Nghiên cứu - trao đổi
Trang chủ / Nghiên cứu - trao đổi / Nghiên cứu - trao đổi
Một số định hướng xây dựng Dự án Luật phòng, chống mại dâm
10:16 AM 28/02/2017
Trong những năm qua, công tác phòng, chống mại dâm đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, bất cập. Tệ nạn mại dâm vẫn còn diễn biến phức tạp.
Khuôn khổ pháp lý về vấn đề mại dâm của nước ta hiện nay đã bộc lộ những điểm không phù hợp với thực tiễn; những quy định hiện hành không đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; thiếu cơ sở pháp lý cho việc triển khai các giải pháp, biện pháp, phương pháp tiếp cận mới trong công tác phòng, chống mại dâm; chưa cụ thể về điều kiện đảm bảo thực hiện của các biện pháp phòng ngừa mại dâm; chưa có các chính sách, quy trình, dịch  vụ hỗ trợ phù hợp đối với người bán dâm khi họ có nhu cầu thay đổi công việc, thay đổi cuộc sống.
Từ các vấn đề trên, yêu cầu xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm là hết sức cần thiết, làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về phòng, chống mại dâm cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách về bảo trợ xã hội; đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan như phòng, chống mại dâm, phòng, chống mua bán người, phòng, chống ma túy và HIV/AIDS.
Về tên gọi của Luật, dự kiến là "LUẬT VỀ MẠI DÂM". Về phạm vi điều chỉnh của Luật, từ hoạt động nghiên cứu và khảo sát thực tiễn về công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn mại dâm trong hơn 10 năm qua, chúng tôi thấy rằng 4 vấn đề lớn hết sức quan trọng cần được Luật này điều chỉnh, cụ thể là:  Vấn đề phòng ngừa mại dâm. Đây là vấn đề then chốt, để hạn chế những tác hại của mại dâm đối với đời sống xã hội thì hạn chế sự tham gia của thanh thiếu niên vào tệ nạn này là quan trọng nhất. Luật cần cụ thể hoá các biện pháp phòng ngừa và xây dựng một cơ chế phòng ngừa trong cộng đồng, từ gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội;  Vấn đề phòng chống bạo lực giới, giảm hại và hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm. Đây là cơ sở pháp lý và một trong những nội dung hết sức quan trọng mà Luật này điều chỉnh, trong đó tập trung quy định những biện pháp, hình thức, chế độ chính sách cũng như quy trình hỗ trợ họ; Vấn đề trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mại dâm; Vấn đề quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống mại dâm.
Về các nguyên tắc phòng, chống mại dâm, Luật cần xác định rõ những nguyên tắc cơ bản của việc phòng, chống mại dâm. Việc này là rất cần thiết vì đây là những tư tưởng chính trị - pháp lý quan trọng chỉ đạo toàn bộ hoạt động phòng, chống mại dâm, đồng thời làm cơ sở cho việc quy định cụ thể các nội dung hoạt động phòng, chống mại dâm trong toàn bộ dự thảo. Vì thế, dự thảo Luật cần ghi nhận một số nguyên tắc cơ bản dựa trên 4 tiêu chí sau: Thứ nhất, lấy phòng ngừa là chính, kết hợp thông tin, giáo dục, truyền thông, tư vấn về phòng, chống mại dâm với quản lý an ninh, trật tự và kiểm soát các hoạt động dễ bị lợi dụng để mại dâm, từ đó  góp phần giải quyết cơ bản căn nguyên của hoạt động mại dâm; Thứ hai, mọi hành vi tội phạm liên quan đến mại dâm đều phải được ngăn chặn, phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời và chính xác theo quy định của pháp luật; Thứ ba, kết hợp sức mạnh của các cơ quan, tổ chức với sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống mại dâm; Thứ tư, phòng, chống mại dâm phải tôn trọng các quyền, lợi ích hợp pháp và không bị kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bán dâm. Việc quy định nguyên tắc này trong dự thảo Luật sẽ giúp họ phần nào giảm được những vấn đề về tinh thần và thể xác, đặc biệt đối với những người bị cưỡng ép bán dâm.
Luật cần xác định rõ những nguyên tắc cơ bản của việc phòng, chống mại dâm
Về chính sách của Nhà nước về phòng, chống mại dâm
Dự thảo Luật phòng, chống mại dâm cần ghi nhận các chính sách của Nhà nước về phòng, chống mại dâm mà các chính sách này trước hết cần xác định việc đấu tranh phòng, chống mại dâm là trách nhiệm chính của Nhà nước, do vậy, Nhà nước cần phải có chính sách: Bảo đảm ngân sách hàng năm cho công tác phòng, chống mại dâm; Chú trọng tới việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm công tác phòng, chống mại dâm; Khen thưởng những cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác phòng, chống mại dâm; bảo đảm chế độ, chính sách đối với những người trực tiếp tham gia phòng, chống mại dâm bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ hoặc tài sản.
Bên cạnh đó, Luật này cũng xác định chính sách huy động sự tham gia của toàn xã hội, sự đóng góp về tài chính, kỹ thuật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong phòng, chống mại dâm, hỗ trợ người bán dâm phòng, chống bạo lực giới, giảm tổn thương và cơ hội thay đổi công việc.
Về các biện pháp phòng, chống mại dâm
Thứ nhất, Luật cần có những quy định liên quan đến biện pháp phòng ngừa. Một trong những nguyên tắc cơ bản của phòng, chống mại dâm là "Lấy phòng ngừa là chính, kết hợp thông tin, giáo dục, truyền thông, tư vấn về phòng, chống mại dâm với quản lý an ninh, trật tự và kiểm soát các hoạt động dễ bị lợi dụng để tổ chức hoạt động mại dâm".
Xuất phát từ nguyên tắc này, biện pháp phòng ngừa mại dâm đầu tiên được cần xác định là "Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống phòng, chống mại dâm". Dự thảo Luật cần hướng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông vào một số đối tượng cụ thể như: phụ nữ, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và những người sinh sống tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Đặc biệt, để bảo đảm sự chủ động trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông ở cơ sở, dự thảo Luật quy định việc xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống phòng, chống mại dâm ở cơ sở; huy động sự tham gia tích cực của các đoàn thể xã hội.
Một trong những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nữa nhằm hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến mại dâm chính là tăng cường công tác quản lý về an ninh, trật tự không chỉ trong nội địa mà cả khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển. Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý về an ninh, trật tự, dự thảo Luật xác định cần phải: Theo dõi chặt chẽ nhân khẩu, hộ khẩu ở địa bàn dân cư thông qua công tác hộ tịch, hộ khẩu; tăng cường kiểm tra nhân khẩu ở địa bàn; Giám sát chặt chẽ sự biến động dân cư trên địa bàn thông qua chế độ đăng ký tạm trú, tạm vắng; Giám sát chặt chẽ các đối tượng có tiền án, tiền sự và các đối tượng có nghi vấn khác trên địa bàn. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng cần quy định phải tăng cường công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống mại dâm.
Bên cạnh đó, việc quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ nhằm phòng ngừa việc lợi dụng các hoạt động này để tổ chức mại dâm là biện pháp hết sức quan trọng. Dự thảo cần xác định quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ nhằm phòng ngừa việc lợi dụng các hoạt động này để tổ chức mại dâm, đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động này nhằm phát hiện, ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để phòng, chống mại dâm.
Để góp phần hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện của tình trạng phòng, chống mại dâm là phải phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện có hiệu quả chính sách xoá đói, giảm nghèo, chính sách việc làm,....nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Chính vì vậy, một trong những biện pháp phòng ngừa quan trọng cần được quy định trong dự thảo Luật là "Lồng ghép nội dung phòng, chống mại dâm vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Thứ hai, Luật cần đưa vào nội dụng hỗ trợ phòng chống bạo lực giới, giảm hại và hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm. Dự thảo luật cần quy định rõ các trường hợp cần áp dụng biện pháp bảo vệ nhằm đảm bảo tính thống nhất với Luật bình đẳng giới và tính đặc thù của công việc; quy định cụ thể về biện pháp bảo vệ và cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ. Đặc biệt đối với các trường hợp có cơ sở cho rằng họ là nạn nhân của tội phạm mua bán người bị ép buộc bán dâm.
Bên cạnh đó, Luật cũng cần quy định nội dung về hỗ trợ thay đổi công việc, hoà nhập cộng đồng. Việc hỗ trợ nên theo hướng đồng thời cung cấp các dịch vụ, cơ hội cho họ thay đổi công việc bán dâm. Mặt khác, nên xây dựng “cơ chế tái hòa nhập trọn gói”, trong đó bao gồm những loại dịch vụ cần có bao gồm: hỗ trợ về y tế, tham vấn/hỗ trợ tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý.
Việc xây dựng các quy định về hỗ trợ còn phải dựa trên các nguyên tắc sau: Thể chế hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ quyền con người nói chung, bảo vệ quyền của các đối tượng yếu thế trong xã hội; Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không phân biệt đối xử; Đáp ứng được về cơ bản các nhu cầu, nguyện vọng của nạn nhân; Vì lợi ích tốt nhất của nạn nhân, đặc biệt là trẻ em (bị ép buộc bán dâm); Bảo đảm sự tham gia (quan điểm, ý kiến của người được hỗ trợ phải được xem xét và được tham khảo trong từng giai đoạn của quá trình hỗ trợ); Bảo đảm sự tương đồng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho các đối tượng yếu thế khác trong xã hội như người nghèo, người tàn tật...; Bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng là một quá trình liên tục, có sự theo dõi, giám sát và hỗ trợ thường xuyên từ phía các cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng đồng, gia đình, không “bỏ lửng”; Có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia, hỗ trợ quá trình tái hoà nhập cộng đồng của người được hỗ trợ; Có tính khả thi (có đủ nguồn lực từ phía nhà nước và xã hội để thực hiện các biện pháp hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân).
Thứ ba, để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn sớm việc lợi dụng hoạt động mại dâm, dự thảo Luật cần quy định trách nhiệm của các tổ chức hoạt động trong những lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ này phải tự kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm thì phải kịp thời báo tin bằng văn bản cho cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm phát hiện tội phạm liên quan đến mại dâm và kiến nghị cơ quan điều tra xem xét, khởi tố theo quy định của pháp luật.
Dự thảo luật cũng cần quy định cụ thể về các hành vi vi phạm hành chính, chế tài xử lý liên quan đến mại dâm; đảm bảo tính thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan (y tế, văn hóa, thông tin truyền thông…). Đồng thời, xem xét, đưa ra những quy định nhằm đảm bảo tính thống nhất về phòng, chống mại dâm với Luật phòng, chống mua bán người. 
Về trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương, như chúng ta đã biết, để giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đấu tranh phòng, chống mại dâm và nhất là có cơ chế theo dõi, đánh giá tình hình mại dâm, dự kiến giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về phòng, chống mại dâm. Bên cạnh dó, dự thảo Luật quy định các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý Nhà nước về phòng, chống mại dâm. Đồng thời,  để đề cao trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tệ nạn này, quy định trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mại dâm tại địa phương.
Nguyễn Xuân Lập
Cục trưởng Cục Phòng chống, Tệ nạn Xã hội
TAG: Mại dâm phòng chống mại dâm dự án luật Cục Phòng chống tệ nạn xã hội bao
Tin khác
Xác định tư cách pháp lý chủ thể doanh nghiệp trong thực tiễn hành nghề công chứng
Quản lý nhà nước về lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế
Hội thảo 'Kinh nghiệm của các nước về phát triển kinh tế vùng biên giới đất liền và bài học cho Việt Nam'
Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại các cấp địa phương
Trách nhiệm của thanh niên khi tham gia không gian mạng
Kinh tế xanh ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức
Môi trường làm việc an toàn và lành mạnh là quyền cơ bản của người lao động
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
Xây dựng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo hướng chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới