Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Ký kết Bản ghi nhớ về chương trình phái cử - tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản
01:25 PM 20/06/2022
(LĐXH)- Ngày 20/6, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) tổ chức Lễ ký kết Bản ghi nhớ về chương trình phái cử - tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản.
Tham dự Lễ ký kết có Bộ trưởng Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Về phía IM Japan có Chủ tịch Kanamori Hitoshi và một số thành viên của IM Japan.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Năm 2006, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) đã ký Thỏa thuận về việc đưa thực tập sinh Việt Nam dang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Thỏa thuận này đã được ký lại năm 2010 và năm 2016. Đến nay, hai bên đã tổ chức tuyển chọn, đào tạo và phái cử 7.734 học sinh, sinh viên, thanh niên thuộc 81 huyện nghèo, bãi ngang, ven biển, hải đảo sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, trong đó có 6.852 thưc tập sinh xuất cảnh lần đầu và 882 thực tập sinh tái nhập cảnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ ký kết
“Đây là chương trình phi lợi nhuận với quy trình tuyển chọn đảm bảo thông tin rộng rãi, công khai, minh bạch trên các kênh truyền thông đại chúng. Người lao động tham gia chương trình không mất tiền phí dịch vụ, chỉ phải nộp các khoản chi phí cá nhân như xin cấp hộ chiếu, visa, chi phí khám sức khỏe; được hỗ trợ tiền học phí và ký túc xá trong thời gian đoàn tạo chính thức. Việc này đã tạo điều kiện cho nhiều người lao động của Việt nam, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, khó khăn, lao động ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có nguyện vọng đăng ký tham dự” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan và Chủ tịch IM Japan Kanamori Hitoshi ký kết Bản ghi nhớ hợp tác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chia sẻ: Từ chuyến thăm thực tế tại Nhật Bản, phía Việt Nam đánh giá các nghiệp đoàn, doanh nghiệp đã chăm lo tốt nơi ăn, chốn ở, công việc tại công xưởng, doanh nghiệp lớn cho các em. Bên cạnh những chính sách chung của Nhà nước, của chương trình IM Japan bố trí, các nghiệp đoàn, doanh nghiệp đều có các chính sách đặc thù hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em có nguồn thu nhập. Qua nắm bắt sơ bộ, nhiều thực tập sinh về nước đã mở các cơ sở sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế địa phương, truyền lửa cho các bạn khác tiếp tục thực tập và làm việc tại nước ngoài.
Hai bên trao đổi Bản ghi nhớ hợp tác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: 2 năm qua do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên đã ảnh hưởng nhất định đến chương trình. Do đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch IM Japan Kanamori Hitoshi tới Việt Nam lần này. Thông qua chuyến thăm này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đồng ý ký với IM Japan  Bản ghi nhớ mới. “Bản ghi nhớ sẽ mở rộng đối tượng tuyển chọn, yêu cầu cao hơn nhưng tinh thần là theo hướng phi lợi nhuận. Tất cả vì thanh niên. Hy vọng bản ghi nhớ sẽ có hiệu quả, mẫu mực, tạo điều kiện để người lao động Việt Nam sinh sống, phát triển nghề nghiệp tại Nhật Bản.
Trước đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có buổi trao đổi với Chủ tịch IM Japan Kanamori Hitoshi 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết thêm: Ngài Chủ tịch IM Japan có đề xuất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc mở rộng chương trình đặc định mà Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản đã ký kết. Về nguyên tắc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đồng ý nội dung đề xuất này.
Chủ tịch IM Japan Kanamori Hitoshi thông tin với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về định hướng hợp tác trong thời gian tới
Tại buổi lễ, ông Kanamori Hitoshi, Chủ tịch IM Japan, cho biết: Các công ty tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam đánh giá cao các thực tập sinh Việt Nam học hành chăm chỉ, có năng lực, kỷ luật tốt. IM Japan mong muốn tiếp tục hợp tác với Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, với sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để Chương trình giữa hai bên ngày càng phát triển, mang lại nhiều lợi ích giúp thực tập sinh Việt Nam có thu nhập cao, tích lũy được vốn để lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế gia đình và đất nước sau khi về nước...
Hai bên chụp ảnh chung tại trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sau lễ ký kết
Theo Bản ghi nhớ mới ký kết giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổ chức IM Japan gồm 16 Điều và 04 phụ lục. Bản ghi nhớ bổ sung thêm một số nội dung để mở rộng đối tượng tuyển chọn và nâng cao quyền lợi cho thực tập sinh tham gia Chương trình như: mở rộng độ tuổi tuyển chọn từ 18 - 30 tuổi (trước đây tuyển chọn ứng viên từ 20 - 30 tuổi) để giúp Chương trình có thêm nguồn lao động trẻ, năng động, đồng thời tiếp tục góp phần giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động tại địa phương; tăng chi phí hỗ trợ tiền ký túc xá trong thời gian đào tạo tại Việt Nam cho người lao động; chi trả tiền khuyến khích sự nghiệp cho cả đối tượng thực tập sinh kỹ năng đang thực tập giai đoạn 3 phải dừng chương trình thực tập và về nước giữa chừng vì lý do cá nhân; bổ sung mức chi trả tiền nhà tại Nhật Bản cho thực tập sinh không vượt quá 15% tiền lương cơ bản.

Trần Thắng

TAG: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung IM japan ký Kết bản ghi nhớ chương trình phái cử tiếp Nhận thực tập sinh Kỹ Năng Việt Nam thực Tập kỹ Thuật NHật Bản
Tin khác
Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30/4 và 1/5
TP.HCM: Hơn 2.600 lượt công nhân được vay vốn lãi suất ưu đãi từ CEP
Nghệ An: Chú trọng công tác an toàn, vệ sinh lao động
TP.HCM: Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tuyển hơn 1.500 vị trí việc làm
Hà Nội: Nhiều giải pháp đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La thăm và làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Lạng Sơn tích cực chuẩn bị triển khai Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần