Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Lấy ý kiến 3 bên về đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại TPHCM
03:04 PM 22/04/2019
(LĐXH) - Ngày 20/4/2019, tại TPHCM, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến 3 bên về đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề trong Bộ luật lao động (sửa đổi) khu vực phía Nam.
Ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có, ông Đào Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp;  ông Phan Chính Thức, nguyên Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động, VCCI, Tổ chức Lao động Quốc tế, GIZ, các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: TPHCM, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ; các trường cao đẳng, trung cấp, Trung tâm GDNN cùng các đơn vị, doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và quốc tế…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đào Văn Tiến cho biết: Mục đích của Hội thảo lần này là nhằm lấy ý kiến 3 bên (các đơn vị doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước) về đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi). Hội thảo lần này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đề xuất các ý kiến, kiến nghị cũng như làm rõ các nội dung sửa đổi liên quan đến quan đến chính sách học nghề, phát triển kỹ năng cho người lao động.

Vì vậy, ông Tiến đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề mới, nêu ra các ý kiến, kiến nghị đề xuất cụ thể các vấn đề liên quan đến đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề. Đồng thời làm rõ vai trò của các bên: Vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, vai trò của doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người học nghề cần quy định trong dự thảo Bộ luật lao động ( sửa đổi) trong thời gian tới. Việc sửa đổi các nội dung liên quan đến học nghề, phát triển kỹ năng trong BLLĐ lần này sẽ tác động mạnh mẽ tới đối tượng là chủ sủ dụng lao động và người lao động, tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong việc thu hút sự tham gia của các DN vào hoạt động GDNN.


Đại diện Tổ chức ILO phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện ILO cho biết: Việc lấy ý kiến tham vấn 3 bên về đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến người học nghề, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để đưa vào dự thảo BLLĐ. Bởi thực tiển cho thấy, các chính sách khi ban hành và có đi vào cuộc sống hay không cần phải lấy ý kiến rộng rãi từ các bên, tổ chức nhiều hội thảo nhằm để thảo luận, làm rõ các ý kiến, kiến nghị đề xuất và phản biện giữa các bên rồi mới tiến tới chỉnh lý kỹ thuật và trình cấp có thẩm quyền ban hành. IlO cũng cho biết, việc sửa đổi BLLĐ lần này có tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực đào tạo nghề, việc làm của người lao động.

Theo ILO, điểm chính được thảo luận rất nhiều trong các hội thảo vừa qua là cơ hội việc làm trong kỹ nguyên số 4.0 hiện nay. Bởi trong thời gian tới các doanh nghiệp sẽ áp dụng công nghệ 4.0 để đưa vào sản xuất, các phương tiện giao thông vận tải không người lái, các doanh nghiệp, nhà máy sử dụng Robot thay con người, do vậy sẽ ảnh hướng đến việc làm của người lao động.

Chính vì vậy, thách thức lớn nhất trong đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động trong thời gian tới là làm thế nào để người lao động thích ứng, cần giải pháp gì để đáp ứng được yêu cầu đặt ra như: Năng suất của người lao động, các kỹ năng rất quan trọng. Doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, kỹ năng nghề cũng như cung cấp xây dựng các nghề để đào tạo. Cơ hội thực tập, việc làm của người học, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tham gia chứng nhận kỹ năng nghề trong công tác đào tạo cho các doanh nghiệp.

Đào tạo nghề 3 bên có vai trò hết sức quan trọng cần được tăng cường những kỹ năng nghề nào và hỗ trợ cho doanh nghiệp để đào tạo. Trong bối cảnh này, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước cũng đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, cần có sự thường xuyên đối thoại 3 bên để tìm ra giải pháp phù hợp nhằm mang lại lợi ích chung. Trong luật cần phải nói rõ hơn về các điểm trong hợp tác và phối hợp. Ngoài ra luật chỉ ra khung pháp lý cụ thể.

Ông Phan Chính Thức chia sẻ tại Hội thảo

Còn theo, TS Phan Chính Thức - nguyên Q.Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quan hệ 3 bên khi đưa được các yếu tố vào quá trình sửa đổi BLLĐ là hết sức quan trọng. Vì Bộ luật lao động (sửa đổi) liên quan đến các luật như: Luật GDNN, Việc Làm, BHXH, Luật đưa người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và các luật khác. Bộ luật lao động đã sửa đổi nhiều lần và có tác động lớn đến người lao động, riêng lần sửa đổi này sửa đổi gần như toàn bộ. Cách tiếp cận sửa đổi lần này quy định những điều nào tốt nhất; đối tượng của BLLĐ này tác động đến các doanh nghiệp, Luật GDNN. Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đã tác động đến việc làm của người lao động, chính sách về đào tạo nghề trong Bộ luật lao động, có 2 chính sách: Phát triển kỹ năng nghề theo hướng mở, tác động đến người sử dụng lao động và người lao động. Trong đó, tạo điều kiện cho người lao động và doanh nghiệp được tham gia trong quá trình đào tạo. Đây là mục tiêu kép mà chúng ta đã có kinh nghiệm.

TS. Phan Chính Thức cũng cho biết: Trong lần sửa đổi này cũng quy định mới về  quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp tham gia đánh giá kỹ năng, tư vấn nghề nghiệp. Các quy định mới đối với người hướng dẫn tập nghề là nghệ nhân, người có kỹ năng nghề, nông dân sản xuất giỏi  nên sửa đổi "người hướng dẫn tập nghề là nghệ nhân, người có kỹ năng nghề cao, nông dân sản xuất giỏi không nhất thiết phải có chứng chỉ kỹ năng dạy học". Bởi, đòi hỏi những người phải có chứng chỉ dạy học là "không thực hiện được". Tương tự, ông Nguyễn Hữu Khánh Linh - Phó Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai cũng cho rằng rất khó để cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tham gia đào tạo phải có nghiệp vụ sư phạm.

Về doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo, bà Mai Hồng Ngọc, Trưởng phòng Văn phòng Giới sử dụng lao động VCCI cho rằng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề có vấn đề cần "suy nghĩ thêm" là quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp. "Đâu là quyền, đâu là trách nhiệm?", bà Ngọc đặt vấn đề. "Quyền là khuyến khích trong khi trách nhiệm thì ai cũng phải làm. Cần phải quy định rõ hơn". Cùng quan điểm với bà Ngọc, ông Lê Văn Thạnh - Phó Trưởng Phòng dạy nghề, Sở Lao động và Thương binh và Xã hội tỉnh Long An cũng nêu vấn đề cần có tính pháp lý rõ ràng trong việc doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo cả về trách nhiệm và lợi ích  vì "Như vậy người ta mới làm chứ". 

Đại diện các doanh nghiệp phát biểu tại Hội thảo

Ông Thạnh đề xuất: Nên quy định doanh nghiệp phải nhận 10% người học nghề, thực tập so với tổng nhân công hiện có. Trường và doanh nghiệp có tư cách pháp nhân rõ ràng sẽ bắt tay vào làm chứ không phải nhờ quan hệ như trước nay. Nhưng ngược lại, nhận một lao động học nghề nhà nước hỗ trợ gì cho doanh nghiệp hay giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp được không?".

Đại diện cho người lao động, ông Phan Nghiêm Long (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nêu rõ cần quy định rõ hơn khi tính tiền lương cho người lao động khi học nghề, thực tập nghề. Bởi đã có thực tế doanh nghiệp chi trả không đúng với công sức của người lao động bỏ ra để làm ra sản phẩm."Ngoài ra, cũng cần tính đến việc người lao động trải qua tập sự tại các doanh nghiệp rồi, sau đó họ có phải thử việc nữa hay không. Bởi lương thử việc và lương chính thức khác nhau" - ông Long nêu vấn đề.

Dưới góc độ chuyên gia,  bà Phan Ngọc Anh - chuyên gia cao cấp Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) dẫn kinh nghiệm từ Đức: "Luật Đào tạo nghề của Đức quy định nhà giáo, cán bộ đào tạo bắt buộc phải có chứng chỉ sư phạm. Còn những người tạm gọi là trợ giảng như thợ giỏi nghề, nghệ nhân vẫn tham gia đào tạo nhưng phải có người giỏi về chuyên môn và sư phạm giám sát".

Đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát  tại hội thảo

Tại hội thảo các đại biểu cũng tranh luận sôi nổi về vấn đề có nên có nên đưa vào Bộ luật lao động sửa đổi quy định về Quỹ phát triển kỹ năng nghề nghiệp và tính khả thi và hiệu quả của Quỹ này. Vì theo các đại biểu, hiện nay có rất nhiều Quỹ hoạt động trực thuộc các Bộ, ban ngành, các Hội, đoàn thể, song tính khả thi của các Quỹ chưa cao. Ngoài ra, việc hình thành Quỹ phát triển kỹ năng nghề nghiệp, tổ chức bộ máy, đóng góp và quản lý các khoản của Hội viên đóng cho quỹ được quy định như thế nào? Quỹ có vai trò như thế nào để các hội viên là doanh nghiệp tham gia và nếu không mang lại quyền và lợi ích cho các bên thì các hội viên cũng không mặn mà đóng góp và từ đó Quỹ hoạt động sẽ gặp khó khăn. Dẫn chứng về vấn đề này, đại diện Hiệp hội chế biến gỗ TPHCM, Công ty Đai Kin cho rằng: Nếu Quỹ phát triển kỹ năng nghề nghiệp được đưa vào trong nội dung Bộ luật lao động sửa đổi lần này cần có sự đánh giá tác động của nó như thế nào; đồng thời cần quy định về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp một cách cụ thể trong Quỹ này.

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận và đưa ra các ý kiến xung quanh khái niệm về quyền học nghề, tập nghề của người lao động; những điểm mới về người dạy nghề; quy định về tiền lương của người học nghề, tập nghề; doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề có được cấp chứng chỉ, nếu được cấp chứng chỉ ai cấp phôi chứng chỉ cho doanh nghiệp; đề xuất chọn một ngày, hay tháng hằng năm làm ngày Kỹ năng nghề thanh niên Việt Nam…

Hoàng Cảnh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TAG: Lấy ý kiến 3 bên về đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề trong Bộ luật
Tin khác
Học viện Kỹ thuật quân sự tuyên truyền tuyển sinh trên 800 học sinh tại Đồng Nai
Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp
467 học viên trung cấp chính quy hoàn thành huấn luyện đầu khóa
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đạt giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo IoT – NTTU 2024
Tăng cường sự tham gia của Phụ nữ, người khuyết tật và hoà nhập cộng đồng trong GDNN lĩnh vực Logistic
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành  kiểm định chất lượng 10 chương trình đào tạo
Thái Nguyên: Tăng cường công tác thể dục, thể thao trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Cần Thơ chú trọng công tác giáo dục nghề nghiệp
Úc và Việt Nam hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Logistics đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động