Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Lấy ý kiến Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi)
08:12 PM 24/05/2019
Ngày 24/5/2019, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi).
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng; ông Michel Krakowski, Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh của Đức; ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cùng đại diện các Bộ, ban, ngành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương.
 
 
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chủ trì Hội nghị
 
Theo báo cáo đánh giá tác động dự án dự án Pháp lệnh ưu đãi Người có công (sửa đổi) do bà Nguyễn Thùy Dương – Vụ Pháp chế trình bày, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được ban hành năm 1994 đến nay đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần (các năm 2005, 2007, 2012) nhằm phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Lần sửa đổi gần nhất (năm 2012), Pháp lệnh đã cơ bản hoàn thiện và mở rộng điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận đối tượng cũng như các chế độ, chính sách ưu đãi, tạo hành lang pháp lý trong việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng.
 
Tuy nhiên, qua hơn 05 năm thực hiện Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 2012, bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định của Pháp lệnh đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế:
 
Thứ nhất, khái niệm về các diện đối tượng người có công chưa được làm rõ tiêu chí về mức độ cống hiến, đóng góp, hy sinh cũng như về phạm vi thời gian, quốc tịch. Đến nay, vẫn chưa có một định nghĩa như thế nào là “người có công với cách mạng”, định nghĩa tên đối tượng còn trừu tượng, chưa rõ ràng, gây lúng túng trong xác định phạm vi, điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công.
 
Thứ hai, chưa quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận đối với một số đối tượng người có công với cách mạng:
 
- Chưa quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
 
- Quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trong các giai đoạn chưa phù hợp với thực tiễn, một số điều kiện xác nhận còn quá rộng, chưa cân đối giữa các đối tượng và trong tổng thể chính sách ưu đãi, như:
 
+ Điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ, thương binh trong trường hợp “đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ” chưa cụ thể, chưa xác định rõ địa điểm, phạm vi không gian, dẫn đến trên thực tế nếu bị tai nạn khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở bất cứ nơi đâu cũng được xác nhận là liệt sĩ hoặc thương binh.
 
 
Bà Nguyễn Thùy Dương – Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ, báo cáo đánh giá tác động dự án dự án Pháp lệnh ưu đãi Người có công (sửa đổi).
 
+ Điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ đối với thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát còn quá rộng.
 
+ Điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận bệnh binh trong thời bình quá rộng, không còn phù hợp với thực tiễn.
 
Thứ ba, một số quy định về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của họ chưa bảo đảm cân đối giữa các diện đối tượng, như:
 
- Chưa quy định chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 còn sống (trong khi đó thân nhân của thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động 61% trở lên đã được hưởng).
 
- Chưa quy định trợ cấp một lần đối với thân nhân của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng được truy tặng hoặc đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi.
 
- Quy định thân nhân của liệt sĩ có từ 4 liệt sĩ trở lên cũng chỉ được hưởng tối đa 3 định suất tuất là không phù hợp.
 
- Quy định về tên gọi của nhóm đối tượng: người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế còn chưa phù hợp, thiếu thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.Pháp lệnh đã bộc lộ một số hạn chế như: Chưa quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận đối với một số đối tượng người có công với cách mạng. Cụ thể, chưa quy định cụ thể về điều kiện xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
 
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết: Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh của Đức đã hỗ trợ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm sâu sắc thêm báo cáo đánh giá tác động chính sách, trong đó tập trung vào ngành xã hội trong hồ sơ đề nghị pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng sửa đổi nhằm pháp điển hóa các chính sách vào dự thảo Pháp lệnh sửa đổi.
 
Thứ trưởng cho biết: “Theo chương trình công tác của Chính phủ, tháng 9/2019 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trình chính phủ dự án Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi) và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến thông qua vào tháng 11/2019. Việc sửa Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng lần này nhằm khắc phục những hạn chế bất cập và bổ sung những quy định mới trong pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng năm 2012  đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của Người có công với cách mạng và thân nhân của họ phát huy vai trò trách nhiệm của xã hội đối với Người có công và gia đình người có công”.
 
Thứ trưởng cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề cho ý kiến báo cáo đánh giá tác động nhằm làm sâu sắc thêm các khía cạnh kinh tế, xã hội, lồng ghép giới, thủ tục hành chính của dự án Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi) theo quy định của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tập trung thảo luật cho ý kiến đối với dự thảo Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi).
 
 
Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công đánh giá về Dự án Pháp lệnh Ưu đãi Người có công sửa đổi
 
Theo ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Dự án Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi) lần này đang tập trung sửa đổi, bổ sung 11 nội dung, trong đó thuật ngữ Người có công sẽ được xác định rõ hơn. Bên cạnh đó, một số quy định sẽ được bổ sung như: quy định về nguyên tắc hưởng chế độ ưu đãi, tránh giải quyết trùng lắp; về điều kiện tiêu chuẩn xác nhận (Xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Xác nhận liệt sĩ, thương binh; Xác nhận bệnh binh.
 
 
Đại diện Bộ Quốc phòng phát biểu đóng góp ý kiến vào Dự thảo Pháp lệnh
 
Pháp lệnh cũng sẽ sửa đổi tên gọi của một số đối tượng người có công, một số thuật ngữ: Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đổi thành người hoạt động kháng chiến bị mắc bệnh có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đổi thành người tham gia cách mạng, người tham gia kháng chiến, người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày. Sửa đổi nguyên tắc hưởng tuất liệt sĩ tương ứng với số liệt sĩ, đảm bảo công bằng trong cống hiến và đãi ngộ. 
PV
TAG: Pháp lệnh Ưu đãi người có công Sửa đổi Người có công thương Binh liệt sỹ Thứ trưởng Lê Tấn Dũng
Tin khác
Quảng Ninh: Chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Bắc Kạn: Tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Nghệ An trách nhiệm nghĩa tình với người có công
Thái Nguyên: Thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng
Bình Định: Thực hiện kịp thời, đồng bộ chính sách trợ giúp xã hội
Cảm phục những tấm gương thương, bệnh binh làm kinh tế giỏi ở huyện Yên Thế
Bình Định: Đẩy mạnh giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Hải Dương: Triển khai đồng bộ chính sách lao động, người có công và xã hội
Quảng Nam: Tập trung thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng