Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Lâm Đồng: Nhiều chuyển biến trong thực hiện bình đẳng giới
05:41 PM 09/10/2019
(LĐXH)-Thực hiện chủ trương, chính sách về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, năm 2019, tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn và đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; nâng cao vị thế của người phụ nữ trong cộng đồng, hơn 10 năm qua, Lâm Đồng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn này. Theo đó, kể từ năm 2016, từ ngày 15/11- 15/12 được chọn là “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với 1 địa phương (Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên) và năm 2019 là Đam Rông tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” trên địa bàn tỉnh . Qua đó, thu hút sự quan tâm và tham gia của các cá nhân, cơ quan, tổ chức và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng và các mục tiêu cần đạt được trong công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. 
Tuyên truyền nhằm góp phần thay đổi nhận thức, hướng đến chuyển đổi hành vi về thực hiện bình đẳng giới  tại Lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019
 
Để công tác vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) phát huy hiệu quả và bền vững, thời gian qua, Ban VSTBPN tỉnh Lâm Đồng đã tham mưu, phối hợp triển khai các chương trình liên quan đến công tác VSTBPN và bình đẳng giới, đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và VSTBPN, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện công tác cán bộ nữ.

Thời gian qua, các chính sách ưu đãi của Nhà nước về lao động, việc làm, dạy nghề, giảm nghèo... cũng đã đến với phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số. Các sở, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ đã có những hoạt động cụ thể phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số đối với nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Nhiều công đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh tiếp tục xây dựng quỹ: “Vì phụ nữ nghèo”, quỹ “tương trợ”, quỹ “giúp nhau” cho nữ CNVCLĐ vay không tính lãi khi gặp khó khăn; thăm hỏi nữ CNVCLĐ những dịp ốm đau, hiếu hỉ,... Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hàng tháng đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong đó dành sự quan tâm đến đối tượng là lao động nữ. Vì vậy, với 9.500 lao động được tạo việc làm mới trong năm 2018 thì thì tỷ lệ lao động nữ chiếm trên 70%.

Trong lĩnh vực y tế, quyền bình đẳng cho phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã có những chuyển biến tích cực và đảm bảo cho phụ nữ thực hiện tốt chức năng sinh con, nuôi dạy con và tham gia hoạt động xã hội. Các ngành, đoàn thể đã phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền và tham gia chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tổ chức tư vấn tuyên truyền chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS; làm tốt công tác y tế dự phòng; tuyên truyền vận động phụ nữ có thai đi khám đủ 3 lần; tiêm chủng mở rộng trẻ em trong độ tuổi được tiêm phòng đủ 7 loại vắc xin; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được phát thẻ khám, chữa bệnh miễn phí. Quan tâm thực hiện các chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cảnh báo nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi quan niệm lựa chọn giới tính thai nhi... 

Chính sách chăm lo, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc cũng đạt được những kết quả khả quan, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện, nhất là phụ nữ và trẻ em vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong lĩnh vực chính trị, cùng với sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh và sự tham gia của toàn xã hội, vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trước tiên là công tác quy hoạch cán bộ nữ của tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Số lượng cán bộ nữ đưa vào quy hoạch ngày càng tăng, phần lớn cán bộ nữ quy hoạch đều được đào tạo chuẩn về chuyên môn, lý luận chính trị, có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác. Cụ thể như: Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 ở cấp cơ sở: Ủy viên BCH 390/1.800, chiếm 20,8% (nhiệm kỳ trước 16,8%); cấp huyện: Ủy viên BCH 84/557, chiếm 14,1% (nhiệm kỳ trước 12,9%); cấp tỉnh: Ủy viên BCH 10/54, chiếm 18,5% (so với nhiệm kỳ trước là 10,9%).  

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 gồm: đại biểu Quốc hội là nữ, chiếm16,7%; nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh 25/76, chiếm tỷ lệ 32,89%; cấp huyện 101/428, chiếm tỷ lệ 23,6%; cấp xã 1.078/4.098, chiếm tỷ lệ 26,31%.  

Tổng cộng nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp chiếm 27,6% tổng số đại biểu dân bầu.  

Tỷ lệ quy hoạch cán bộ nữ ở các cấp trong giai đoạn 2021-2026 tính đến 31/12/2018: Đối với chức danh giám đốc sở, ngành, và tương đương là 10/39, chiếm 25,64%; chức danh phó giám đốc sở, ngành và tương đương là 20/93, chiếm 21,50%.Số cán bộ nữ được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng năm 2018 là 3.199 trong đó công chức là 759, viên chức là 2.440... 

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, toàn ngành có 1.128/1.732 cán bộ quản lý là nữ, chiếm 65,1%. Việc quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý cũng rất chú trọng đối với đội ngũ cán bộ nữ, đặc biệt là cán bộ nữ trẻ, năng động,... Trong năm qua, ngành Giáo dục - Đào tạo đã chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, quan tâm đề bạt cán bộ nữ vào chức danh chủ chốt của ngành theo quy hoạch.

Thời gian tới, Lâm Đồng sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác bình đẳng giới để có thể hoàn thành mục tiêu: “Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”./.

Minh Châu
TAG: Lâm Đồng bình đẳng giới Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới
Tin khác
Sóc Trăng: Thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Ninh Bình: Huy động nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bền vững
 Sở LĐ-TB&XH TP.HCM gặp gỡ đối thoại với cán bộ, đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể
Lạng Sơn: Hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo
Bảo hiểm xã hội TP.HCM chuyển trụ sở làm việc về quận 7
Tín dụng chính sách - Điểm tựa cho thanh niên lập thân, lập nghiệp
 Nữ Bí thư Chi đoàn tận tâm với hoạt động tín dụng chính sách
Thanh Hóa: Đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo và giám sát đánh giá
Ninh Bình: Tăng cường công tác trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội