăn cho việc lồng ghép, đưa các quy định cụ thể về CTXH vào các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành cũng như tổ chức triển khai trong thực tiễn.
Chính vì vậy, để phát triển CTXH thành một nghề chuyên nghiệp ở Việt Nam, việc xây dựng và ban hành luật về CTXH là rất cần thiết nhằm xác định cụ thể nhiệm vụ và trách nhiệm của cán bộ, nhân viên CTXH trong từng lĩnh vực cụ thể; xác định vai trò và nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên CTXH cùng với các nghề khác và để xác định nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan cung cấp dịch vụ CTXH.

Để Luật CTXH được xây dựng có chất lượng cao nhất, phù hợp với mục tiêu và mong muốn của các nhà soạn thảo, có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền ngay trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật là rất quan trọng. Đây chính là một phần của công tác truyền thông chính sách,  là quá trình chia sẻ, tương tác, vận động xã hội để thông tin về các chính sách trong dự thảo Luật đến được với đông đảo các nhà quản lý, tổ chức thực hiện, các cơ sở cung cấp dịch vụ và các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo các nội dung về CTXH được minh bạch và đến với tất cả các đối tượng liên quan, qua đó tăng cường sự hiểu biết, tạo sự đồng thuận xã hội ngay trong giai đoạn xây dựng, hoạch định dự thảo Luật.
Sự tham gia của truyền thông một mặt đảm bảo cho sự thành công của việc xây dựng Luật, mặt khác cũng giúp cho Dự thảo luật ngày một được hoàn thiện hơn. Trong quá trình này, báo chí giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, kiến thức, tạo diễn dàn chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm cho công chúng; thông qua đó, góp phần mở mang hiểu biết và thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh thái độ và hành vi xã hội về những vấn đề mà văn bản pháp lý về công tác xã hội đặt ra; từ đó lấy ý kiến, tổ chức phản biện xã hội, góp phần hoàn thiện các chính sách và khuôn khổ pháp lý về CTXH.
Vai trò phản biện của báo chí nhằm bảo đảm cho chính sách được thiết kế mang lại lợi ích tốt nhất cho các đối tượng liên quan. Báo chí là phương tiện và phương thức kết nối xã hội, là kênh khơi nguồn, truyền dẫn và kết nối sức mạnh từ các thiết chế xã hội, từ  đội ngũ những trí thức, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội, các tổ chức và công dân, tạo thành diễn đàn phản biện chính sách, tạo sự đồng thuận xã hội.
Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm thông tin với báo chí tại Hội thảo
** Phát biểu tại Hội thảo, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Đến nay, ngành LĐTB&XH đã hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ CTXH. CTXH là vì con người, phục vụ con người. Đội ngũ cán bộ làm CTXH đã giải quyết rất tốt, kịp thời, hiệu quả các vấn đề xã hội.
“Hội thảo làn này cung cấp cho phóng viên những quan điểm, cách tiếp cận về vấn đề này. Muốn cho CTXH trở thành nghề đặt ngang hàng các nghề khác trong cuộc sống thì cần phải có khuôn khổ pháp lý, cần nâng lên thành luật. Người cần dịch vụ chủ yếu là người yếu thế nên CTXH không thể thoát ly vai trò của nhà nước. Đồng thời phải có đội ngũ làm nghề CTXH được đào tạo chuyên nghiệp, đào tạo chuyên sâu” – nguyên Thứ trưởng nói.
Ông Chu Quang Cường - nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ LĐTB&XH phát biểu tại Hội thảo
** Nhấn mạnh vai trò của công tác xã hội, TS. Tô Đức, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết: Công tác xã hội thúc đẩy sự phát triển xã hội, giải quyết các vấn đề trong các mối quan hệ, tạo khả năng và giải phóng con người nhằm thúc đẩy phúc lợi. Sử dụng các học thuyết về hành vi con người và các hệ thống xã hội, công tác xã hội can thiệp vào những thời điểm khi con người tương tác với các môi trường của mình. Nhân quyền và công lý trong xã hội là những nguyên tắc nền tảng của công tác xã hội.
CTXH bao gồm các lĩnh vực: Lĩnh vực phúc lợi xã hội: Phát hiện, can thiệp, và phòng ngừa rối nhiễu tâm lý, tình cảm và hành vi của cá nhân; Tham vấn, tư vấn hướng dẫn cá nhân, gia đình, nhóm xác định vấn đề, và hỗ trợ giải quyết; Nhận biết, đánh giá các vấn đề về xâm hại, bạo hành trẻ em, thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em; Quản lý trường hợp; Nâng cao nhận thức và năng lực của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng để phòng ngừa các vấn đề xã hội; Vận động nguồn lực để tăng cường dịch vụ hỗ trợ cho người yếu thế;  Tham gia thực hiện luật pháp, chính sách, chương trình và cung cấp dịch vụ CTXH tại địa phương; Thực hiện nghiên cứu các vấn đề xã hội và đưa ra đề xuất cải thiện chính sách xã hội.
Lĩnh vực y tế: Tham gia chẩn đoán điều trị, đánh giá nhu cầu, xây dựng kế hoạch, và thực hiện các can thiệp; Giúp người bệnh tiếp cận công bằng đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; Thực hiện tham vấn, tư vấn, hỗ trợ tâm lý; Tham gia thu thập chứng cứ, biện hộ và bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân bị xâm hại, bạo hành; Quản lý trường hợp; Hỗ trợ người bệnh phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng; Tham gia giáo dục cộng đồng về phòng ngừa bệnh và chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.
Lĩnh vực giáo dục: Đánh giá nhu cầu của học sinh, đặc biệt liên quan đến tâm lý xã hội và hành vi; Cung cấp dịch vụ hỗ trợ (cá nhân, nhóm) và chuyển gửi; Kết nối nhà trường, gia đình và cộng đồng; Giáo dục kỹ năng sống và thực hành kỷ luật tích cực; Thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.
Lĩnh vực Tư pháp: Chăm sóc và hỗ trợ nạn nhân của tội phạm và gia đình khi tham gia tố tụng; Hỗ trợ tâm lý-xã hội và phục hồi cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật; những người được xử lý chuyển hướng; Hỗ trợ các đối tượng thực hiện các biện pháp cải tạo tại cộng đồng; những người trong trại giam; Hỗ trợ các nạn nhân và nhân chứng tham gia vào hệ thống tư pháp.

TS. Tô Đức trình bày tham luận
TS. Tô Đức cũng cung cấp thông tin về kinh nghiệm quốc tế trong quy định luật pháp về công tác xã hội. Đồng thời khuyến nghị xây dựng Luật Công tác xã hội tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh nội dung luật cần tập trung: Về tên gọi: có nhiều phương án khác nhau, có thể tên gọi là Luật Công tác xã hội, Luật thực hành công tác xã hội, Luật nghề công tác xã hội, Luật tác nghiệp công tác xã hội…. Tùy theo phạm vi điều chỉnh, nội dung của Luật mà lựa chọn tên gọi phù hợp.
Đối tượng điều chỉnh: Áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động công tác xã hội làm việc trong các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các lĩnh vực liên quan khác.
Phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định quyền và nghĩa vụ của đối tượng sử dụng dịch vụ công tác xã hội; người hành nghề công tác xã hội và cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; điều kiện đối với người hành nghề công tác xã hội và cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; quy trình, tiêu chuẩn lĩnh vực và các điều kiện bảo đảm cung cấp dịch vụ công tác xã hội; quản lý nhà nước về công tác xã hội.
Quy định Quyền và nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội. Quy định Quyền và nghĩa vụ của đối tượng sử dụng dịch vụ công tác xã hội. Quy định Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam; Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Quy định Điều kiện cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề.. Đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề công tác xã hội; Phạm vi bài kiểm tra cấp chứng chỉ hành nghề công tác xã hội; Tổ chức kiểm tra hành nghề công tác xã hội. Quy định về cấp chứng chỉ hành nghề công tác xã hội. Thẩm quyền cấp, cấp lại và thu hồi Chứng chỉ hành nghề. Quy định cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, gồm: Đối tượng phục vụ, các loại hình cơ sở CCDVCTXH; Điều kiện, thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Ông Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ kinh nghiệm quốc tế
** Thông tin về một số kinh nghiệm quốc tế về xây dựng khung pháp lý CTXH, ông Nguyễn Ngọc Anh, chuyên gia tới từ Unicef Việt Nam cho biết: Ở tất cả những quốc gia, nghề công tác xã hội được chuyên nghiệp hóa, đều bao gồm những yếu tố chính như: Hệ thống pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ xã hội; Hệ thống giáo dục và đào tạo; Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và thang bảng lương; Hệ thống dịch vụ CTXH; Hiệp hội nghề và hiệp hội giáo dục đào tạo công tác xã hội. Bên cạnh đó, một số quốc gia còn xây dựng: Tiêu chuẩn nghề công tác xã hội; Đạo đức nghề công tác xã hội.
Công tác xã hội trên thế giới đều dựa trên một số định nghĩa giống nhau, mục tiêu cơ bản và những giá trị chung. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có hướng tiếp cận của riêng mình, hướng tiếp cận này phản ánh trình độ và giai đoạn phát triển của quốc gia và văn hóa của quốc gia đó. Ví dụ, Mỹ, Úc và các nước Bắc Âu thì nhấn mạnh sự tương tác với cá nhân trong điều kiện một hệ thống phúc lợi xã hội đã phát triển ở trình độ cao. Ở các quốc gia khác, ví dự như Philippines, Papua New Guinea, các quốc gia Đông và Nam Phi thì trọng tâm là sự phát triển xã hội.
Theo một số nghiên cứu về các loại luật pháp của một số quốc gia trên thế giới cho thấy có hai loại luật: Luật liên quan tới nghề công tác xã hội; Luật quy định các hoạt động công tác xã hội trong những trường hợp cụ thể. Ở một số nước, có cả hai loại luật này, và một số nước khác chỉ thực hiện luật thứ hai. Cả hai loại luật này, bao gồm các văn bản pháp luật như nghị định, quy định... được hình thành dựa trên nền tảng các luật quốc tế, các tuyên bố và công ước của Liên Hợp Quốc và Hiến pháp quốc gia.
Ông Ngọc Anh khẳng định, những kinh nghiệm quốc tế cho thấy, công tác xã hội được đề cập tới trong luật pháp theo một số hình thức khác nhau. Ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có luật về nghề công tác xã hội (ví dụ như sắc lệnh về công tác xã hội của Hồng Kông…), các luật và công cụ pháp lý khác đều dựa trên các luật chính. Bằng cách đó, có thể sửa đổi hoặc bổ sung các luật chính để đưa vấn đề công tác xã hội vào luật chính mà không cần soạn thảo lại hoàn toàn và các luật về nghề công tác xã hội có thể được xem như khuôn khổ cho mọi hoạt động lập pháp có liên quan.
Những kinh nghiệm quốc tế trên đây là cơ sở giúp cho việc rà soát các văn bản pháp luật của Việt Nam. Vì cho tới nay, Việt Nam mới ban hành một số văn bản pháp luật ở cấp quyết định/ thông tư về nghề công tác xã hội. Do đó, cần rà soát tìm ra những khoảng trống, thiếu hụt trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản pháp luật mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thời gian tới nhằm hỗ trợ quá trình phát triển nghề công tác xã hội trong các lĩnh vực mà xã hội có nhu cầu.

** Thông tin về kết quả triển khai Đề án 32 ở Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội cho biết: Tính đến hết tháng 8/2018, Trung tâm CTXH thành phố đã tiếp nhận thông tin và hỗ trợ 232 trường hợp cần sự bảo vệ khẩn cấp, gồm 234 đối tượng, trong đó đối tượng là người già bị lạc đường 44 trường hợp, trẻ em bị bỏ rơi 46 trường hợp, trẻ em bị lạc đường 31 trường hợp. Người lang thang có biểu hiện rối loạn nhận thức, hành vi 23 trường hợp, còn lại là đối tượng trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, nạn nhân của bạo lực gia đình... Trung tâm đã hoàn tất thủ tục hồ sơ cho 72 đối tượng tái hòa nhập cộng đồng, 62 đối tượng có quyết định nuôi dưỡng dài hạn tại các Trung tâm  Bảo trợ xã hội thuộc Sở.

Ông Nguyễn Tiến Trung

Trung tâm đã tiếp nhận, quản lý 1.316 trường hợp với 1.357 đối tượng, thực hiện tư vấn tham vấn 8307 lượt, trong đó gồm có các đối tượng trẻ em, người khuyết tật, nạn nhân bị bạo lực gia đình. Trong đó, đối tượng được trợ giúp nhiều nhất là trẻ em với số lượng là 890 trường hợp, chiếm tỷ lệ 67,6%.  Tiếp nhận, quản lý 87 trường hợp người khuyết tật, tư vấn về thủ tục chính sách, tư vấn tâm lý, quản lý 07 trường hợp có nguyện vọng được hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe, y tế, phục hồi chức năng, lắp chân giả, việc làm, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ phương tiện đi lại... Năm 2017 thực hiện tư vấn, quản lý 20 trường hợp người khuyết tật vận động về các nội dung chính sách, việc làm, nhà ở....

Năm 2018 Trung tâm tiếp tục theo dõi, tư vấn cho các trường hợp chuyển sang từ năm 2017. Đã tư vấn, tham vấn cho 108 trường hợp nạn nhân bị bạo lực gia đình, trong đó có 80 trường hợp nạn nhân là trẻ em, ngoài ra là đối tượng phụ nữ, người cao tuổi.

Từ năm 2018-2020, Trung tâm đã được Vụ bình đẳng giới (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) chọn thực hiện thí điểm: Mô hình cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó đối với bạo lực trên cơ sở giới. Trong tháng 8, Trung tâm đã triển khai hoạt động tập huấn kiến thức, kỹ năng về bạo lực trên cơ sở giới cho cán bộ Trung tâm. Tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn, nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng,  bổ sung kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho trẻ em, tư vấn, tham vấn cho nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới...

Lãnh đạo Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội kiến nghị: Trong thời gian triển khai thực hiện Quyết định 32, nhân viên CTXH chưa có điều kiện thực hiện đầy đủ  các  nhiệm vụ theo chức năng của nghề CTXH, vì các văn bản quy phạm pháp luật về CTXH  hiện nay mới chỉ là các văn bản dưới luật, có giá trị pháp lý tương đối thấp, do đó vai trò, vị trí của nhân viên CTXH chưa được quy định trong Luật CTXH. Đây là sự  bất cập cần được “thay đổi” cho phù hợp với  xu thế hội nhập quốc tế.

Hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng Dự thảo Luật công tác xã hội gồm 8 chương và 92 điều, trên cơ sở  tiếp thu kinh nghiệm của các nước đã có Luật Công tác xã hội như: Anh, Hồng Kong, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thụy Điển, Canada, Mỹ…, đồng thời tổ chức các Hội thảo báo cáo đánh giá tác động Luật CTXH, tiếp thu các khuyến nghị của các chuyên gia trong nước và quốc tế để hoàn thiện dự thảo Luật trình các cơ quan chức năng thẩm định, cho ý kiến, hoàn thiện.

** Ông Nguyễn Trung Chính, Q/ Tổng biên tập Báo LĐXH chia sẻ: Trong một xã hội bùng nổ thông tin hiện nay, những kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh truyền thông về CTXH trên báo Lao động và Xã hội sẽ góp phần tạo được sự hấp dẫn, tuy nhiên đây là một lĩnh vực khó và khô khan, nên ngoài kỹ năng chuyên môn, cần có kiến thức, hiểu lĩnh vực ngành thì thông tin đến với người dân mới hấp dẫn và lan tỏa. Truyền thông về thực thi nhiệm vụ của Ngành chỉ đạt yêu cầu khi thông tin mang cả hơi thở đời sống xã hội.

Ông Nguyễn Trung Chính chia sẻ kinh nghiệm của Báo Lao động - xã hội

Công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức từng bước đưa CTXH thành một nghề chuyên nghiệp ở Việt Nam trên báo LĐXH đã đạt được những kết quả tích cực, không chỉ là một kênh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vai trò, tầm quan trọng của nghề CTXH với sự phát triển xã hội mà còn là cầu nối đưa chính sách, chế độ mới đi vào cuộc sống.

Báo LĐXH luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, đa dạng hóa cách làm thông tin, thông tin tuyên truyền có chất lượng cao, thúc đẩy sự chú ý quan tâm trong toàn xã hội; Tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về công tác truyền thông nghề CTXH đối với các nhà báo, phóng viên được phân công theo dõi mảng.

Báo LĐXH cũng đã thành lập chuyên mục riêng về lĩnh vực này, trong đó, đặc biệt chú trọng đến tuyên truyền nhằm làm rõ các nguyên tắc của công tác xã hội, góp phần thúc đẩy hình thành, phát triển nguồn vốn xã hội để phát triển lĩnh vực CTXH và góp phần thực hiện vai trò quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực CTXH. Thông qua những bài báo, không chỉ các cấp, ngành, địa phương, mà bản thân người dân và những người thụ hưởng hiểu hơn về nghề CTXH, cũng như việc trợ giúp người yếu thế dựa vào cộng đồng.

Ông Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh: Chúng ta ngày nay sống trong thế giới của thông tin và sự kiện, ở đó chưa bao giờ truyền thông lại phong phú về cả loại hình, nội dung lẫn phương thức tiếp cận. Các phương tiện thông tin bao quanh, phủ sóng hàng ngày: Báo chí, sách, truyền thanh, các kênh truyền hình với nhiều chương trình, đủ để thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận và chia sẻ thông tin của mọi đối tượng.

Công tác truyền thông phải cuốn theo sự phát triển của xã hội thông tin, không phải đeo bám mà tận tụy, chu đáo chăm sóc đối tượng, mang đến những thông tin hữu ích và thiết thực cho họ, phải tiếp cận nhanh những phương thức mới, hiện đại mà phản ánh. Truyền thông về lĩnh vực lao động xã hội là chia sẻ, vun đắp, tạo sự đồng thuận xã hội với mục tiêu xã hội ổn định và phát triển bền vững. Các hoạt động của đời sống xã hội khi có truyền thông tham gia, đều phát huy hiệu quả, dễ đạt mục tiêu".

** Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi chia sẻ: CTXH có tác động rất lớn tới xã hội Việt Nam ngày nay, giúp hòa nhập quốc tế. Tuy nhiên, CTXH chưa được rõ ràng, do đó cần tăng cường đối thoại hơn nữa để làm sao xây dựng được Luật CTXH. Truyền thông cần làm thay đổi nhận thức, đi tiên phong, tạo dư luận và định hướng xã hội.

Dưới góc độ truyền thông báo chí, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan báo chí. Báo chí có vai trò giám sát, phản biện xã hội, với mục đích để luật được đi vào cuộc sống, không vướng mắc trong cuộc sống. Do đó việc phản ánh, giám sát, đưa tin của báo chí là rất quan trọng, trong đó có lĩnh vực CTXH.

Tuy nhiên, báo chí vẫn còn thiếu những bài chuyên sâu, chưa có ý kiến chuyên gia, làm rõ những vướng mắc trong xây dựng Luật CTXH. PGS.TS Nguyễn Thành Lợi gợi mở với báo chí: Cần phải xác định rõ người làm CTXH có nghĩa vụ gì? Làm thế nào để phát triển được đội ngũ làm CTXH?...

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi đề xuất: Các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động cung cấp thông tin và tăng cường đối thoại; tăng cường gặp gỡ báo chí. Đối với cơ quan báo chí, cần phải có chiến lược truyền thông dài hơi, cần có chuyên trang về vấn đề này; cần xác định rõ xây dựng mô hình truyền thông chính sách, vận động xã hội sao dễ nhớ, dễ hiểu. Đối với nhà báo, cần tham gia tích cực các cuộc hội thảo chuyên đề. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phát huy lợi thế của truyền thông xã hội để lan tỏa thông tin.

** Theo TS. Bùi Tôn Hiến - Hiệu trưởng Trường ĐTBDCBCC Lao động - Xã hội, sau 7 năm thực hiện triển khai, Đề án 32 như một cú hích quan trọng cho phát triển nghề CTXH. Theo đánh giá chung, ba hướng phát triển đã và đang đạt được những thành quả quan trọng hình thành và phát triển đội ngũ cán bộ CTXH các cấp, đó là:

Thứ nhất, theo mục tiêu đặt ra là đào tạo đội ngũ cán bộ CTXH có trình độ cao với hơn 40 cơ sở đào tạo có đào tạo trình độ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ với hơn 15.000 cử nhân cao đẳng và đại học, tuyển sinh hàng năm 2500 người/năm. Các hệ đào tạo cũng phong phú song hành cả chính qui và đào tạo hệ vừa làm vừa học.

Thứ hai, Đề án đã thúc đẩy hình thành trên 30 trung tâm CTXH nâng tổng số các cơ sở liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH trên toàn quốc đạt 432 cơ sở. Tổng số cán bộ, nhân viên CTXH làm việc tại các cơ sở này và mạng lưới CTXH tại cấp xã là 35.000 người.

Thứ ba, trong chương trình đề án, mục tiêu xây dựng các khung khổ luật pháp và các qui định liên quan đến phát triển nghề CTXH, để chuẩn hoá đội ngũ CTXH, ngày 19/8/2015 liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 30/2015/BLĐTBXH-BNV Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CTXH, với 3 chức danh: CTXH viên chính (hạng II, mã số: V.09.04.01), CTXH viên (hạng III, mã số: V.09.04.02) và nhân viên CTXH (hạng IV, mã số: V.09.04.03). Hiện nay, Bộ LĐTBXH cũng đang trong quá trình xây dựng luật CTXH, giúp hình thành khung khổ luật pháp phát triển CTXH một cách bài bản, chuyên nghiệp ở Việt Nam.

TS. Bùi Tôn Hiến đề xuất một số giải pháp chuẩn hoá đào tạo, bồi dưỡng nhân viên CTXH: Thứ nhất, về khuôn khổ luật pháp, cần thúc đẩy sớm việc xây dựng và ban hành Luật CTXH, trong đó qui định rõ nghề CTXH chuyên nghiệp, qui định cụ thể yêu cầu về đầu tư, phát triển chuẩn hoá hoạt động đào tạo nghề CTXH; một số hoạt động, người làm nghề CTXH cần được qui định cụ thể yêu cầu có các chứng chỉ hành nghề rõ ràng. Tiếp tục triển khai thể chế hoá bằng các qui định của Nhà nước về các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp chuẩn hoá đội ngũ nhân viên CTXH (Ví dụ như Thông tư 07/2013/TT-BLĐTBXH; Thông tư số 30/2015/BLĐTBXH-BNV) giúp phát triển đội ngũ khi kết thúc Đề án 32.

Phóng viên tham gia Hội thảo trao đổi những vấn đề liên quan

Thứ hai, về việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ CTXH thường xuyên, liên tục, theo mục tiêu Đề án 32, phát triển đội ngũ viên chức chuyên ngành CTXH, phấn đấu tới năm 2020 khoảng 50% số cán bộ, nhân viên CTXH đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp được xếp ngạch viên chức nghề nghiệp chuyên ngành CTXH; 100% viên chức và cộng tác viên CTXH được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ CTXH.


Nhóm PV
TAG: nghề công tác xã hội đề án 32
Tin khác
Quảng Ninh: Chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Bắc Kạn: Tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Nghệ An trách nhiệm nghĩa tình với người có công
Thái Nguyên: Thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng
Bình Định: Thực hiện kịp thời, đồng bộ chính sách trợ giúp xã hội
Cảm phục những tấm gương thương, bệnh binh làm kinh tế giỏi ở huyện Yên Thế
Bình Định: Đẩy mạnh giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Hải Dương: Triển khai đồng bộ chính sách lao động, người có công và xã hội
Quảng Nam: Tập trung thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng