Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Làm gì để thu hút người thất nghiệp tham gia học nghề?
10:41 AM 26/05/2023
(LĐXH)- Mục đích chính sách của bảo hiểm thất nghiệp là bù đắp một phần thu nhập của người lao động bị mất việc làm, đặc biệt hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề, tìm việc làm trở lại. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết người lao động khi bị mất việc làm thường lựa chọn giải pháp hưởng trợ cấp thất nghiệp thay vì quan tâm đến học nghề.
Người lao động tham gia một lớp học pha chế
Thay vì chọn giải pháp học nghề để phù hợp với tình hình hiện tại thì người lao động thường chọn đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bởi trong điều kiện hiện tại, việc nhận hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng giải quyết một phần kinh tế eo hẹp khi chưa tìm được việc làm phù hợp.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số người thất nghiệp lựa chọn học nghề thấp, chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, số người có quyết định hỗ trợ học nghề là gần 30.400 người/năm (chiếm 4% số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi năm).
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, do người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, mà nhu cầu lao động phổ thông ở nước ta lớn nên người lao động dễ tìm kiếm việc làm mới sau khi thất nghiệp.
Mặt khác, có thực tế là dù người lao động đã qua đào tạo thì doanh nghiệp tuyển vào chỉ trả lương theo vị trí công việc như lao động phổ thông. Bên cạnh đó, người lao động nghỉ việc cũng có xu hướng chuyển về địa phương để tìm việc làm mới nhằm giảm chi phí sinh hoạt, đoàn tụ gia đình nên không có nhu cầu học nghề.
Theo chính sách hiện hành, ngoài trợ cấp hằng tháng, người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp còn được hỗ trợ học nghề. Mỗi tháng người lao động được hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho đào tạo nghề, thời gian học không quá 6 tháng. Chính sách này giúp người lao động có thể chuẩn bị tốt hơn trước khi tìm kiếm một công việc mới.
Để được hỗ trợ học nghề từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cần có giấy tờ chứng minh đã chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động; có sổ bảo hiểm; các giấy tờ liên quan, và đến nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm; có đơn đề nghị được học nghề.
Đáp ứng các yêu cầu này, người lao động sẽ được cấp quyết định học nghề miễn phí, có thể đăng ký chọn nghề ở bất kỳ cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào mà đã được cấp phép. Ví dụ, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, có 4 nghề đào tạo cơ bản, gồm: Kỹ thuật pha chế đồ uống, kỹ thuật nấu ăn, tin học văn phòng, may công nghiệp.
Cần đa dạng các ngành nghề cho người lao động thất nghiệp lựa chọn theo học
TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng, những lao động mất việc chủ yếu là lao động phổ thông, phần lớn không có tích lũy về kinh tế nên không có điều kiện để học nghề mới với mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn hạn chế. Chính sách của bảo hiểm thất nghiệp cũng mới chỉ hỗ trợ chi phí học nghề, chưa hỗ trợ các chi phí khác khiến người lao động đang gặp khó khăn càng không mặn mà.
Để thu hút người lao động tham gia học nghề, các chuyên gia cho rằng cần quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo để nâng cao kỹ năng nghề. Việc đào tạo cần dựa trên nhu cầu của người lao động, kết hợp với các cơ sở đào tạo, đào tạo chuyển đổi, cũng như tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp chặt chẽ hơn.
Điển hình như Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thời gian qua đã phối hợp với nhiều cơ sở đào tạo nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp phép trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội đăng ký học nghề hơn như: học lái xe, làm bánh, kế toán, các kỹ năng khác.
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ, đào tạo nghề cho người lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được cơ quan này xây dựng cũng sẽ đề xuất bổ sung các chính sách để đẩy mạnh hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người thất nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, chính sách cũng dự kiến sửa đổi quy định về điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đảm bảo tính khả thi trong thực tế.
Ngoài ra, các chính sách cũng hướng đến việc tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, khắc phục tình trạng người lao động chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp. Đó là bổ sung quy định những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hình thức cung ứng dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm; bổ sung quy định phạm vi và nội dung hỗ trợ (đi lại, ăn ở…) ngoài mức học phí./.
Hồng Hà
TAG: bảo hiểm thất nghiệp học Nghề
Tin khác
Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5
TP.HCM: Hơn 2.600 lượt công nhân được vay vốn lãi suất ưu đãi từ CEP
Nghệ An: Chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động
TP.HCM: Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tuyển hơn 1.500 vị trí việc làm
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần