Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Kiến nghị lồng ghép giới trong các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
05:18 PM 24/02/2020
(LĐXH) Vừa qua, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khuyến nghị lồng ghép giới trong các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ngày 15/2/2020, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 12/NQ-CP về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88. Trong đó có nhiệm vụ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5 năm 2020) để thực hiện từ năm 2021.
Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, tổ chức chính trị nghiên cứu, xây dựng 10 dự án và 11 tiểu dự án thuộc Chương trình. TW Hội LHPN Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng dự án số 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em".
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: Quản trị liên quan tới bảo đảm bình đẳng giới (đảm bảo đầu tư hiệu quả vào nguồn vốn con người; cơ chế phân bổ vốn dựa trên kết quả...); Đầu tư vốn con người theo hướng thúc đẩy bình đẳng giới (tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe bà mẹ; phát triển kỹ năng...); Tăng cơ hội kinh tế cho phụ nữ (tăng tiếp cận nguồn lực như vốn, đất sản xuất, công nghệ thông tin; hỗ trợ tiếp cận thị trường lao động...).
Ông Nguyễn Tam Giang, chuyên gia phát triển xã hội, Ban Phát triển đô thị, nông thôn và xã hội, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, giữa các chương trình, dự án đang thiếu sự điều phối ở các cấp, thiếu nguồn vốn, phương pháp tham gia các dự án chưa hiệu quả. Để có sự điều phối hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, cần tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong bộ máy quản lý địa phương nhằm triển khai các dự án tập trung vào phụ nữ và trẻ em gái ở các nhóm dân tộc thiểu số phát triển. 
Phụ nữ dân tộc thiểu số là nhóm có nguy cơ cao bị bỏ lại phía sau
(Ảnh minh họa)
Đối với vấn đề định kiến giới, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nêu quan điểm, cần tăng cường hiểu biết và kỹ năng về nhạy cảm giới và bình đẳng giới cho cán bộ các ngành; tăng cường năng lực cho phụ nữ. Bên cạnh đó, cần theo dõi và đánh giá tính hiệu quả, trong đó các bộ số liệu dân tộc cần phân theo giới, phân tích được nhiều khía cạnh của các nhóm dân tộc thiểu số, có các chỉ tiêu cụ thể.
Trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 Chính phủ đặt ra 10 dự án lớn. Trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đề xuất lồng ghép giới trong cả 10 dự án này. Theo bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội được chủ trì dự án 8 về xây dựng và triển khai thực hiện về giải quyết một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, việc thực hiện bình đẳng giới, những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em không chỉ giải quyết trong khuôn khổ của dự án này.
"Trong dự án 1 Hội Liên hiệp Phụ nữ đề xuất một số vấn đề liên quan đến xây dựng nhà vệ sinh cho hộ gia đình dân tộc thiểu số và đồng bào sống ở vùng dân tộc thiểu số. Để được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, chúng tôi cũng không đề xuất hỗ trợ theo kiểu cho không mà hỗ trợ có điều kiện. Hay tại dự án 3 phát huy, hỗ trợ, vận động phụ nữ phát triển kinh tế, có những biện pháp Hội đã triển khai hiệu quả trong nhiều năm nay với sự hỗ trợ của các bộ, ngành và Chính phủ", bà Trương Thị Thu Thủy cho hay.
Cũng tại Hội thảo, một số khuyến nghị đáng chú ý được các đại biểu đề xuất là:
Cần có sự đảm bảo điều phối giữa các ban, ngành, tăng sự tham gia của phụ nữ trong bộ máy quản lý địa phương, tham gia thiết kế, triển khai, theo dõi, đánh giá việc thực hiện các dự án trong CTMTQG. Cần phải có tiếng nói chung về nhận thức Giới để không bị khác biệt hoặc vẫn mang định kiến giới trong quá trình xây dựng, thực hiện đề án; việc xác định vấn đề, cách thức thực hiện, vận động xã hội ở mỗi bộ, ngành, tổ chức khác nhau dựa trên chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động của mình.
Các bộ số liệu cần phân tổ theo giới để phân tích được nhiều khía cạnh khác nhau của các nhóm DTTS, có các chỉ tiêu cụ thể đo các hành động bảo đảm BĐG trong các dự án, tiểu dự án với các hướng dẫn cụ thể để có thể đo lường, đánh giá. Các chỉ tiêu đưa ra cần được đối chiếu với mục tiêu chương trình mục tiêu phát triển bền vững cùng với đó cần phải có sự thu thập rõ ràng các số liệu thực tế để thấy được sự thực hiện so với kế hoạch đề ra.
Nâng cao năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái DTTS tính tới nhu cầu và hạn chế của phụ nữ và trẻ em gái DTTS; Tạo hệ thống thông tin thị trường lao động thân thiện với PN và trẻ em gái DTTS; Hỗ trợ họ kinh doanh trực tuyến (du lịch sinh thái, bán hàng thủ công mỹ nghệ, nông lâm sản), tạo cơ hội kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật; Xây dựng và phát triển mô hình nhiều bên tham gia đào tạo nghề trong công việc cho em gái tốt nghiệp THCS, PTTH, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm hỗ trợ di cư, hỗ trợ pháp lý trong quan hệ lao động, xem xét các chuẩn mực giới trong phân chia lao động, giải quyết các vấn đề của phụ nữ trung niên... Qua đó giúp phụ nữ và trẻ em gái DTTS có thể tham gia tốt hơn vào các lĩnh vực của cuộc sống, giảm khoảng cách giới; Thúc đẩy vai trò của nam giới tham gia vào các công việc gia đình, chăm sóc con cái…
Theo ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các ý kiến tại Hội thảo là cơ sở quan trọng để Ban soạn thảo tổng hợp, hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trình Quốc hội trong thời gian tới.
Thảo Lan
TAG: lồng ghép giới dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Tin khác
Quảng Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hà Tĩnh: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn tín dụng chính sách
Quận Bắc Từ Liêm: Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vùng khó
Hội Người mù Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
Tiếp bước cho cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt  gìn giữ “Nghề dệt thổ cẩm quê em”
Hậu Giang huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công