Sức khỏe - Đời sống
Trang chủ / Sức khỏe - Đời sống / Sức khỏe - Đời sống
Khởi động Chương trình nâng cao sức khỏe người di cư Việt Nam
04:02 PM 08/07/2020
(LĐXH) Di cư là một hiện tượng tất yếu, gắn liền với quá trình phát triển. Người di cư cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều rào cản trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Điều đó đặt ra yêu cầu cần có các chương trình hành động với các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người di cư trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình.
Ngày 7/7/2020, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo Khởi động Chương trình nâng cao sức khỏe người di cư Việt Nam. Hội thảo có sự tham dự của ông Kidong Park, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam; Brett Dickson, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam; các đại biểu đến từ các Ban của Đảng, Bộ, Ngành, các cơ quan của Liên hợp quốc, Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, các chuyên gia,  nhà khoa học.
Ông Kidong Park, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam
phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng nhau bàn thảo về các vấn đề liên quan đến sức khỏe người di cư như: Làm thế nào để tăng cường khả năng phối hợp liên ngành và thúc đẩy việc nâng cao sức khỏe người di cư? Phải chăng cần có cơ chế phối hợp liên ngành? Có nhóm công tác sức khỏe người di cư? Hay phải thiết kế, xây dựng chương trình nâng cao sức khỏe người di cư, tăng cường khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người di cư trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình?
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế nhấn mạnh, di cư là một hiện tượng tất yếu, gắn liền với quá trình phát triển. Dân số thế giới hiện có khoảng hơn 7 tỷ người thì có khoảng 272 triệu người di cư. Tại Việt Nam, với quy mô dân số 96,2 triệu người, xếp thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Số người Việt Nam di cư quốc tế chiếm gần 9% dân số. Theo Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, di cư nội địa trong 5 năm qua  là hơn 7% dân số. Dòng di cư nội địa chủ đạo của Việt Nam là từ thành thị đến thành thị và từ nông thôn ra thành thị.  
Brett Dickson, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam
Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 65,4 triệu người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), chiếm 68,0% tổng dân số. Với số lượng dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhưng cũng chắc chắn tác động rất lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam.
Di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, di cư cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Nơi đi là sự khuyết thế hệ và sụt giảm lực lượng lao động; nơi đến là các sức ép đối với cơ sở hạ tầng, dịch vụ an sinh xã hội, y tế, nước sạch, giáo dục, giao thông và thậm chí cả những vấn đề về an toàn, an ninh trật tự xã hội. Bản thân người di cư cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều rào cản trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ trên, trong đó có việc chăm sóc sức khỏe.
Toàn cảnh Hội thảo
Chúng ta đã và đang chứng kiến một thực tiễn hiện nay là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến mọi quốc gia trên thế giới và đang diễn biến phức tạp. Việc di chuyển, tiếp xúc của người di cư quốc tế đã làm gia tăng tình trạng lây lan của dịch bệnh giữa các quốc gia và trên toàn cầu. Người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương cũng phải đối mặt với những vẫn đề như mất việc làm, giảm lương đặc biệt là những nguy cơ về sức khỏe và những việc này cũng tác động tới sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia.
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã yêu cầu quan tâm, đầu tư đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương trong đó có người di cư. Di cư không phải là bài toán của riêng một ngành nào cần giải mà là sự phối kết hợp chung tay của tất cả các cấp, ngành, trung ương và địa phương.
Thảo Lan
 
TAG: hội thảo khởi động Chương trình nâng cao sức khỏe người di cư Việt Nam bao
Tin khác
Việt Nam có đủ vắc xin phòng bệnh não mô cầu cho trẻ em và người lớn
Nguy cơ thừa cân, béo phì từ sử dụng đồ uống có đường
Hội Nam y Việt Nam khám và cấp thuốc miễn phí cho người dân tỉnh Gia Lai
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực tim mạch, ung thư, y tế thông minh, du lịch y tế
Khám, chữa bệnh miễn phí và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái
Hà Nội ghi nhận số người mắc thủy đậu gia tăng cả ở người lớn và trẻ nhỏ
Giải pháp nào để đảm bảo 100% bệnh nhân lao có thẻ bảo hiểm y tế?
Phác đồ “giờ vàng’’ cứu sống hàng trăm trẻ sinh rất non
Lần đầu tiên người dân Việt Nam được tiêm vắc xin não mô cầu thế hệ mới