Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
“Mái nhà” nghĩa tình của người có công thành phố Cảng
09:37 AM 12/12/2019
(LĐXH)- Trung tâm Điều dưỡng Người có công Hải Phòng (thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng) mỗi năm đón tiếp, chăm sóc, điều dưỡng vài nghìn người có công. Tận tình, trách nhiệm, mỗi cán bộ, nhân viên nơi đây đang từng ngày cố gắng để làm tốt nhất việc tri ân.
“Trong thời gian nghỉ dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công (NCC), chúng tôi được anh chị em đón tiếp trọng thị, bố trí ăn, nghỉ chu đáo. Trung tâm tạo điều kiện, cho chúng tôi đi tham quan cầu Tân Vũ-Lạch Huyện để mọi người biết sự phát triển của thành phố. Thay mặt anh em trong đoàn, tôi xin cảm ơn đồng chí giám đốc và toàn thể cán bộ nhân viên Trung tâm. Chúc các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thiết thực tri ân với người có công”.
Những dòng lưu bút của ông Tạ Quang Đạt, đoàn trưởng đoàn NCC huyện An Lão từng được điều dưỡng tại Trung tâm, là một trong hàng trăm bút tích của NCC từng điều dưỡng tại đây. Cuốn sổ lưu niệm ghi nhận xét của Trung tâm Điều dưỡng Người có công Hải Phòng ngày thêm dày. Qua mỗi dòng lưu bút, nhận xét đó, cán bộ nhân viên Trung tâm không chỉ có động lực để làm việc tốt hơn mà mỗi ngày thêm hoàn thiện để thực hiện việc tri ân hiệu quả cao.
Nhân viên Trung tâm dọn phòng phục vụ người có công đến điều dưỡng
Tọa lạc tại Khu I, phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng, với địa hình giáp biển, cảnh quan thoáng đãng, mát mẻ, không khí môi trường trong lành, yên tĩnh...  thời gian qua, Trung tâm Điều dưỡng NCC Hải Phòng đã triển khai tốt các nhiệm vụ chăm sóc, phục vụ đối tượng đến nghỉ dưỡng, đảm bảo hiệu quả, nâng cao thể trạng, sức khẻo cho các đối tượng, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước về công tác chăm sóc NCC với cách mạng.
Là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Phòng, Trung tâm Điều dưỡng NCC được thành lập năm 2004 với chức năng, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch điều dưỡng tập trung cho những NCC với cách mạng về nghỉ dưỡng theo chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Trên diện tích 4.500m2, Trung tâm đã xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2005 với quy hoạch gồm: 01 khu nhà 3 tầng là nơi làm việc của lãnh đạo, cán bộ công nhân viên và người lao động; 01 khu nhà 7 tầng và 03 dãy nhà 2 tầng được bố trí làm phòng nghỉ phục vụ đối tượng điều dưỡng tập trung hàng năm. Tất cả phòng nghỉ đều được bố trí khép kín, thuận tiện cho các đối tượng trong thời gian nghỉ dưỡng.
Khuôn viên của Trung tâm được bố trí hợp lý với hệ thống cây xanh như cau vua, dừa.... và các loại cây ăn quả (xoài, ổi…), xung quanh là các chậu cây cảnh bonsai được bố trí họp lý tạo cảnh quan xanh mát, hài hòa. Trước cổng chính Trung tâm còn đặt một số cây cảnh do các đoàn đến nghỉ dưỡng tặng, hàng ngày cán bộ, nhân viên phòng Hành chính thường xuyên cắt tỉa, chăm sóc đảm bảo mỹ quan...
Năm 2018, Trung tâm  Điều dưỡng Người có công đón tiếp, chăm sóc, phục vụ 2.436 NCC ở 13 quận, huyện với 24 đợt. Để phục vụ chu đáo, Trung tâm phối hợp chặt chẽ với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các quận, huyện nắm bắt thông tin về số lượng người, đoàn điều dưỡng, tình trạng sức khỏe của NCC.
Công đoàn Viên chức Việt Nam thăm, tặng quà Trung tâm điều dưỡng người có công Hải Phòng năm 2017
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Mọi NCC khi điều dưỡng tại Trung tâm đều được đón tiếp chu đáo ngay từ khi đặt chân đến cho đến khi trở về địa phương”. Đi thăm cơ sở vật chất trung tâm, giám đốc Sơn chia sẻ, từ đầu năm 2019, chúng tôi tranh thủ khi chưa có đoàn điều dưỡng tổ chức chỉnh trang lại cơ sở vật chất cho khang trang hơn. Phòng ăn lớn sức chứa 180 người được làm trần, quét vôi lại, các phòng nghỉ cũng được sắp xếp trang thiết bị cho phù hợp với tâm lý, sinh hoạt của NCC (phần lớn là người cao tuổi).  Mỗi đợt điều dưỡng của NCC thường 5-10 ngày không kể thời gian đi về.
Để tổ chức điều dưỡng được các đợt dài ngày, Trung tâm xây dựng kế hoạch để NCC ăn, nghỉ, vui chơi, tham quan hợp lý, như thăm khám sức khỏe ban đầu cho các cụ, tổ chức đoàn đi tham quan danh lam thắng cảnh khu vực Đồ Sơn như Bến Nghiêng; Bến tàu không số; biệt thự Bảo Đại; Tháp Tường Long; Đền Bà Đế... Từ năm 2017 có thêm điểm tham quan là cầu Tân Vũ-Lạch Huyện. Mỗi đợt điều dưỡng, Trung tâm còn tổ chức đêm giao lưu văn nghệ phục vụ các cụ và tổ chức giải thi đấu cờ tướng cho những cụ yêu thích chơi cờ.
“Các cụ phần lớn tuổi cao, sức khỏe suy giảm nên khi phục vụ chúng tôi phải tỷ mỉ, chu đáo, tận tâm” - chị Yến, nhân viên phục vụ tại Trung tâm cho biết. Tất cả các hoạt động của NCC hằng ngày đều có sự đồng hành của cán bộ nhân viên Trung tâm, không chỉ là phục vụ, anh chị em còn là người để các cụ trò chuyện, giãi bày, tâm sự. Nhờ sự chu đáo này mà hầu hết NCC điều dưỡng tại đây đều hài lòng.
Năm 2019, Trung tâm xây dựng kế hoạch đón tiếp, chăm sóc 5.016 lượt NCC với 33 đợt điều dưỡng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngoài cố gắng chung của cán bộ, nhân viên, Trung tâm mong được bổ sung thêm nhân lực còn thiếu để có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, làm hài lòng những NCC đến đây để được nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, Trung tâm cần tiếp tục đầu tư cải tạo khuôn viên, trang thiết bị chăm sóc sức khỏe nhằm đảm bảo công tác chăm sóc, phục vụ đối tượng NCC với cách mạng đến nghỉ dưỡng ngày một tốt hơn./.
Hồng Minh
TAG: Người có công
Tin khác
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công
Gần 500 nghìn hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp được tiếp nhận qua cổng dịch vụ công quốc gia
TP.HCM: Vẫn còn một số đơn vị gặp khó trong việc kê khai hồ sơ thu BHXH, BHYT, BHTN..
Quân khu 7 tổng kết thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy tập hài cốt liệt sĩ
Bàn giao nhiều di vật, kỷ vật cho các gia đình liệt sĩ ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế
Dự án “Thả lưới ước mơ” – thêm điều kiện biến những ước mơ của trẻ em thành hiện thực
Quận Hoàn Kiếm khám bệnh miễn phí cho hơn 500 người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo