Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Liệu chị có thể quay lại vào chiều thứ 7?
03:19 PM 08/10/2018
Đó là câu hỏi mà mấy em nhỏ tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hòa Bình đã dành cho tôi khi tôi phải vội vã rời đi theo đoàn công tác và tạm biệt những ánh mắt hồn nhiên, ngơ ngác của các em.
Trước khi gặp các em, tôi được biết rằng, những đứa trẻ sống ở trung tâm bảo trợ xã hội phần đông đều là những mảnh đời khuyết thiếu theo nhiều cách khác nhau, và hẳn là đứa trẻ nào cũng nặng trĩu tâm tư, buồn tủi. Trong một chuyến đi thực tế, được đặt chân đến nơi các em ở, được chạm tay vào những bàn tay rón rén, e ngại, được nghe kể những câu chuyện về cuộc đời của từng em và cuộc sống mới sau khi về dưới mái nhà chung là Trung tâm bảo trợ xã hội (Trung tâm) ở Thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, tôi chợt phát hiện thêm rằng, hình như… không chỉ có buồn tủi thôi đâu. Vì được quần tụ với nhau thành một đại gia đình, cuộc đời các em sẽ bớt cô quạnh, bớt thiếu thốn đi nhiều lắm.
Tôi vẫn không thể quên được ánh mắt đầy háo hức tiếp chuyện của cậu bé tên Nguyễn Bá Đạt bị bệnh não úng thủy. Căn bệnh khiến Đạt đi lại và sinh hoạt khó khăn hơn các bạn. Hơn nữa, lại thuộc diện chậm phát triển trí tuệ nên Đạt không thể tới trường mà được các thầy cô của Trung tâm trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ.
Các bạn cùng phòng cũng không biết Đạt sinh năm bao nhiêu, chỉ biết là cậu đã có mặt ở Trung tâm từ lâu lắm rồi. Tôi hỏi gì Đạt cũng cười, vì khó khăn trong cách diễn đạt bằng ngôn từ nên hình như cậu đã lấy nụ cười để thay câu trả đáp lại cho người đối diện.
Tôi gặp cậu bé tên Bùi Văn Khanh (sinh năm 2007), hồn nhiên và nói chuyện khá lí lắc. Khanh còn giới thiệu cho tôi làm quen với cậu bạn tên Bùi Văn Thành (sinh năm 2008). Thành có vẻ trầm tính, ít nói. Khi tôi hỏi về gia cảnh, cậu bé chỉ cúi đầu im lặng. 
 Ngồi chơi cùng với Đạt, Khanh, Thành còn có một em trai trông khá nhỏ, luôn nhìn tôi với ánh mắt dò xét. Hỏi chuyện nhiều lần không thấy em đáp lại, ban đầu tôi nghĩ chắc em sợ người lạ, nhưng sau đó mới biết em tên Sua, chỉ nói được tiếng Mông, không biết tiếng phổ thông. Em là thành viên mới của Trung tâm.
 Tìm hiểu thêm thông tin về các em, cán bộ Trung tâm chia sẻ, nhà Đạt ở tận Lương Sơn, khá hoàn cảnh. Bản thân em bị bệnh não úng thủy, mồ côi bố, mẹ bỏ đi, ông bà không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng mới gửi em vào Trung tâm.
 Trường hợp của Bùi Văn Thành cũng là trẻ mồ côi. Thành quê ở xã An Lạc, huyện Lạc Thủy. Ngoài Thành còn có người anh trai tên Thiện hiện cũng đang được nuôi dưỡng, chăm sóc ở Trung tâm.
 
Nét hồn nhiên của 4 em nhỏ Khanh, Sua, Thành, Đạt

Trong số 4 em nhỏ tôi gặp, hai hoàn cảnh của Bùi Văn Khanh và Giàng A Sua có nhiều nốt buồn lặng hơn. Cán bộ Trung tâm kể, mẹ ruột của Khanh là nạn nhân trong một vụ án mạng mà hung thủ lại chính là cậu ruột. Nhà chỉ có hai mẹ con nên sau khi mẹ mất, Khanh ở với bác một thời gian ngắn và sau đó được gửi vào Trung tâm theo diện trẻ mồ côi. Cậu của Khanh cũng được chuyển tới Trung tâm và được chăm sóc theo diện khuyết tật tâm thần.
 Còn đứa trẻ rụt rè, thấp bé, ít nói tên là Giàng A Sua (sinh năm 2009), là con của một tử tù. Bố Sua bị xử tử hình, hiện đang thụ án tại Công an tỉnh Sơn La, còn mẹ cũng bị bắt vì ma túy ở Yên Bái, hiện đang bị  tạm giam ở Công an Yên Bái. Cả 3 anh em trai Sua ( gồm Sua, anh trai Giàng A Pủa và em trai Giàng A Chồng) mới vào Trung tâm được khoảng 1 tháng nay.
“Trường hợp của anh em Sua khá đáng thương. Sau khi bố mẹ vướng lao lý, các em thành những đứa trẻ bơ vơ. Thời điểm huyện Mai Châu chuyển hồ sơ của các em xuống Trung tâm, cán bộ Trung tâm phải đến tận địa bàn để xác minh. Mặc dù từ Trung tâm xã đến nơi gia đình các em ở chỉ cách khoảng 10km nhưng thời gian di chuyển mất tới giần 2 giờ đồng hồ do đường sá khó khăn. Lúc tới nơi, ông bà Sua lại không biết chữ, không biết nói tiếng phổ thông mà chỉ có thể sử dụng tiếng của đồng bào người Mông nên việc giao tiếp phải thông qua phiên dịch của một người bản địa. Sau đó, khi cán bộ hoàn tất giấy tờ để chuyển các cháu xuống Trung tâm, ông bà phải điểm chỉ thay vì ký giấy” – cán bộ phòng Công tác xã hội của Trung tâm cho biết.
Ngoài 2 người anh em ruột, Sua còn 2 người em trai con dì cũng vào Trung tâm cùng thời điểm. Bố 2 em bị kết án tử hình, hiện đang bị tạm giam ở Công an Hà Nội, còn mẹ bỏ đi từ tháng 1/2017 tới nay.
 Lúc tôi quay lại phòng ở, những đứa trẻ đó vẫn ngồi cùng chơi, cùng cười đùa. Các em hồn nhiên kể về cuộc sống vui vẻ từ khi được bước vào mái nhà chung này, được chăm sóc, được ăn uống đầy đủ, được dạy vệ sinh cá nhân, được xem tivi theo giờ, tham gia sinh hoạt chung… Mỗi buổi sáng, các anh chị lớp lớn sẽ đưa các em nhỏ đi học cùng, hết buổi lại đón về. Còn các bé ở độ tuổi mầm non thì được chính cán bộ trung tâm đưa đón.
 Lúc tôi chuẩn bị rời đi, các em nắm tay bịn rịn: Chị có thể quay lại vào thứ 7 tuần này không? Tôi bất giác hỏi lý do vì sao? Các em hồn nhiên: “Vì thứ 7, bọn em được tổ chức Trung thu tại đây, được nhận quà nữa. Thứ 7 sẽ có văn nghệ, hình như sẽ còn được chong đèn! Chắc vui lắm”.
 Tôi đã lịch sự từ chối “lời mời” của các em nhưng hẹn sẽ quay lại vào một dịp khác. Thời khắc bước lên xe cùng đoàn công tác rời hỏi Trung tâm, mắt tôi thấy lấp lánh ánh đèn Trung thu nhưng sau đó tôi bất giác cảm nhận hình như… có lệ./.

 

Vũ Đậu

 

 

TIN LIÊN QUAN
TAG: Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hòa Bình; Giàng A Sua; bao
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công