Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Nam Định tăng cường hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn
11:01 AM 05/11/2018
Triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020”, tính riêng 05 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức trên 1.000 lớp dạy nghề cho 30.883 lao động, trong đó trên 15.000 lao động học nghề nông, còn lại gần 16.500 lao động học nghề phi nông nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 44 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với quy mô đào tạo 30.200 học viên/năm, ở 3 cấp trình độ: cao đẳng nghề, trung, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng. Các cơ sở chuyển từ đào tạo nghề cho người lao động theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu của người học nghề và yêu cầu của thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đổi mới và phát triển đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, chương trình giảng dạy phù hợp với từng nhóm đối tượng với phương châm “cầm tay chỉ việc”.

Qua các hội giảng giáo dục nghề nghiệp sẽ góp phần phát hiện những nhân tố tích cực, các phương pháp giảng dạy tốt hơn cho học viên

Thông qua các Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, Hội thi tay nghề giỏi được tổ chức hàng năm đã góp phần cổ vũ, đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, khuyến khích nhà giáo giáo dục nghề nghiệp học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để có đủ năng lực dạy học tích hợp đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề theo năng lực thực hiện, đồng thời, phát hiện các phương pháp giảng dạy, thiết bị, đồ dùng dạy học có hiệu quả cao...

Trên cơ sở kết quả khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động đối với từng nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã xây dựng, triển khai kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề phù hợp. Địa phương cũng đã cụ thể hóa các mô hình dạy nghề thí điểm như mô hình gắn sản xuất nông nghiệp và phát triển ngành nghề thủ công. Các lớp đào tạo nghề cũng được tổ chức linh động, đưa về địa phương, cơ sở sản xuất, tạo thuận lợi cho người lao động không phải đi xa và được tăng thời gian thực hành, rèn luyện kỹ năng nghề.

Các lớp dạy nghề nông thu hút được nhiều lao động tham gia

Triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020”, tính riêng 05 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức trên 1.000 lớp dạy nghề cho 30.883 lao động, trong đó trên 15.000 lao động học nghề nông, còn lại gần 16.500 lao động học nghề phi nông nghiệp. Riêng năm 2017, toàn tỉnh có 32.378 người được đào tạo ở 3 cấp trình độ, đạt 103,8% kế hoạch năm, trong đó, đào tạo cao đẳng nghề 2.970 người; trung cấp nghề 4.300 người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng cho 24.908 lao động, trong đó dạy nghề theo Đề án 1956 cho 6.180 lao động. Các nghề đào tạo chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, sản xuất và chế biến nấm, may công nghiệp, hàn… Người dân sau khi được đào tạo thêm kiến thức, kỹ năng mới đã áp dụng vào sản xuất kinh doanh, mang lại lợi nhuận khá cao, nhờ đó, đã có nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau học nghề đã đẩy mạnh sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ người lao động sau học nghề có việc làm đúng nghề đào tạo đạt trên 80%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đã tăng từ 40% (năm 2015) đến cuối 2017 đạt 42,8% (tăng 1% so với năm 2016); đào tạo nghề ở 3 cấp trình độ 31.200 người, đạt 100% kế hoạch năm, trong đó cao đẳng nghề 2.970 người, trung cấp nghề 4.300 người, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng: 23.930 người.

Cùng với thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các huyện, thành phố đều quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp giải quyết việc làm sau học nghề như quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, hỗ trợ vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để tạo thêm việc làm cho người lao động. Đặc biệt, thông qua các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, các tổ chức hội đứng ra bảo lãnh, tín chấp cho nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới về cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản và mua vật tư trả chậm; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch an toàn đến người tiêu dùng; xây dựng mô hình kinh tế tập thể (tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp) liên kết chuỗi giá trị…

Để đạt được mục tiêu trong năm 2018 sẽ đào tạo nghề cho khoảng 33.600 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 44%, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội về việc học nghề trên cơ sở xác định học nghề là điều kiện để có việc làm, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, công tác tư vấn nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, đa dạng các hình thức đào tạo nghề cũng sẽ được các ngành chức năng, các địa phương thống nhất tổ chức thực hiện. Tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề từ khâu tổ chức đào tạo nghề đến giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho người lao động. Phối hợp với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động để mở rộng sản xuất ở vùng nông thôn, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Trần Huyền

TAG: lao động nông thôn Nam Định
Tin khác
Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5
TP.HCM: Hơn 2.600 lượt công nhân được vay vốn lãi suất ưu đãi từ CEP
Nghệ An: Chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động
TP.HCM: Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tuyển hơn 1.500 vị trí việc làm
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần