An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Người di cư 2020 - Tiếng nói người di cư trong đại dịch COVID-19
04:49 PM 18/12/2020
(LĐXH) Hưởng ứng cùng toàn thể các Cơ quan Liên Hợp Quốc, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Việt Nam phối hợp với Tổng Cục dân số Kế hoạch hóa gia đình (GOPFP), Bộ Y tế tổ chức Lễ Mít tinh Ngày Quốc tế Người Di cư với chủ đề “Tiếng nói của Người di cư trong đại dịch COVID-19” để lắng nghe tiếng nói, những câu chuyện ý nghĩa, những trải nghiệm và mong đợi của người di cư về hành trình của họ trong đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu.
Ngày Quốc tế Người di cư được tổ chức vào ngày 18 tháng 12 hằng năm nhằm ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của người di cư trên toàn thế giới và thúc đẩy sự tôn trọng, bảo hộ các quyền cơ bản của người di cư.
Năm 2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết chọn ngày 18 tháng 12 là Ngày Quốc tế Người Di cư trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm đến sự tôn trọng, bảo vệ toàn diện và hiệu quả các quyền cơ bản của người di cư. Trước đó, vào ngày 18 tháng 12 năm 1990, Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước Quốc tế về Bảo vệ Quyền của người lao động di cư và thành viên gia đình họ. Năm 1997, các tổ chức di cư của Philippines và các nước Châu Á bắt đầu tưởng niệm ngày 18 tháng 12 như một Ngày Quốc tế Đoàn kết của người di cư.
Chủ đề Ngày Quốc tế Người di cư năm nay là “Reimagining Migration”, tạm dich là “Đình hình lại Bức tranh di cư toàn cầu”. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, một loạt các yếu tố sẽ ảnh hưởng đến các đặc điểm và quy mô di cư toàn cầu.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ mít tinh Ngày quốc tế người di cư
Hưởng ứng cùng toàn thể các Cơ quan Liên Hợp Quốc, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Việt Nam phối hợp với Tổng Cục dân số Kế hoạch hóa gia đình (GOPFP), Bộ Y tế tổ chức Lễ Mít tinh Ngày Quốc tế Người Di cư với chủ đề “Tiếng nói của Người di cư trong đại dịch COVID-19” để lắng nghe tiếng nói,  những câu chuyện ý nghĩa, những trải nghiệm và mong đợi của người di cư về hành trình của họ trong đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu. Sự kiện đồng thời là dịp để kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, các bên có liên quan và người di cư cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ người di cư.  
Sự lây lan của đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Người di cư ở nước ngoài dễ bị tổn thương bởi tác động của COVID-19 hơn những người không di cư vì các yếu tố cá nhân, môi trường xã hội. Người di cư không chỉ đối mặt với nguy cơ mất việc làm, mất thu nhập mà còn có thể bị kỳ thị. Quan trọng hơn hết, người di cư cũng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID-19 như người dân của các nước sở tại. Tuy nhiên, rào cản văn hóa - ngôn ngữ và tình trạng kinh tế xã hội có thể hạn chế họ tiếp cận với các thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách nhanh chóng, chính xác và an toàn.
Ngày Quốc tế Di cư được coi là cơ hội để ghi nhận những đóng góp của hàng triệu người di cư đối với nền kinh tế của nước sở tại và cho quê hương của họ. Chia sẻ tại lễ mít tinh, Bà Park Mihyung Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng những đóng góp của người di cư đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 “chúng ta phụ thuộc vào người di cư nhiều hơn chúng ta tưởng. Chính người di cư là lực lượng lao động thiết yếu ở mỗi quốc gia. Ở quê hương tôi, những người di cư, trong đó có rất nhiều người đến từ Việt Nam, đã làm ra nhu yếu phẩm, xây những ngôi nhà chúng tôi ở, và sản xuất, vận chuyển thực phẩm để chúng tôi có được bữa cơm bên gia đình. Cũng những lao động ấy chăm sóc khi chúng tôi ốm, ngay cả khi nhiễm COVID-19, và chăm sóc những đứa trẻ, người già trong gia đình chúng ta”.
Toàn cảnh lễ mít tinh Ngày quốc tế người di cư 2020
Theo Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, di cư nội địa trong 5 năm qua của nước ta là hơn 7% dân số. Báo cáo của Bộ Ngoại giao năm 2016 cho thấy số lượt người Việt Nam di cư quốc tế là khoảng hơn 10 triệu lượt người. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 65,4 triệu người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), chiếm 68,0% tổng dân số. Dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhưng cũng chắc chắn tác động rất lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam. Theo DOLAB, năm 2019 Việt Nam đã gửi 152,530 công nhân làm việc ở nước ngoài.
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã chỉ đạo cần quan tâm, đầu tư hơn nữa đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương trong đó có người di cư. Một số chương trình, dự án đã được thực hiện nhằm hỗ trợ người di cư. Cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới bước đầu thành công trong kiểm soát đại dịch COVID-19 nhưng những khó khăn, thách thức của đại dịch vẫn hiển hiện và tiềm ẩn những nguy cơ nhất định.
Phát biểu tại Lễ Mít tinh, ông Đặng Văn Nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế nhấn mạnh: “Nhân ngày Quốc tế Người Di cư, chúng ta cùng nhau có mặt tại đây ngày hôm nay nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc, cùng nhau chung tay chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ người di cư, thực hiện tốt việc phòng chống và đẩy lùi đại dịch COVID-19 vì những hành trình khỏe mạnh, an toàn, vì hạnh phúc của mỗi người di cư, của gia đình họ và của cả cộng đồng”.
Mỹ Linh
TAG: Mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Người di cư 2020 Tiếng nói người di cư đại dịch COVID-19
Tin khác
 Nữ Bí thư Chi đoàn tận tâm với hoạt động tín dụng chính sách
Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo và giám sát đánh giá
Ninh Bình: Tăng cường công tác trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội
Tháo gỡ vướng mắc trong số hóa chi trả an sinh xã hội cho người dân
Nâng cao công tác truyền thông về BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng mới Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về người khuyết tật
Trà Vinh: Một số kết quả trong công tác lao động, người có công và xã hội tháng 2/2024
Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin