Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Lạng Sơn: Nỗ lực tạo việc làm cho thanh niên
03:50 PM 06/11/2019
(LĐXH) – Thời gian qua, các cấp, ngành tỉnh Lạng Sơn luôn chú trọng đào tạo nghề và tạo việc làm cho thanh niên. Nhờ đó, nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh đã có cơ hội được vay vốn phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập.
Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn Lạng Sơn luôn coi việc hỗ trợ học nghề là một trong những biện pháp quan trọng, tạo nền tảng để thanh niên có việc làm và thu nhập ổn định. Do đó, hằng năm, Tỉnh Đoàn đều tổ chức ký kết văn bản với các đơn vị liên quan để mở các lớp dạy nghề; nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chỉ đạo các Huyện Đoàn, Thành Đoàn chủ động phối hợp với đơn vị liên quan, Đoàn xã khảo sát nhu cầu gắn với định hướng học nghề của đoàn viên thanh niên để phù hợp với trình độ, đặc thù địa bàn, hoàn cảnh gia đình; sau đó tổng hợp danh sách gửi cấp trên để có hướng mở lớp dạy nghề.
Anh Nông Văn Dũng (thôn Hòa Lạc, xã Nam La, huyện Văn Lãng)
nhờ vốn vay giải quyết việc làm đã mở cửa hàng điện nước, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng
Bên cạnh việc hỗ trợ học nghề, thanh niên còn được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng chính sách xã hội. Được triển khai từ năm 2008, Tỉnh đoàn đã tích cực chỉ đạo các huyện đoàn, thành đoàn về định hướng cho vay nguồn vốn 120, mục tiêu sử dụng vốn vay, tổ chức thẩm định các dự án đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi cho các đối tượng vay vốn. Đồng thời, phối hợp với các ngành tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các dự án, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả.
Theo đó, nguồn vốn 120 được đầu tư cho những dự án kinh tế do thanh niên làm chủ, phát triển các dịch vụ mang tính bền vững tại khu vực nông thôn. Mỗi dự án, đoàn viên thanh niên được vay từ 100 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng trong 3 đến 5 năm để mở rộng sản xuất, với lãi suất ưu đãi, chỉ 0,55%. Tuy nhiên, đối với những dự án sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số sẽ được giảm 50% lãi suất. Sau khi các dự án hoàn trả vốn vay, nguồn vốn này sẽ được chuyển sang đầu tư cho dự án mới. Tính đến nay, nguồn vốn 120 do Tỉnh đoàn quản lý là gần 2,3 tỷ đồng. Trong đó, riêng từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 dự án được giải ngân với tổng vốn 1,26 tỷ đồng cho đoàn viên thanh niên mở rộng cơ sở sản xuất.

Từ nguồn vốn vay, đã có nhiều thanh niên mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như anh Vũ Viết Sơn ở xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc khép kín từ nguồn vốn vay ngân hàng. Hiện nay, ngoài việc phát triển sản xuất của gia đình, anh Sơn còn tạo việc làm thường xuyên cho 9 lao động ở xã với thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Anh Sơn cho biết: “Dự định sẽ vay thêm vốn để xây dựng khu chăn nuôi quy mô 2.000 con lợn”. Hay anh Dương Viết Văn ở xã Tân Liên, huyện Cao Lộc. Từ nguồn vốn vay ngân hàng, anh Văn đã đầu tư xây dựng mô hình tổng hợp trồng trọt, chăn nuôi. Mỗi năm, anh đầu tư chăn nuôi 50 con lợn thịt và trồng các cây hoa màu như ngô, khoai, sắn. Mô hình đem lại cho gia đình anh thu nhập 140 triệu đồng/năm, góp phần ổn định kinh tế gia đình.
Cũng được vay vốn 120 với số tiền 190 triệu đồng vào tháng 6/2019, chị Bế Thị Lan Anh, chủ cơ sở sản xuất bún ngô tại thôn Bình Chương 1, xã Đình Lập, huyện Đình Lập đã có thêm kinh phí để mở rộng quy mô sản xuất, mua thêm máy móc, mở rộng nhà xưởng và thu mua nguyên liệu sản xuất bún ngô, qua đó, tạo việc làm và tăng thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, chị còn tạo việc làm cho 4 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân từ 4 – 5 triệu đồng/ tháng.
Anh Nguyễn Tuấn Nam, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Qua theo dõi, các dự án được vay vốn  đều sử dụng đúng mục đích, nhiều dự án đã phát triển ổn định, theo hướng bền vững, một số chủ dự án sau một đến hai năm đã hoàn trả vốn, tạo điều kiện để nguồn vốn được quay vòng, tiếp tục hỗ trợ các dự án mới. Sau hơn 10 năm, nguồn vốn 120 đã hỗ trợ trên 50 lượt thanh niên vay vốn mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho trên 200 lao động tại địa phương, nhiều dự án do thanh niên làm chủ đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Có thể thấy, nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm đã giúp thanh niên trên địa bàn tỉnh có cơ hội phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.
Cảnh Minh
TAG: Lạng Sơn: Nỗ lực tạo việc làm cho thanh niên
Tin khác
Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5
TP.HCM: Hơn 2.600 lượt công nhân được vay vốn lãi suất ưu đãi từ CEP
Nghệ An: Chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động
TP.HCM: Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tuyển hơn 1.500 vị trí việc làm
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần