Tin trong nước
Trang chủ / Thời sự / Tin trong nước
Khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019 Ngành Lao động – TBXH
09:23 AM 25/12/2019
(LĐXH)- Sáng 25/12/2019, tại Hà Nội, Bộ Lao động – TBXH tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020.
Dự và chỉ đạo Hội có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành…
Tại lễ khai mạc, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH đã có bài phát biểu quan trọng, Tạp chí Lao động và Xã hội xin trích đăng nội dung bài phát biểu:
Thực hiện tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong năm vừa qua là tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong năm 2019, toàn Ngành Lao động - TBXH đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành đều được triển khai đồng bộ, đạt kết quả tích cực. Hoàn thành 3 chỉ tiêu của Ngành, góp phần vào cùng cả nước hoàn thành 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Quang cảnh hội nghị
Theo đó, năm 2019, là năm thứ tư liên tiếp Bộ hoàn thành 100% Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Bộ đã chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành 90,06%, đây là Bộ luật có nhiều nội dung lớn, phức tạp, nhạy cảm, qua đó đã nội luật hóa công ước và các cam kết quốc tế, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế ILO.
Năm 2019, Bộ đã hoàn thành 196 nhiệm vụ (đạt 100%) do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ, không có nhiệm vụ quá hạn. Năm 2019, cả nước đã tạo việc làm cho trên 1,6 triệu lao động, đạt 103,2% kế hoạch; đưa 148 nghìn người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, về đích trước 1 năm trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Tuyển sinh dạy nghề đạt trên 2,33 triệu người, là năm thứ hai liên tiếp tuyển sinh vượt kế hoạch; giảm nghèo tiếp tục đạt kết quả tích cực, tỷ lệ giảm nghèo năm 2019 giảm 1,35%, đến nay hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4%; theo tiêu chí của Liên hợp quốc, chúng ta còn 1,45%, đáng phấn khởi là đã xuất hiện nhiều tấm gương vươn lên thoát nghèo, tự viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo tại một số địa phương. Về lĩnh vực người có công, qua hơn 3 năm đã giải quyết chế độ hoặc giải đáp, trả lời đối với 100% số hồ sơ rà soát tại thời điểm ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH - trên 6000 hồ sơ), trong đó đã xác nhận trên 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh. Hiện nay, đang tiếp tục xem xét theo hướng mở rộng phạm vi đến các ngành, cấp huyện, xã và trong nhân dân và theo báo cáo của các địa phương, có 8 địa phương đã giải quyết xong hồ sơ tồn đọng, 14 địa phương không có tồn đọng.
Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc hội nghị
Toàn Ngành đã tổ chức rà soát, sắp xếp lại bộ máy, giảm trên 100 các phòng, ban, rà soát, sắp xếp giảm 133 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đạt 10,8% chỉ tiêu Nghị quyết Trung ương.
Các lĩnh vực bảo trợ xã hội; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội; hợp tác quốc tế; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, phát triển, có nhiều tiến bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác của Ngành Lao động - TBXH trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, thách thức như: Công tác quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam vẫn còn hạn chế; chất lượng giáo dục nghề nghiệp còn thấp. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chậm được khắc phục. Đời sống của đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn. Tệ nạn ma túy, mại dâm ở nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, không có chiều hướng giảm.
Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII; Kế hoạch 5 năm 2016-2020 của Ngành Lao động - TBXH… đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động trên nhiều phương diện,... đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm và sáng tạo hơn nữa trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
Trên cơ sở đó, tại Hội nghị này, tôi đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá các kết quả đạt được trong năm 2019, phân tích những tồn tại hạn chế, làm rõ những nguyên nhân và bàn các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để triển khai nhiệm vụ năm 2020.
1. Về công tác xây dựng thể chế: Trong năm 2020, số lượng văn bản Bộ phải xây dựng để ban hành hoặc trình ban hành rất lớn, đặc biệt là các văn bản trình Quốc hội, Chính phủ ban hành gấp hơn 2 lần trung bình hằng năm, dự kiến tổng số khoảng 80 đề án, bao gồm: 01 dự án luật, 01 hồ sơ gia nhập công ước, 48 nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trong đó có 25 nghị định, ưu tiên 11 Nghị định liên quan đến hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động) và 30 thông tư của Bộ trưởng. Một số đề án lớn, quan trọng và phức tạp như: Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức (theo cam kết của Quốc hội và Chính phủ), sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
2. Phát triển thị trường lao động, chú trọng công tác hướng nghiệp, dự báo, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cung - cầu; triển khai thực hiện chính sách việc làm công, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp; mở rộng thị trường lao động ngoài nước.
3. Về giáo dục nghề nghiệp, phải tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ hơn: Để giáo dục nghề nghiệp phát triển ở tầm cao mới, có những đóng góp xứng tầm vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp phải có những đột phá về quy mô, chất lượng, có những mô hình hiệu quả. Gắn kết chặt chẽ phát triển giáo dục nghề nghiệp với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển.
4. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 14 và kết luận của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, rà soát, giải quyết hiệu quả chính sách hỗ trợ người có công, bảo đảm công khai, minh bạch; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm. Thực hiện tốt các chính sách nâng cao mức sống người có công với cách mạng và gia đình, phấn đấu đến hết năm 2020 không còn hộ nghèo có thành viên là thuộc đối tượng người có công với cách mạng.
5. Phát triển hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, bền vững, đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa nhà nước, xã hội và người dân, nhất là lĩnh vực phát triển bảo hiểm xã hội (Có những lĩnh vực, đối tượng Nhà nước phải đầu tư và hỗ trợ; có những lĩnh vực, đối tượng Nhà nước chỉ hỗ trợ; có những lĩnh vực, đối tượng để xã hội hóa). Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình, học đường, xâm hại trẻ em...
Trong thời gian qua, Ngành Lao động - TBXH đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương. Với ý nghĩa trên, thay mặt Bộ Lao động - TBXH, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị.  
Trần Thắng
TAG: Ngành Lao động - TBXH Khai Mạc triển khai nhiệm vụ Chủ tịch Quốc hội Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bao
Tin khác
Phiên giao dịch và tư vấn việc làm quận Hà Đông năm 2024: Cơ hội tốt để người lao động lựa chọn những vị trí việc làm phù hợp
Đảng ủy Bộ LĐ-TB&XH chính thức tiếp nhận Đảng bộ và đảng viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II
Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp kiểm tra huấn luyện tại Đồng Nai
Tăng cường mối quan hệ hữu nghị, thúc đẩy thực thi pháp luật trên biển
Tin buồn: Đồng chí Trần Thị Thanh Thanh từ trần
Tiếp tục phát huy và lan tỏa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 28 ( khoá XI): Ưu tiên thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng, đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu
Nâng cao chất lượng nghiệp vụ công tác tư tưởng của Đảng