Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Ký kết biên bản ghi nhớ về thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể thực chất trong ngành Dệt may
03:57 PM 10/07/2018
(LĐXH) Ngày 10/7/2018, tại Hà Nội, Công đoàn Hà Lan (CNV Internationaal), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ về thống nhất hợp tác trong dự án Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể thực chất trong ngành Dệt may ở Việt Nam.
Mục tiêu của Lễ ký kết này là khẳng định cam kết của ba bên trong việc thúc đẩy đối thoại xã hội và thương lượng tập thể thực chất trong ngành Dệt may, hướng tới cải thiện điều kiện làm việc, năng suất và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành Dệt may ở nước ta. Bên cạnh đó, buổi lễ ký kết sẽ giới thiệu rộng rãi về mục tiêu và các hoạt động chính của dự án với các đối tác thực hiện và các bên có liên quan khác.
CNV Internationaal là tổ chức công đoàn lớn thứ hai của Hà Lan. Đối thoại xã hội là “phần huyết quản” trong hoạt động của CNV. CNV Internationaal đã làm việc cùng các tổ chức công đoàn ở những nước phát triển trong vòng hơn 50 năm nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động thông qua phương tiện của mô hình tham vấn nhất quán dựa trên cơ sở đối thoại xã hội. Mặc dù quá trình này không hề đơn giản, thậm chí ngay tại Hà Lan, đối thoại mang tính xây dựng vẫn là công cụ quan trọng để cải thiện và phát triển bền vững.
Toàn cảnh Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về thống nhất hợp tác trong dự án
Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể thực chất
trong ngành Dệt may ở Việt Nam.
Phối hợp cùng TLĐLĐVN và VCCI, CNV Internationaal triển khai Dự án trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020 trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Chiến lược Đổi mới Chuỗi Cung ứng Ngành may, một chương trình sáng kiến nhằm cải thiện điều kiện lao động trong ngành Dệt may, với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại Giao Hà Lan.
Mục tiêu cụ thể của Dự án là nhằm giúp cho các đối tác đặc biệt ở cấp tỉnh và cấp cơ sở tại ba tỉnh tham gia thí điểm (Hưng Yên, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh) có kinh nghiệm thực hiện đối thoại xã hội và thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp thực chất, từ đó có thể dẫn đến những thay đổi cho cả hệ thống (pháp luật, chính sách thực hiện và thực tiễn). Dự án hướng đến việc giải quyết trực tiếp thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt khi khung khổ pháp luật hiện hành về đối thoại xã hội và thương lượng tập thể chưa được thực thi đầy đủ.
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ là một chủ trương lớn mà Đảng, Nhà nước và các đối tác xã hội ở Việt Nam đang hướng tới và ra sức thực hiện. Chính phủ Việt Nam cũng đã thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của mình trong việc thiết lập khung khổ thiết chế và pháp luật về đối thoại xã hội và thương lượng tập thể là một trong những nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020, đã được Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam gần đây thông qua.
Pháp luật của Việt Nam tôn trọng quyền và nghĩa vụ các bên trong quan hệ lao động thông qua việc qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên. Đối thoại là một nội dung hoàn toàn mới và lần đầu tiên được đề cập trong Bộ luật lao động năm 2012. Mặc dù có quy định đối thoại là bắt buộc (định kỳ ít nhất 3 tháng một lần) và ba loại hình thức thỏa ước lao động tập thể (doanh nghiệp, ngành và thỏa ước lao động tập thể khác - được hiểu là nhóm doanh nghiệp) song Bộ luật lao động chưa có những quy định cụ thể cho đối thoại, thương lượng cho thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc nhóm doanh nghiệp.
Đại diện các bên tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ.
Việt Nam là một quốc gia thành viên của ILO và là một bên tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do nổi bật như CPTPP và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam. Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP và EVFTA được đánh giá mang lại những vận hội mới cho ngành Dệt may song cũng đặt ra nhiều thách thức về việc chuyển dịch cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm và quan hệ lao động.
Ngành công nghiệp Dệt may ở nước ta ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nó không chỉ phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao và phong phú, đa dạng của con người mà còn là ngành giúp nước ta giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho xã hội và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách quốc gia. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành này khoảng 13,5%/năm, trong lĩnh vực xuất khẩu tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm và chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tính đến nay cả nước có khoảng gần 8000 doanh nghiệp dệt may, đang thu hút được khoảng 2,7 triệu lao động (chiếm 9.4% lực lượng lao động làm công hưởng lương của cả nước) và khoảng 2 triệu lao động khác làm việc trong các ngành công nghiệp phụ trợ. Với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của nước ta chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Một trong những thách thức về vấn đề lao động mà ngành dệt may hiện nay đang phải đối mặt là việc thực hiện các tiêu chuẩn về lao động như tự dọ lập hội, quyền thương lượng tập thể, thời giờ làm việc hợp lý, lương đủ sống, điều kiện lao động đảm bảo an toàn và sức khoẻ, v.v. Cách tốt nhất để giải quyết những thách thức này là thực hiện tốt đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể thực chất và hiệu quả.
Ngành dệt may là ngành đầu tiên có thỏa ước thương lượng tập thể ở cấp ngành vào năm 2010. Bình Dương là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam có thỏa ước thương lượng tập thể ngành Dệt may trong tỉnh vào năm 2011. Tuy nhiên, phạm vi bao trùm của các bản thỏa ước lao động tập thể này vẫn còn rất hạn chế. Sau 7 năm thực hiện chỉ có hơn 100 doanh nghiệp trong nước và 136.000 người lao động được bao phủ bởi các thỏa ước này. Mặc dù trong bản thỏa ước các đối tác xã hội đã đồng ý xác lập mức lương cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng song trên thực tế lại có rất ít thông tin về việc thực thi thỏa ước. Dưới sự hỗ trợ của Dự án Quan hệ lao động ILO-Việt Nam, ba thỏa ước thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp đã được ký kết. Tuy nhiên, các phiên thương lượng diễn ra giữa công đoàn cấp trên và các doanh nghiệp đơn lẻ hơn là đồng thời với một nhóm doanh nghiệp. Cũng có khá ít thông tin liên quan đến việc thực thi các bản thỏa ước này./.
Thảo Lan
TAG: Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc thương lượng tập thể thực chất trong ngành Dệt may ở Việt Nam Ký kết biên bản ghi nhớ CNV Internationaal tổ chức công đoàn Hà Lan bao
Tin khác
Đắk Lắk: Nhiều hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024
Quảng Ninh: Quan tâm tạo việc làm cho người lao động
Lạng Sơn: 3.500 lao động được giải quyết việc làm trong quý I/2024
Hà Nội tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trước kỳ nghỉ lễ 30/4
Điện Biên chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong các doanh nghiệp
Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động
Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm
Lào Cai: Gần 5.000 lao động được giải quyết việc làm trong 3 tháng đầu năm