Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Kon Tum: Chú trọng tạo việc làm cho đồng bào vùng dân tộc
03:16 PM 11/11/2019
(LĐXH) - Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Kon Tum là đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Sở Lao động-TB&XH. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định số 1706/QĐ-SLĐTBXH ngày 22/12/2014 của Sở Lao động-TB&XH tỉnh Kon Tum, nhất là giới thiệu việc làm cho người lao động nói chung và đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số (DTTS).
Là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở Bắc Tây Nguyên, dân số toàn tỉnh đạt 533.000 người. Trong đó, người đồng bào DTTS chiếm 53,25%, với 28 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ, gồm: Xơ đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ -Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre (Hrê). Theo bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum, để nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, cũng như các tỉnh khác ở Tây Nguyên, Kon Tum đã tập trung vào việc tạo sinh kế bền vững cho người dân, ưu tiên định hướng và giới thiệu việc làm cho người nghèo trong độ tuổi lao động nhưng chưa có việc làm; tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm phù hợp cho lao động có nhu cầu; đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo".
Trung tâm DVVL tỉnh Kon Tum
Hiện nay, lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh khá dồi dào với gần 310.000 người (chiếm 58% dân số) và có tốc độ tăng khá nhanh, chủ yếu do tăng tự nhiên. Tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn thấp, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo chung đạt 49,0%, qua đào tạo nghề đạt 32,0%. Toàn tỉnh có một khu công nghiệp và một khu kinh tế; số doanh nghiệp hoạt động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp 1.602 doanh nghiệp; tổng số lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 20.239 người, trong đó số lao động đã qua đào tạo là 11.617 người, chiếm tỷ lệ 57,4% tổng số lao động. Chất lượng lao động thấp và chậm được cải thiện, trong đó chủ yếu là do trình độ học vấn của lực lượng lao động còn quá thấp, đặc biệt là lực lượng lao động là người DTTS ở các xã nghèo vùng sâu vùng xa, đại đa số chưa qua đào tạo nên việc làm không ổn định và thu nhập từ các việc làm còn thấp. Đây là một thách thức không nhỏ trong công tác giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề việc làm, với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Trung tâm DVVL Kon Tum đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng ngàn lao động trong tỉnh bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng như: Tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho 100% người lao động đến trung tâm tại bộ phận một cửa, một điểm dừng của Trung tâm; tư vấn qua điện thoại, facebook, email...; Tổ chức hội nghị xuất khẩu lao động nhằm tháo gỡ khó khăn cho từng địa phương;
Tổ chức ngày Hội việc làm của tỉnh; tư vấn về nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên các trường Phổ thông trung học, dân tộc nội trú của tỉnh...
Cùng với đó, phối hợp với các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân,.. tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, hội viên. Hàng năm, đơn vị còn phối hợp với Phòng Lao động-TB&XH các huyện, thành phố, các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và tổ chức các Phiên giao dịch việc làm tại huyện, các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh (đạt khoảng 80% số xã, phường, thị trấn của tỉnh).
Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở về công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Nhằm góp phần nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, cán bộ cơ sở về công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động của địa phương, từng bước nâng cao số lượng, chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2017 – 2019, Sở Lao động-TB&XH tỉnh giao Trung tâm DVVL tổ chức thực hiện các hoạt động Hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ngoài ra, được sự hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật của Ban quản lý dự án RALG Kon Tum (do cơ quan Phát triển Bỉ tài trợ), Trung tâm DVVL đã triển khai dự án “Truyền thông hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho thanh niên” giai đoạn 2017 – 2018. Thông qua các hoạt động của dự án, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động của Trung tâm được nâng cao phương pháp truyền thông, kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ, đặc biệt là đoàn viên thanh niên là người DTTS; xây dựng và kết nối được 200 cán bộ cơ sở, thường xuyên phối hợp với Trung tâm để tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại địa phương. 
Năm 2018, giới thiệu, cung ứng 619/550 lao động, đạt 112,5% kế hoạch, trong đó lao động là người DTTS: 288 người; tư vấn, giới thiệu 170 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 170% kế hoạch. Đặc biệt từ cuối năm 2018 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương và một số tỉnh khác để đưa lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động (đã giới thiệu việc làm được gần 500 lao động, trong đó 95% lao động là người DTTS) góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Trung tâm, được các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp và người lao động ghi nhận.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động của Trung tâm nói chung và hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động là người DTTS nói riêng, Trung tâm đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ thường xuyên của Sở Lao động-TB&XH, Cục Việc làm; sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh và Trung tâm DVVL một số tỉnh bạn.
      Bên cạnh một số kết quả đã đạt được, hiện nay, vẫn còn một số huyện, xã chưa quan tâm đúng mức đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động , xem đây là trách nhiệm của Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, của Trung tâm DVVL. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là phối hợp tổ chức các Phiên giao dịch việc làm lưu động. Đa số các doanh nghiệp của tỉnh là doanh nghiệp nhỏ (doanh nghiệp gia đình) nên nhu cầu tuyển dụng lao động hạn chế; chủ yếu là tuyển lao động phổ thông, việc làm thời vụ, thiếu ổn định; chế độ chính sách đối với người lao động thấp,.. nên chưa thu hút và giữ chân được người lao động; chưa phối hợp với Trung tâm trong việc khai báo tình hình biến động lao động theo quy định.  
     Bên cạnh đó, đa số lao động là người DTTS nên trình độ văn hóa, nghề nghiệp chưa cao; ngại xa nhà, sợ bị lừa; vì bất đồng ngôn ngữ, nên một số người DTTS ngại chia sẻ, ngại nói lên những khó khăn của mình; thiếu thông tin, thiếu kỹ năng, chưa chủ động tìm kiếm việc làm; chưa mạnh dạn, tự tin tham gia phỏng vấn, tiếp cận trực tiếp với nhà tuyển dụng; thích sống tự do, không quen với tác phong làm việc công nghiệp. Ngoài ra, do địa bàn rộng, điều kiện đi lại khó khăn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, trong khi các nguồn lực về kinh phí, nhân lực của Trung tâm còn hạn chế, hầu như không có nguồn thu khác ngoài kinh phí được Nhà nước giao hàng năm.
     Để từng bước khắc phục những khó khăn, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới,  Trung tâm DVVL tỉnh Kon Tum sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
     Một là, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về tầm quan trọng của việc làm đối với mỗi cá nhân và xã hội, chính sách pháp luật về lao động, việc làm, về thông tin thị trường lao động; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền trực quan, sinh động, phù hợp với lao động là người DTTS. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền, chia sẻ thông tin thị trường lao động (qua email. Zalo, facebook,...).    
     Hai là, phát huy sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương; phát huy vai trò của Già làng, trưởng thôn và cán bộ đoàn thể ở cơ sở (cán bộ đoàn thanh niên và hội phụ nữ) trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại địa phương, đặc biệt là lao động người DTTS. Xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới tuyên truyền viên về lao động - việc làm từ tỉnh đến cơ sở, trong đó chú trọng vai trò của người có uy tín tại địa phương như Già làng, cán bộ các tổ chức đoàn thể,.. nhằm chia sẻ thông tin tuyển lao động của các doanh nghiệp, đơn vị; tổng hợp danh sách người lao động có nhu cầu tìm việc làm gửi về Trung tâm (qua thư điện tử cá nhân).  
      Ba là, phối hợp chặt chẽ với phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ chức đoàn thể trong việc bố trí địa điểm, thời gian phù hợp, triệu tập thành phần tham dự đông đủ các Hội nghị Tư vấn giới thiệu việc làm, phiên Giao dịch việc làm cho đoàn viên thanh niên, người lao động tại huyện, xã; phối hợp giữa các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, trong hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp trong tương lai cho học sinh, sinh viên.
     Bốn là, tăng cường các hoạt động khảo sát, kết nối với doanh nghiệp và Trung tâm DVVL các tỉnh bạn để tìm kiếm, lựa chọn những vị trí việc làm phù hợp để tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động là người DTTS. Tổ chức tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật lao động (quyền lợi, trách nhiệm của người lao động, doanh nghiệp,..); bồi dưỡng kỹ năng làm việc cho người lao động trước khi giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp (ngoài tỉnh). Bố trí nhân viên của Trung tâm đưa người lao động đến nơi làm việc, phối hợp với doanh nghiệp bố trí nơi ở, sắp xếp công việc ổn định, bàn giao lao động cho doanh nghiệp.       
     Năm là, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, ý thức, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị thường xuyên quan tâm theo dõi, sẵn sàng hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động được Trung tâm giới thiệu việc làm khi gặp khó khăn, rủi ro (như: hỗ trợ về nhà ở, vé xe; hỗ trợ giải quyết khi chậm lương, đau ốm,..), tạo niềm tin với người lao động và chính quyền địa phương.
Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
TAG: KON TUM giải quyết việc làm Trung tâm DVVL đồng bào DTTS
Tin khác
Đắk Lắk: Nhiều hoạt động trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024
Quảng Ninh: Quan tâm tạo việc làm cho người lao động
Lạng Sơn: 3.500 lao động được giải quyết việc làm trong quý I/2024
Hà Nội tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trước kỳ nghỉ lễ 30/4
Điện Biên chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong các doanh nghiệp
Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024: Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động
Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
An Giang: Thực hiện đồng bộ chính sách lao động, việc làm
Lào Cai: Gần 5.000 lao động được giải quyết việc làm trong 3 tháng đầu năm