Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Nam Định đa dạng hóa các phương án giải quyết việc làm cho người lao động
09:59 AM 15/11/2019
(LĐXH) Trước nhu cầu việc làm ngày một tăng và ngày càng trở nên cấp thiết, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thành phố triển khai đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về các chủ trương, chế độ chính sách ưu đãi, pháp luật của Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.
Theo dự báo, đến năm 2020, dân số Nam Định từ 15 tuổi trở lên là trên 1,4 triệu người, số lượng người tham gia lực lượng lao động là gần 1,2 triệu người. Số lao động qua đào tạo là trên 800.000 người, trong đó, lao động qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp là gần 600.000 người, chiếm 50%; đào tạo mới và đào tạo lại khoảng 100.000 lao động. Trong khi đó, chỉ tiêu năm 2018 là tạo việc làm mới cho 32 nghìn lao động, cho thấy nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động trên địa bàn tỉnh đang tăng cao.
Trong công tác tuyên truyền, Sở LĐTBXH biên soạn, phát hành hàng nghìn cuốn sổ tay tuyên truyền về công tác đào tạo nghề, việc làm và xuất khẩu lao động phát cho người lao động, các doanh nghiệp và cán bộ LĐTBXH các cấp; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác việc làm, xuất khẩu lao động và dạy nghề cho đội ngũ cán bộ LĐTBXH cấp huyện, cấp xã nhằm nâng cao năng lực quản lý lao động, việc làm ở cơ sở. Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch số 27 về phát triển thị trường lao động và việc làm năm 2018, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động; tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã về công tác phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm.
Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020”, năm 2019, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo ở 3 cấp trình độ cho 29.094 người, đạt 84,3% kế hoạch năm, bao gồm: cao đẳng 224 người, trung cấp 3.189 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 25.681 người. Các nghề đào tạo chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, sản xuất và chế biến nấm, may công nghiệp… Với việc được đào tạo thêm kiến thức, kỹ năng mới để áp dụng vào sản xuất kinh doanh, người dân đã tạo ra lợi ích kinh tế khá cao, từ đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau học nghề đã đẩy mạnh sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Giải quyết việc làm thông qua đào tạo nghề là một trong những giải pháp hiệu quả của tỉnh Nam Định
Song song với việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp giải quyết việc làm sau học nghề như: quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, hỗ trợ vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, tạo thêm việc làm cho người lao động. Đặc biệt, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới về cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao chất lượng và năng suất; quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch an toàn đến người tiêu dùng; xây dựng mô hình kinh tế tập thể, liên kết chuỗi giá trị...
Đối với người lao động tìm việc làm không qua đào tạo nghề, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh luôn sẵn sàng tư vấn miễn phí, thực hiện kết nối và thu thập thông tin việc làm trống của gần 2.000 lượt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận có nhu cầu tuyển lao động; tổ chức 18 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 12 phiên giao dịch việc làm cố định vào ngày 10 hàng tháng và 6 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các trường đại học: Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định, Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định… Bên cạnh đó, Trung tâm thực hiện tư vấn tập thể cho học sinh, sinh viên các trường nghề về thông tin thị trường lao động của tỉnh; hướng dẫn 6.400 người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; tham mưu 6.208 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng; 534 quyết định tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp; 243 quyết định tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp; 169 quyết định hủy hưởng trợ cấp thất nghiệp và 6.261 người được chi trả trợ cấp thất nghiệp. Trong quý I-2019, Trung tâm thực hiện kết nối và thu thập thông tin việc làm trống của 137 lượt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận có nhu cầu tuyển lao động với 12.240 lượt việc làm trống; hàng tháng thực hiện tuyên truyền thông tin thị trường lao động, thông tin mở các phiên giao dịch việc làm. Thực hiện mở 3 phiên giao dịch việc làm cố định vào ngày 10 hàng tháng với 32 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia phiên giao dịch việc làm và 352 lượt lao động tham gia. Tư vấn, giới thiệu việc làm cho 9.852 lượt người; có 770 người đăng ký tìm việc làm và giới thiệu việc làm cho 732 người.
Người lao động luôn có cơ hội tìm kiếm việc làm trong các phiên giao dịch việc làm hoặc nhờ tư vấn tại Trung tâm việc làm tỉnh
Bên cạnh đó, công tác xuất khẩu lao động cũng luôn được lãnh đạo tỉnh Nam Định chú ý. Trong 9 tháng năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa người lao động trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Thẩm định và giới thiệu 6 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài về liên hệ với 9 huyện và thành phố để tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh, là: Công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực LOD; Công ty Cổ phần Ðào tạo và phát triển công nghệ Hà Nội; Công ty Cổ phần Liên minh tiến bộ quốc tế EK; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư VILEXIM và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hợp tác quốc tế xây lắp 3, Công ty Cổ phần Tradico Sông Ðà. Ðồng thời, đề nghị các địa phương, đơn vị cung cấp thông tin cho người lao động có nhu cầu về chương trình tuyển chọn nam thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Ðến 20-10-2019, toàn tỉnh có 1.060 người xuất khẩu lao động (đạt 82,31% kế hoạch năm, tăng 0,77% so với cùng kỳ năm 2018).
Để hoàn thành và vượt chỉ tiêu giải quyết việc làm cho người lao động năm 2019, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và của tỉnh về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là hoạt động xuất khẩu lao động. Sở LĐ-TB và XH tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động phát triển thị trường lao động. Nâng cao hiệu quả khai thác thông tin cung cầu lao động; đổi mới phương thức hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, dạy nghề. Đẩy mạnh việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao.

Ngọc Trần

 

 

TAG: Giải quyết viêc làm Nam Định dạy Nghề xuất khẩu lao động tư vấn việc làm bao
Tin khác
Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5
TP.HCM: Hơn 2.600 lượt công nhân được vay vốn lãi suất ưu đãi từ CEP
Nghệ An: Chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động
TP.HCM: Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tuyển hơn 1.500 vị trí việc làm
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần