Xã hội
Trang chủ / Xã hội / Xã hội
Nam Định: Quan tâm tạo điều kiện để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
01:57 PM 16/07/2019
(LĐXH) Trong những năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song tỉnh Nam Định vẫn luôn quan tâm chú trọng công tác trợ giúp người khuyết tật (NKT), giúp họ ổn định cuộc sống và vươn lên hòa nhập với xã hội.
Theo thống kê, tỉnh Nam Định hiện có gần 35.400 NKT, chiếm 1,8% dân số, trong đó có 27.149 NKT nặng và đặc biệt nặng. Nhìn chung, đời sống của đa phần NKT trong tỉnh còn nhiều khó khăn, không thể sống tự lập mà chủ yếu dựa vào gia đình, người thân. Không ít NKT có tâm lý tự ty, mặc cảm, khó tiếp cận các cơ hội việc làm.
Thực hiện Luật NKT và Nghị định số 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT; Quyết định số 1019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 và các văn bản khác, tỉnh Nam Định đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với NKT. Trong đó phải kể đển Kế hoạch số 37/KH- UBND ngày 10/6/2013 về thực hiện Đề án trợ giúp NKT đến năm 2020 và Quyết định số 26/2013/QĐ-UBND  quy định mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng, mức hỗ trợ chi phí mai táng; mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng và mức cấp kinh phí chăm sóc NKT được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban công tác NKT tỉnh.

Trao tặng xe lăn cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh
Trong công tác dạy nghề và tạo việc làm, Nam Định đã ban hành Kế hoạch 54/KH- UBND ngày 23/6/2015 về dạy nghề ngắn hạn cho NKT; Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 20/5/2015 về quy định mức chi phí đào tạo nghề và mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho NKT học nghề theo Quyết định 1019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tỉnh đã quy định cụ thể danh mục 15 nghề (gồm 04 nghề nông nghiệp và 11 nghề phi nông nghiệp) mà NKT theo học được hỗ trợ đào tạo. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động - TBXH đã ban hành nhiều văn bản triển khai, trong đó có hướng dẫn về thực hiện xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận cho NKT; hướng dẫn về thực hiện chính sách bảo trợ xã hội cho NKT.
Hàng năm, tỉnh cũng chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai cụ thể hóa, lồng ghép công tác NKT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị mình nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của NKT. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về NKT, phổ biến các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và can thiệp kịp thời để giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích và khuyết tật do các thương tích khác gây ra; phòng chống phân biệt đối xử đối với NKT, các chính sách bảo trợ xã hội.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội NKT tỉnh Nam Định đã nỗ lực vượt khó, tổ chức nhiều hoạt động tích cực, 10/10 huyện, thành phố đều thành lập Hội NKT, phát triển được 1.551 hội viên, thành lập 1 câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật cấp tỉnh. Hội NKT tỉnh Nam Định là một trong những đối tác được tổ chức PTU/DHF Đan Mạch lựa chọn thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực và phát triển tổ chức Hội NKT cấp tỉnh tại Việt Nam” (gọi tắt là CODV). Từ năm 2014, Hội NKT tỉnh Nam Định đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác phát triển hội viên, giúp đỡ hội viên vươn lên hòa nhập cộng đồng (giai đoạn 2004-2014).
Nhiệm kỳ 2019-2024, Hội NKT tỉnh Nam Định tiếp tục xây dựng hoàn thiện quy chế hoạt động, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, kiến thức, năng lực đội ngũ cán bộ, đề ra kế hoạch hoạt động cụ thể từng năm, đẩy mạnh công tác phát triển hội viên và phát triển mạng lưới, tổ chức NKT cấp xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tổ chức khảo sát nhu cầu hội viên, cập nhật thông tin hội viên về nhu cầu trợ giúp pháp lý, nhu cầu dạy nghề, vay vốn, hỗ trợ việc làm, xe lăn và tích cực vận động chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng trụ sở làm việc cho Hội NKT tỉnh Nam Định.
Việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng cho NKT được địa phương thực hiện đúng quy định, đảm bảo kịp thời cho đối tượng, góp phần quan trọng trong việc ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho người khuyết tật. Nhìn chung, với những kết quả đạt được đã góp phần nâng cao nhận thức, quan điểm và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện chính sách đối với NKT. Đời sống vật chất, tinh thần của NKT được cải thiện đáng kể, nhiều rào cản môi trường cũng như xã hội đã và đang từng bước được dỡ bỏ, tạo cơ hội bình đẳng cho NKT tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng của mình, tự lực trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt chính sách NKT, tỉnh Nam Định đề nghị  Trung ương, Bộ, ngành tăng cường đầu tư, củng cố và phát triển mạng lưới phục hồi chức năng, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng;  Xây dựng và ban hành các chương trình khung đào tạo nghề phù hợp với khả năng của NKT. Cần tách dạy nghề cho NKT ra khỏi các chương trình dạy nghề, không nên gắn chung như một số chương trình hiện nay; Tăng cường công tác giám sát và chế tài đối với doanh nghiệp về việc không thực hiện quy định nhận NKT vào làm việc; Tăng cường giám sát các công trình xây mới và sữa chữa, bổ sung các công trình công cộng đã được xây dựng trước khi có Luật NKT đảm bảo NKT có khả năng tiếp cận sử dụng; Có các quy định yêu cầu các doanh nghiệp vận tải từng bước thay thế, đưa vào sử dụng các phương tiện vận tải thân thiện, có khả năng tiếp cận cho NKT sử dụng; Đẩy mạnh công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, chú trọng công tác phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật để từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT về mọi mặt.

Hồng Phượng
TAG: Khuyết Tật Chính Sách Hòa Nhập
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công